Vì sự hài lòng của công dân
Năm 2021, mục tiêu công tác cải cách hành chính của UBND tỉnh theo Kế hoạch đã ban hành (tại Quyết định số 4003) hướng đến nâng cao chất lượng, năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp. Toàn tỉnh thực hiện quản trị nhà nước theo mô hình hiện đại, mô hình chính quyền điện tử; nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực, trình độ và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Mục tiêu năm 2021 Quảng Nam quyết tâm duy trì, nâng cao thứ hạng của tỉnh đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); cải thiện căn bản thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT INDEX). Tiếp tục xác định “người dân và doanh nghiệp” là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp và “sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.
Hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu tất cả thủ tục hành chính và các dịch vụ công được rà soát, cập nhật, công bố, công khai kịp thời tại nơi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính, trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Mọi thủ tục hành chính, dịch vụ công được đưa ra tiếp nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan hành chính thuộc tỉnh; các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; phấn đấu có 98% số hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn.
Ngoài ra, tất cả hồ sơ công việc tại cấp tỉnh và 80% số hồ sơ công việc tại cấp huyện cùng 60% số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); hơn 50% số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; có 80% số thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4... Tất cả nhằm đem lại mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp đạt hơn 85%.
Cụ thể trong từng nội dung thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, ngành, đơn vị tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, đẩy mạnh triển khai các mô hình, giải pháp mới, sáng tạo; đồng thời tiếp thu, học tập, vận dụng phù hợp giải pháp, cách làm hay, có hiệu quả của các cơ quan, địa phương khác. Các cơ quan, đơn vị phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi, chỉ đạo, phối hợp và triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng, đúng thời gian nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Toàn tỉnh thực hiện công khai, minh bạch trong tiếp cận đất đai, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; minh bạch thông tin xây dựng chính sách, tiếp cận chính sách; cung cấp thông tin, giới thiệu nội dung và hướng dẫn kịp thời khi có các quy định, chính sách mới và khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu. Cập nhật đầy đủ thủ tục hành chính đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh. Triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống một cửa điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Hệ thống kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu dùng chung và ứng dụng khác đảm bảo việc sử dụng thống nhất một ứng dụng trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về công khai xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ.