Kích hoạt Trung tâm điều hành thông minh
Dự kiến ngày 1.10.2020, Quảng Nam sẽ chính thức khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. IOC không chỉ là nơi tổng hợp tất cả nguồn thông tin, dữ liệu của Quảng Nam, giúp lãnh đạo các cấp giám sát, ra quyết định, xây dựng quy chế, chính sách mà còn là kênh tương tác, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
IOC là gì?
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, IOC là trung tâm tích hợp tất cả nguồn thông tin, dữ liệu bao trùm mọi lĩnh vực của địa phương được liên thông 4 cấp. Từ những dữ liệu của IOC, có thể dễ dàng theo dõi, phân tích các chỉ số thống kê về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách địa phương, tình hình tiếp nhận, xử lý (đúng hẹn, trễ hẹn) hồ sơ và những phản ánh, kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, người dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp, kiểm soát việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh. Sẽ phân tích, tổng hợp số liệu về tình hình thực hiện khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, tình hình dạy và học, chất lượng giáo dục tại các trường học, cơ sở giáo dục... Đánh giá trách nhiệm phục vụ, thực thi công vụ của cán bộ, công chức viên chức trong bộ máy hành chính nhà nước...
PV:Tại sao phải xây dựng IOC khi Chính phủ đã có sẵn một Cổng thông tin điện tử liên thông 4 cấp, các sở, ban, ngành địa phương đều có những phần mềm quản lý công vụ, thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Hiện các phần mềm đều có chuẩn riêng. Nhưng chúng chưa được kết nối đồng bộ. Tích hợp vào IOC sẽ có một chuẩn chung, không còn riêng lẻ nữa. Ứng dụng công nghệ thông tin lâu nay tại địa phương chỉ là những ứng dụng nhỏ lẻ của một ngành, cơ quan, đơn vị nên thiếu sự liên thông. IOC sẽ thực hiện kết nối, xử lý số liệu hiệu quả, sự liền mạch của 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Hiện, nếu cần số liệu gì thì phải liên lạc với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tốn rất nhiều thời gian nhưng chưa chắc có được con số cập nhật. Không chỉ tích hợp, IOC còn phân tích dữ liệu, số liệu đã được số hóa. Chỉ cần vài thao tác là đã có thể biết ngay số liệu cần tìm và trung tâm này sẽ hỗ trợ lãnh đạo phân tích các dữ liệu để có thể đưa ra xây dựng các cơ chế, chính sách của địa phương.
Thí điểm tại Tam Kỳ, Hội An
PV:Có vẻ IOC ra đời chỉ tiện cho việc điều hành của chính quyền hơn là những lợi ích thiết thân của người dân và cộng đồng doanh nghiệp?
Ông Hồ Quang Bửu: Không chỉ giúp lãnh đạo có thể giám sát, điều hành, hỗ trợ, chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng quy chế, chính sách mà IOC còn mở ra kênh tương tác giữa chính quyền - người dân. Thông qua trung tâm này, người dân có thể phản ánh, kiến nghị tất cả vấn đề trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website của trung tâm, kèm theo hình ảnh, video. Những phản ánh này được trung tâm ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý. Việc tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải, để người dân có thể giám sát quá trình cho đến khi có kết quả cuối cùng. Lãnh đạo tỉnh dễ dàng giám sát, tương tác xử lý phản ánh hiện trường, phản ánh kiến nghị của người dân một cách cụ thể nhất!
IOC tiện cho cả hai. Chính quyền dễ điều hành. Công dân sẽ dễ dàng tìm thấy dữ liệu cần tìm và tương tác tốt với chính quyền.
PV:Xây dựng dữ liệu số hóa cực kỳ khó, tốn kém. Liệu IOC có thể có được dữ liệu chính xác, cập nhật?
Ông Hồ Quang Bửu: Dữ liệu sẽ được tổng hợp từ các nguồn như số liệu của Cục Thống kê, Sở KH&ĐT, dữ liệu của hệ thống thông tin, báo cáo của tỉnh (LRIS), các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và dữ liệu báo cáo tổng hợp khác; được tổng hợp tự động từ hệ thống phần mềm khám chữa bệnh (HIS) của các bệnh viện và phần mềm quản lý trường học (VNEDU) của các trường học...
Chính phủ “ra lệnh” tới 2025 sẽ phải số hóa toàn bộ dữ liệu về đất đai, nhưng hiện yêu cầu phải nhanh hơn nữa. Có thể ngày 1.7.2021, mỗi công dân sẽ có một mã số định danh. Một khi số hóa mọi diễn biến của đời sống, từ đất đai, dân số, tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đều có thể tìm thấy thông qua dữ liệu. IOC gom lại cho tỉnh để có thể dễ dàng xử lý. Ngay như kiến nghị của người dân, chủ tịch tỉnh biết việc kiến nghị có được giải quyết hay không và một khi hoàn tất nó sẽ tự động chuyển dữ liệu về công dân nhìn thấy.
Tất cả vấn đề này hướng đến người dân và cộng đồng. Nói thì dễ. Nhưng phải có thời gian! Không phải bấm nút là triển khai được ngay. Giai đoạn thí điểm sẽ triển khai tại TP.Tam Kỳ, TP.Hội An trên lĩnh vực: trật tự đô thị, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sẽ xây dựng ứng dụng phản ánh, kiến nghị trực tuyến trên điện thoại thông minh có tên gọi là Quảng Nam trực tuyến, đăng tải trên các kho ứng dụng Google Play, Apple Store để người dân tải về, cài đặt.
Người dân phải ở vị trí trung tâm
PV:Số hóa phải tương thích với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhưng điều này ở Quảng Nam dường như chưa sẵn sàng khi cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin địa phương chỉ mức trung bình. Theo ông, liệu có thể vận hành thông suốt khi công nghệ vẫn là khoảng trống lớn với đại bộ phận người dân?
Ông Hồ Quang Bửu: Quảng Nam sẵn sàng rồi, cho dù chỉ ở mức độ trung bình, nhưng thực sự có thể nói sự đầu tư cho lĩnh vực này còn quá thấp. Ví như Bình Phước thu ngân sách 15.000 tỷ đồng đã đầu tư 1%. Còn Quảng Nam mỗi năm đầu tư chưa tới 20 tỷ đồng là quá ít. Điều này sẽ được nhận thức, nhìn nhận lại để có cách đi đúng hướng bổ sung nguồn lực cho công nghệ thông tin. Không phải là mua máy tính mà là xây dựng cơ sở dữ liệu. Quảng Nam không viết các phần mềm mà thuê các tập đoàn lớn làm điều này.
Tất cả dữ liệu đều số hóa và đi từ cái đơn giản nhất. Sẽ xây dựng, phát triển App tương tác người dân và chính quyền: App cho người dân phản ánh, App cho cán bộ, công chức viên chức tác nghiệp, Website cho IOC. Sẽ phát triển các ứng dụng (App) tương tác giữa chính quyền - người dân để nắm bắt, giải quyết kịp thời các kiến nghị, góp ý của người dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Người dân phải ở vị trí trung tâm, hướng đến mọi thành phần trong xã hội có thể hưởng thụ lợi ích. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít hố sâu ngăn cách kỹ thuật số do điều kiện người dân không có phương tiện, không đủ kỹ năng để tiếp cận dịch vụ kiểu mới. Không thể đầu tư nhiều công sức tiền bạc vào một hệ thống chỉ phục vụ một số rất nhỏ trong khi bỏ quên số đông là chưa hợp lý. Cải tiến dịch vụ công trực tuyến để đến được ngày càng nhiều người dân là điều chính quyền đang hướng đến.
Từ vị trí, góc độ của người dân, chính quyền hiểu sự vận hành của IOC phải là những thông tin dễ dàng truy xuất, minh bạch, nhất quán, tập trung. Chính quyền biết vấn đề người dân quan tâm không phải là trang web của 4 cấp hay sự liên thông; điều họ quan tâm là các câu hỏi, câu trả lời nảy sinh từng thời điểm và cái họ cần tìm là thông tin trả lời chứ không phải các phần mềm hay cơ sở hạ tầng dữ liệu. Phương tiện để họ truy cập không chỉ là máy tính mà có thể dùng điện thoại, máy tính bảng. Cải tiến đầu tiên có thể làm là tập trung các trang website cung ứng dịch vụ công đang nằm rải rác ở khắp các sở, ban, ngành gom về một mối. Chỉ cần vào một địa chỉ duy nhất sẽ tìm thấy tất cả dữ liệu cần tìm. Sẽ tiết kiệm được chi phí vừa dễ nhớ với người dân.
Chính quyền điện tử, chuyển đổi số nói rất nhiều. Nhưng cốt lõi, mục đích duy nhất và tối thượng là tất cả đều hướng đến xây dựng một chính quyền điều hành hiệu quả, minh bạch, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương. Hiện Chính phủ, nhiều tỉnh, thành khác cũng đang tiến hành. Chuyển đổi số là xu hướng mà cũng là quá trình. Quảng Nam không đứng ngoài xu thế này. Nhưng triển khai IOC không phải chạy theo phong trào “anh có, tôi cũng có”, mà đi vào thực chất.