Thăng Bình gỡ "nút thắt" cải cách hành chính
Nhiều điểm yếu về cải cách hành chính (CCHC) ở huyện Thăng Bình đã được phân tích để tìm giải pháp khắc phục, giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.
Nhiều "điểm nghẽn"
Huyện Thăng Bình xếp 16/18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về chỉ số CCHC năm 2019, giảm đến 10 bậc so với năm 2018. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước (ICT Index) của huyện Thăng Bình xếp 17/18 huyện, thị xã, thành phố. Về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Thăng Bình đạt 82,52%, tăng 4,15% so với năm 2018, xếp thứ 8/18 huyện, thị xã, thành phố.
Ông Hồ Anh Tuân - Phó Giám đốc Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam tại TP.Đà Nẵng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng trong CCHC của huyện Thăng Bình là tạo thuận lợi để doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian đến. Theo đó, cần đáp ứng yêu cầu số hóa cung cấp thông tin, tăng tính kết nối, tương tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư qua cổng thông tin điện tử, giải quyết nhanh, hiệu quả các kiến nghị. Huyện cần ổn định giá thuê đất, hạ tầng tại các cụm công nghiệp; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nghiên cứu áp dụng quy trình xử lý song song các thủ tục.
Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH - TT huyện Thăng Bình cho rằng, công tác chỉ đạo, điều hành cũng như tham mưu ứng dụng CNTT của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chưa được thường xuyên, toàn diện. Trình độ ứng dụng CNTT của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Do đó, khả năng xử lý công việc, tiếp cận thông tin trên internet chưa đạt yêu cầu. Chính quyền 22 xã, thị trấn chưa sử dụng hiệu quả cổng thông tin điện tử, phần mềm một cửa. Ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc ở cấp huyện, cấp xã chưa đảm bảo. Trễ hạn hồ sơ trên phần mềm hành chính công điện tử cấp huyện vẫn còn xảy ra.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhìn nhận, CCHC là nhiệm vụ khó khăn nhưng các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xác định là nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên tổ chức thực hiện với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự vào cuộc, thậm chí “khoán trắng” cho bộ phận chuyên môn.
Đến nay, ở huyện vẫn chưa lấy tiêu chí CCHC để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ CCHC ở Thăng Bình vẫn còn ít ỏi. Đáng lo ngại, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, kỹ năng hành chính của cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thừa về số lượng nhưng lại thiếu và yếu về năng lực làm việc. Công chức, viên chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đều kiêm nhiệm nên hạn chế về chất lượng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Giải pháp nào?
Theo ông Hồ Văn Minh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình, để chấn chỉnh các “điểm nghẽn” về CCHC, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, nội quy cơ quan. Phòng Nội vụ sẽ tham mưu UBND huyện theo dõi công tác quản lý, phân công nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua nhật ký công vụ.
“Không thể có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức hách dịch, cửa quyền hoặc gây phiền hà cho công dân, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ” - ông Hồ Văn Minh nói.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định, Thăng Bình đang quyết tâm để nâng chỉ số CCHC. Theo đó, nỗ lực xếp hạng 10 về chỉ số CCHC ở năm 2020 và tăng dần trong các năm tiếp theo. CCHC phải được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, các cơ quan, đơn vị địa phương phải vào cuộc với nỗ lực lớn hơn. Toàn huyện quyết tâm đồng bộ cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
“Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng CNTT vào công tác được nhanh chóng, hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng CNTT sẽ được xây dựng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Phần mềm hành chính công điện tử cấp huyện và cấp xã sẽ được chú trọng hơn. Tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ phải thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử” - ông Võ Văn Hùng nói.