Công bố chỉ số PAPI 2019: Quảng Nam tăng điểm, thăng hạng
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2019 - đo lường sự hài lòng của người dân của Quảng Nam tăng cả điểm lẫn thứ hạng. Đây là kết quả do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện công bố vào sáng qua 28.4.
Quan ngại nhiều vấn đề
Không có tỉnh thành nào thuộc nhóm đạt điểm cao nhất ở 8 chỉ số thành phần. Tất cả tỉnh thành đều nằm dưới điểm trung bình về quản trị môi trường, nhất là việc lo ngại về chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Sự vận hành việc cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương của 63 tỉnh thành đều chưa được tốt. Tuy nhiên, báo cáo PAPI năm 2019 cho thấy xu hướng tích cực ở các tỉnh thành trên cả nước.
Cải thiện lớn nhất thuộc về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và công khai, minh bạch trong việc ra quyết định. Hai lĩnh vực này tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân. Báo cáo cũng chỉ ra tuy chỉ số kiểm soát tham nhũng đã được cải thiện nhưng vẫn còn đến 20 – 45% người dân cảm nhận tham nhũng vẫn còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới vẫn còn nhiều vấn đề buộc phải cải thiện.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là điểm số của chỉ số thủ tục hành chính công gần như không thay đổi, thậm chí đi xuống, dù doanh nghiệp đánh giá đã có sự cải thiện và nỗ lực đẩy mạnh quản trị những năm gần đây để đơn giản hóa thủ tục cho người dân.
Điều đặc biệt, mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam hai năm gần đây đạt mức 7% (cao nhất liên tục trong thập niên qua), vẫn có tới gần 25% người dân trả lời khảo sát PAPI tiếp tục cho rằng đói nghèo là mối quan ngại lớn nhất trong năm 2019 và tỷ lệ này duy trì suốt từ năm 2016 đến nay. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm môi trường đã quay lại nhóm 3 mối lo ngại hàng đầu của người khảo sát (cả trước khi đại dịch Covid-19 tác động đến Việt Nam).
Tăng điểm và thăng hạng
Kết quả công bố cho thấy PAPI 2019 của Quảng Nam đạt đến 44,33 điểm, đứng vị thứ 22, tăng 1,19 điểm và 22 bậc so với năm 2018. Chỉ trừ lĩnh vực tham gia của người dân cấp cơ sở và quản trị môi trường bị mất điểm - tương ứng 0,39 điểm và 0,81 điểm, các chỉ số khác đều tăng điểm, kể cả chỉ số quản trị điện tử được đánh giá tất cả địa phương đều thấp (2,95/2,47).
Điểm số cao nhất của 8 chỉ số thành phần PAPI 2019 thuộc về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công (tương ứng 7,5 điểm, 7,16 điểm và 7,43 điểm). Các chỉ số này tăng tương ứng 0,86 điểm; 0,14 điểm và 0,41 điểm.
Thống kê cũng cho thấy chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở liên tục bị mất điểm, nhưng chỉ số kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công hay công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương (vốn bị mất điểm năm 2018) đã gia tăng điểm đáng kể.
Kế hoạch năm 2019 chỉ số PAPI Quảng Nam đạt 48 điểm, tăng 5,06 điểm so với năm 2018, nằm trong nhóm tỉnh thành đạt điểm trung bình cao nhất cả nước về hiệu quả quản trị và hành chính công đã không thể thực hiện được. Tuy nhiên, điểm số và vị thứ so với điểm số bình quân chung của 63 tỉnh thành trên cả nước là những thống kê đáng để lạc quan về hiệu quả quản trị của chính quyền trước đánh giá của người dân. Kết quả này không phải là một bất ngờ khi sự vận hành của công cuộc cải cách hành chính, hiện thực hóa các nghị quyết, chỉ thị, kiên trì mục tiêu chính quyền phục vụ làm hài lòng người dân, hướng đến xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả đã phát huy tác dụng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, kết quả này thể hiện nỗ lực vượt bậc của Quảng Nam. Chính quyền đã điều hành, giải quyết tối đa, kịp thời các hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hoặc trước hạn của địa phương luôn luôn cao (98 - 99% trở lên). Kể cả thời gian dịch bệnh, mọi hoạt động hành chính của chính quyền các cấp không hề bị gián đoạn. Thời gian cao điểm của giãn cách xã hội, Quảng Nam vẫn duy trì những bộ phận giải quyết thủ tục hành chính cấp thiết, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3&4, qua hệ thống công ích, xây dựng một bộ thủ tục hành chính cấp thiết để phục vụ nhân dân. Khi việc giãn cách được nới lỏng, UBND tỉnh đã chỉ thị mở ngay các bộ phận một cửa các cấp để giải quyết kịp thời yêu cầu cho người dân.