Chuyển giao nhiệm vụ hành chính công qua BCCI: Cần sự vào cuộc đồng bộ

HOÀNG LIÊN 04/12/2019 12:20

Qua thời gian ngắn triển khai Quyết định số 143/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công (HCC) qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) trên địa bàn Quảng Nam, xuất hiện nhiều tồn tại, vướng mắc khiến việc triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra. UBND tỉnh chỉ đạo, thời gian tới, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các sở ban ngành, các địa phương và ngành bưu điện tỉnh.

Chưa đạt mục tiêu đề ra

Theo ông Trần Thanh Bình - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam, 11 tháng đầu năm 2019, Bưu điện (BĐ) tỉnh đã chuyển trả 18.399 hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đến tận địa chỉ cá nhân, tổ chức theo yêu cầu, đạt 23% hồ sơ tại Trung tâm HCC về trả kết quả giải quyết TTHC. Hiện, có 5 sở đồng ý thực hiện chủ trương bằng các thỏa thuận hợp tác, văn bản chuyển giao các TTHC đơn giản cho BĐ hỗ trợ tiếp nhận tại Trung tâm HHC. Trong đó, Sở Y tế 133 thủ tục; Sở KH&CN 15 thủ tục; Sở GD-ĐT 4 thủ tục; Sở TN&MT 56 thủ tục; Sở VH-TT&DL 6 thủ tục. Thời gian qua, các huyện/thành phố/thị xã đã bố trí 1 quầy để nhân viên BĐ tham gia hỗ trợ tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận 1 cửa gồm: TP.Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Phú Ninh, Đại Lộc, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Núi Thành. 

Trong 11 tháng đầu năm 2019, BĐ cấp huyện tiếp nhận, chuyển phát 177.960 hồ sơ trả kết quả giải quyết TTHC đến các cá nhân, tổ chức, thu hộ hơn 10 tỷ đồng tiền phí, lệ phí. Trong đó, Sở GT-VT có 2.893 hồ sơ, đạt 16%; Sở Tư pháp 6.564 hồ sơ trực tuyến (36%); Công an tỉnh gồm hộ chiếu 4.433 hồ sơ, CMND 2.859 hồ sơ, PCCC 12 hồ sơ (40%). Ở nhóm hồ sơ của các sở, ngành và Trung tâm HCC chỉ chiếm tỷ lệ 8%. Tại bộ phận “một cửa” UBND 7 xã theo đề án 143, tính đến 20.11.2019, các hồ sơ, TTHC phát sinh tại BĐVHX nhiều nhất là Bình Triều với 907 hồ sơ, Duy Vinh với 1.080 hồ sơ; Tam Lộc (234 hồ sơ); Đại Hồng (77 hồ sơ); Tiên Mỹ (3 hồ sơ)...

Ông Bình cho rằng, việc triển khai Quyết định 143 vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Dù số lượng cá nhân, tổ chức đăng ký nhận trả kết quả qua BĐ có tăng, nhưng chỉ đạt 23% số hồ sơ, TTHC mà Trung tâm HCC tỉnh tiếp nhận và trả kết quả. Tại bộ phận 1 cửa các huyện/thị xã/thành phố có bố trí quầy BĐ đến thời điểm hiện tại vẫn chưa triển khai thu hộ phí qua BĐ (trừ Hội An) do các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chưa thống nhất mức phí cho BĐ. Số lượng hồ sơ cá nhân, tổ chức đăng ký trả kết quả qua BĐ tại bộ phận 1 cửa phát sinh rất ít (mới chỉ đạt tỷ lệ 4,5% tổng số hồ sơ). Bộ phận 1 cửa UBND xã Tam Lộc, Tiên Mỹ do thiếu biên chế nên chưa chuyển một cửa sang BĐ. Ở bộ phận “1 cửa” UBND xã Duy Vinh, Đại Hồng mới chuyển một công chức sang BĐ tiếp nhận hồ sơ thuộc lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, còn lại vẫn tiếp nhận tại “một cửa” của UBND xã… 

Trách nhiệm người đứng đầu

Những tồn tại, vướng mắc trong triển khai Quyết định 143 được đưa ra “mổ xẻ”, góp ý rất kỹ tại hội nghị mới đây. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, phía cán bộ BĐ cần nâng cao hơn nữa trình độ, nghiệp vụ chuyên môn trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Cần tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ nhân viên BĐ, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đại diện lãnh đạo xã Tiên Mỹ chia sẻ, địa phương đang tập trung giải quyết hồ sơ TTHC tại trụ sở UBND xã do thiếu hụt nguồn nhân lực, chỉ có thể phân công cán bộ, công chức luân phiên tới BĐVHX. “Đầu việc rất lớn, một nhân viên của BĐXHX khó kham nổi. Năm 2020, địa phương sẽ chuyển một số lĩnh vực sang BĐVHX và phía BĐ cũng nên sớm có sự chuẩn bị” - vị này nói. Ông Nguyễn Hữu Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh góp ý, BĐ tỉnh cần tăng cường đầu tư máy quạt, máy điều hòa để tiếp công dân vào tiết nắng nóng. BĐ tỉnh cũng thống nhất lại mức thu lệ phí dịch vụ cho hài hòa...

Ông Lê Ngọc Quảng - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh cho rằng, mục tiêu chuyển hồ sơ, TTHC qua BĐ là nhằm giảm hồ sơ, TTHC, giảm áp lực cho cơ quan nhà nước, song cách làm hiện nay chưa có sự tập trung và chưa khoa học. Cần tích cực tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên BĐ; phối hợp với địa phương rà soát lại các TTHC đơn giản, phát sinh hồ sơ nhiều, thuận lợi để làm trước, làm đồng loạt. Cần điều chỉnh phí dịch vụ hợp lý, làm sao để công dân chấp nhận được...

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT&TT khẳng định: “Mục tiêu Đề án 143 là giảm áp lực cho bộ máy hành chính nên đơn vị, địa phương, vì lý do này khác không chuyển giao TTHC được thì khiến mục tiêu, kỳ vọng của tỉnh khó đạt được. BĐ tỉnh cần nghiên cứu, có hướng giảm một phần mức phí để người dân thấy tiện lợi, không so sánh với các dịch vụ khác”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Tân cho rằng, Sở GT-VT, UBND xã Bình Triều, và Duy Vinh bước đầu làm rất tốt. UBND xã Tiên Mỹ, Tam Lộc và các xã, đơn vị còn lại cần học tập cách làm của các đơn vị trên. Cùng một điều kiện nhưng kết quả đem lại khác nhau, trước hết phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu, phải quyết tâm mới làm được...

“BĐ tỉnh cần tích cực triển khai có lộ trình, trọng tâm, có cách làm bài bản hơn. Tích cực phối hợp với các sở ban ngành, địa phương rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt ban hành một số TTHC đơn giản, có tần suất phát sinh hồ sơ nhiều để triển khai tập trung. Bên cạnh đó, Trung tâm HCC tỉnh, các địa phương, đơn vị, sở ban ngành cần có sự phối hợp tích cực, mục tiêu nhằm phục vụ quyền lợi tối đa cho người dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

HOÀNG LIÊN