Nam Giang ứng dụng phần mềm quản lý hộ tịch
Từ đầu tháng 8.2019, Nam Giang áp dụng phần mềm “Quản lý hộ tịch” do Bộ Tư pháp cung cấp hỗ trợ công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký, quản lý và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công tác hộ tịch tại xã, phường, thị trấn, bước đầu mang lại những lợi ích thiết thực.
Thực tế nhiều năm qua, công chức tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn của huyện Nam Giang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hộ tịch do thực hiện bằng phương pháp thủ công viết tay. Vì vậy, khi người dân có nhu cầu làm các loại giấy tờ như: cấp trích lục bản sao, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, thay đổi cải chính hộ tịch… mất rất nhiều thời gian do phải tra cứu trong sổ hộ tịch, thậm chí có nhiều trường hợp không thể giải quyết được do sổ sách dò tìm qua nhiều năm bị rách nát, mờ hoặc bị thất lạc. Từ khi đưa phần mềm quản lý hộ tịch vào sử dụng góp phần thuận lợi cho cơ quan đăng ký hộ tịch từ khâu quản lý, rà soát cho đến khâu cấp bản chính, trích lục hộ tịch được thực hiện nhanh chóng, chính xác, nhất là phục vụ người dân được tốt hơn.
Có mặt tại UBND xã Tà Pơơ vào một ngày giữa tháng 10, chúng tôi chứng kiến một số người dân đến đây làm thủ tục liên quan đến lĩnh vực hộ tịch như: đăng ký khai sinh, đề nghị cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn... đều được giải quyết rất nhanh gọn. Anh A Lăng Ghép - công chức Tư pháp - hộ tịch xã Tà Pơơ chia sẻ thêm: “Trước đây, làm theo cách thủ công viết tay, tôi mất hàng tiếng đồng hồ tìm sổ gốc hộ tịch mới thấy một sự kiện hộ tịch, thì nay chỉ cần nhập dữ liệu, phần mềm tự động điền vào các phiên bản cần tới và khi trích xuất thông tin đã có sẵn trong máy nên tra cứu rất nhanh. Còn đối với công dân trước kia đến UBND xã làm thủ tục rất vất vả do phải đi lại nhiều lần; một số mẫu tờ khai viết bằng tay, chữ viết khó đọc, hay bị sai. Từ khi triển khai phần mềm đã rút ngắn thời gian giải quyết, chỉ cần một thao tác nhấp chuột là mọi thông tin cá nhân đều được tìm thấy, vừa hạn chế sai sót, có thể sao in thành nhiều bản rất thuận tiện”.
Nhiều tiện ích
Một trong những tiện ích khi áp dụng phần mềm hệ thống thông tin quản lý hộ tịch, chính là sự liên kết giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an trong việc cấp số định danh cá nhân cho công dân. Chị Ka Phu Hồng - cán bộ Tư pháp - hộ tịch xã Cà Dy cho biết: “Phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp giúp việc thống kê, báo cáo tổng hợp số liệu một cách chính xác, dễ dàng. Phần mềm có thể cập nhật hoặc chỉnh sửa, trích xuất thông tin về hộ tịch của người dân và cho phép thống kê, tổng hợp báo cáo số liệu hằng tháng, quý, năm. Một điều thuận lợi mà phần mềm này mang lại là việc cấp số định danh cá nhân cho công dân. Khi công chức tư pháp - hộ tịch nhập dữ liệu đăng ký khai sinh mới vào phần mềm hộ tịch, trong vòng từ 2 đến 10 phút công dân đã được cấp số định danh cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Ông Dương Văn Thạnh - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nam Giang nhận xét, từ khi đưa vào ứng dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã giảm tải công việc của cán bộ trong quản lý, tra cứu các thông tin, sự kiện hộ tịch công dân, tiết kiệm thời gian và trích xuất báo cáo chính xác, nhanh chóng. Hiện nay, nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân rất lớn. Chỉ hơn hai tháng triển khai thực hiện phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, trên địa bàn huyện Nam Giang đã cập nhật, đăng ký được hơn 1.600 trường hợp đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cải chính, thay đổi hộ tịch, xác định lại dân tộc... “Tuy nhiên việc sử dụng phần mềm chỉ thực hiện được ở 8 địa phương có kết nối internet, vẫn còn 4 xã do địa hình đồi núi phức tạp chưa kết nối được mạng nên công tác quản lý hộ tịch vẫn còn làm theo hình thức thủ công. Trong số này có 2 xã khắc phục bằng cách dùng mạng 3G của sóng Viettel, còn lại 2 xã La Êê và Chơ Chun hoàn toàn không bắt được sóng nên chưa sử dụng đồng bộ phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch, rất khó khăn cho người dân” - ông Dương Văn Thạnh nói.