Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021: Ghi nhận từ cơ sở (bài cuối)
Các địa phương tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng sự tác động của việc sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã; làm thận trọng, đầy đủ các bước, hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo thuận lợi nhất cho người dân trong cuộc sống, sinh hoạt...
Cần thiết nhưng cẩn trọng
Theo Sở Nội vụ, quá trình chia tách các ĐVHC cấp xã thời gian qua đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế như: việc tăng số lượng ĐVHC cấp xã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi ngân sách nhà nước do tăng biên chế và quỹ tiền lương, xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc và tăng chi thường xuyên... Đặc biệt, việc chia tách ĐVHC cấp xã đã dẫn đến hiện nay có nhiều ĐVHC không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế và thực hiện đúng chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Trung ương số 18 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và Nghị quyết số 37 ngày 24.12.2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì việc xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 là cần thiết.
Góp ý vào dự thảo đề án này, bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chia sẻ những nguyện vọng, tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã nằm trong diện sẽ thực hiện sắp xếp, hợp nhất mà mình ghi nhận được. Đồng thời lưu ý, trong Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh rõ là phải làm thận trọng, từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hướng đến mục tiêu cuối cùng là bộ máy công quyền ĐVHC xã mới nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, người dân được tạo các điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết các thủ tục hành chính, an tâm làm ăn sinh sống, cùng chung sống hòa thuận, không nảy sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự ở nông thôn.
“Việc thực hiện sắp xếp, hợp nhất các ĐVHC cấp xã sẽ có tác động rất lớn, không chỉ đối với cán bộ các xã bị sắp xếp, hợp nhất mà còn cả đến tâm tư và nguyện vọng của người dân địa phương. Đối với hai địa phương Tân An và Quế Thọ, người dân đều đồng thuận với chủ trương, cách làm. Theo quy định, HĐND thông qua nghị quyết đề nghị sắp xếp, nhập xã để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Ở nhiều góc độ khác nhau, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ thảo luận, góp phần hoàn thiện trước khi quyết định thông qua nghị quyết” - bà Nguyệt nói.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - ông Võ Hồng, Sở Nội vụ và lãnh đạo các địa phương phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân nắm đủ thông tin, có sự đồng thuận cao; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các bước theo quy trình. Việc xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn phải hết sức cân nhắc, cẩn thận, kiểm tra kỹ tên các địa danh, yếu tố truyền thống lịch sử, địa giới hành chính đất đai...
“Việc giải quyết điều chỉnh giấy tờ của cá nhân, gia đình, tổ chức, cơ quan cũng là vấn đề không hề đơn giản, tốn kém rất lớn, đặc biệt là việc điều chỉnh “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV)sẽ rất khó khăn, chưa nói các thủ tục pháp lý khác. Vì vậy, Sở Nội vụ cần đánh giá thật kỹ lưỡng tác động của chính sách, giải thích cho rõ, cặn kẽ để trình HĐND tỉnh xem xét, có cơ sở thảo luận sâu, trước khi quyết định ban hành nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021” - ông Hồng nhấn mạnh.
Giải quyết “đầu ra” cho cán bộ
Nhìn nhận về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, Sở Nội vụ cho rằng, các đơn vị cấp xã sau khi sáp nhập phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung giấy tờ tùy thân đối với các cá nhân, tổ chức; hướng dẫn việc thay đổi địa chỉ nơi ở, nơi làm việc, kinh doanh... của các cá nhân, tổ chức. Về nhân sự, hiện nay tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị cấp xã thực hiện sắp xếp còn nhiều băn khoăn, lo ngại về việc tiếp tục công tác, chuyển công tác khác hoặc nghỉ công tác theo quy định nên phải kịp thời nắm bắt để có hướng xử lý ổn thỏa. Bởi, khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã, số lượng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách phải sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách rất lớn (khoảng 80 cán bộ, công chức và hơn 75 người hoạt động không chuyên trách cấp xã), đây là thách thức lớn cho cả hệ thống chính trị.
Tiếp thu các ý kiến góp ý vào dự thảo đề án, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, sở sẽ phối hợp có đánh giá kỹ lưỡng về tác động của chính sách và đề xuất HĐND tỉnh có cơ chế mở. Trong đó, nghị quyết được ban hành cần nêu rõ việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, cá nhân nếu do vấn đề sắp xếp ĐVHC cấp xã, thị trấn thì ngân sách tỉnh sẽ lo. Bởi yêu cầu phải có dự trù nguồn kinh phí bao nhiêu để thực hiện việc điều chỉnh, thay đổi giấy tờ cho người dân, tổ chức là rất khó khăn, không đủ cơ sở để tính toán vào thời điểm này.
Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, theo lộ trình đến hết năm 2021 thì 4 ĐVHC cấp xã trong đề án sẽ hoàn thành việc sắp xếp, hợp nhất. Chắc chắn trong quá trình thực hiện hợp nhất này, cách thức giải quyết đối với nhân sự, tổ chức bộ máy như thế nào cho hài hòa, tạo sự đồng thuận cao là điều cần được tính đến. Trong đợt thi công chức của tỉnh sắp tới đây, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tạm dừng đăng ký thi công chức đối với các huyện có sắp xếp ĐVHC cấp xã. Theo đó, cán bộ ở các xã được sắp xếp nếu có đủ điều kiện sẽ đề nghị xét chuyển thành công chức huyện. Đây cũng là một trong những giải pháp hợp tình hợp lý về công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức đối với các địa phương thực hiện đề án.