Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy: Mô hình Văn phòng chung cấp xã
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019 cơ bản hoàn thành việc hợp nhất Văn phòng cấp ủy và Văn phòng UBND xã, tuy nhiên hiện nay mới có 38/244 xã, phường, thị trấn thực hiện.
Mới sáp nhập cơ học
Đầu năm 2019, được Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Sơn phê duyệt đề án “Thành lập Văn phòng xã Quế Trung”, Đảng ủy xã Quế Trung thành lập và phân công nhiệm vụ cho Tổ văn phòng xã Quế Trung gồm 7 người; trong đó có 3 công chức văn phòng - thống kê và 4 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Theo dõi quá trình hoạt động của Tổ văn phòng xã, ông Trà Tiến Tài - Bí thư Đảng ủy xã Quế Trung cho rằng, việc thành lập văn phòng chung cấp xã đã tạo được sự thống nhất trong công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ cho cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ máy cán bộ được tinh gọn hơn. Đồng thời từng bước tạo ra tính chuyên nghiệp, phát huy tối đa năng suất làm việc của đội ngũ cán bộ văn phòng xã; cải cách một bước về các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền, mặt trận theo chức năng, nhiệm vụ quy định.
Nói về tồn tại, hạn chế của mô hình trên, theo ông Tài hiện nay vẫn chưa thực hiện văn thư chung vì khối lượng văn bản đi và đến của khối nhà nước và khối đảng rất lớn; việc vào sổ văn bản đi - đến qua trao đổi nội bộ với hai đường khác nhau. Ngoài ra, thể thức văn bản nhà nước và thể thức văn bản của đảng khác nhau nhưng cán bộ văn thư còn nhầm lẫn khi vào sổ. Hệ thống văn bản đến của các đoàn thể không thể tổng hợp chung được vì đến từ nhiều đầu mối, đoàn thể cấp trên gửi trực tiếp cho đoàn thể cấp dưới. Trong khi đó, cán bộ văn thư - lưu trữ xã là người hoạt động không chuyên trách được hưởng phụ cấp theo quy định tại Quyết định số 10/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh. “Địa phương chưa thể bố trí công việc cho một trường hợp dôi dư khi thực hiện Đề án Văn phòng chung cấp xã nên hiện vẫn bố trí 7 người cho Tổ văn phòng xã. Chưa bố trí được phòng làm việc chung cho Tổ Văn phòng xã để thuận tiện trong công tác tham mưu, phối hợp, vẫn đang phải bố trí 3 phòng làm việc” - ông Tài nói.
Theo khảo sát của Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng HĐND - UBND huyện Nông Sơn tại 4 địa phương thí điểm cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay hoạt động của văn phòng giúp việc các xã vẫn thực hiện riêng lẻ và mới chỉ sáp nhập cơ học. Việc chậm trễ của các xã trong khâu xây dựng, ban hành quy chế hoạt động làm cho Văn phòng chung cấp xã không phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động... Ông Thái Bình - Bí thư Huyện ủy Nông Sơn cho biết, với những hạn chế được nhìn nhận, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các địa phương kịp thời hoàn thành việc xây dựng Quy chế làm việc, thực hiện đúng quy trình hoạt động của các văn phòng giúp việc cấp xã nhằm nâng cao hiệu quả. Xem xét việc phân công, bố trí đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của văn phòng giúp việc phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tránh để tình trạng sáp nhập về đầu mối, con người chứ không thay đổi về quy trình, chất lượng hoạt động. Trong tháng 6 này Nông Sơn phấn đấu triển khai thực hiện mô hình văn phòng giúp việc cấp xã ở 3 địa phương còn lại.
Cách làm của Đại Lộc
Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Đại Lộc, đến nay 13/18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc hợp nhất Văn phòng Đảng ủy xã vào Văn phòng - thống kê xã. Dự kiến, các xã còn lại sẽ hoàn thành việc sáp nhập vào cuối năm nay. Bí thư Huyện ủy Đại Lộc - Nguyễn Công Thanh chia sẻ, sau khi có kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện, những địa phương đã bố trí công chức văn phòng - thống kê kiêm nhiệm Văn phòng Đảng ủy thì tiến hành ngay việc hợp nhất (không còn kiêm nhiệm). Những địa phương đã bố trí công chức khác kiêm nhiệm thì chuyển giao cho Văn phòng - thống kê. Đối với các địa phương còn lại, tùy tình hình thực tế của địa phương, tiến hành sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách để thực hiện việc hợp nhất. Căn cứ vào khả năng của công chức, các địa phương sẽ phân công thực hiện nhiệm vụ công tác của Văn phòng Đảng ủy và thêm một số nhiệm vụ công chức văn phòng - thống kê theo quy định.
Tại hội nghị giao ban với người đứng đầu cấp ủy các địa phương mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, mô hình Văn phòng chung cấp xã là phù hợp trong tình hình hiện nay, việc hợp nhất này không bị vướng cơ chế chính sách nào cả. Qua theo dõi ở các địa phương đã thực hiện, việc hợp nhất có nhiều ưu điểm, chỉ còn vướng trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ. “Nhiều địa phương kêu khó, nhưng tại sao Đại Lộc đã thực hiện được 13/18 xã, thị trấn? Với những ưu điểm được nhìn nhận, các địa phương chưa làm cần có sự nghiên cứu, rút kinh nghiệm để sớm hợp nhất mô hình Văn phòng cấp ủy và Văn phòng UBND xã” - ông Dũng nói. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận phấn đấu đến cuối năm 2019 có 100% xã, phường, thị trấn cơ bản hoàn thành việc hợp nhất hai văn phòng nêu trên.
Ngoài việc hợp nhất Văn phòng Đảng ủy với Văn phòng - thống kê xã, Đại Lộc cũng đã thực hiện chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của một số chức danh người hoạt động không chuyên trách sang công chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhằm đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. “Chủ trương hợp nhất Văn phòng Đảng ủy với Văn phòng - thống kê là chủ trương đúng đắn, phù hợp Nghị quyết Trung ương số 18 (khóa XII), được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ. Trước đó, một số địa phương đã bố trí công chức văn phòng - thống kê kiêm nhiệm Văn phòng Đảng ủy xã và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Tuy nhiên, nếu như trước đây công chức Văn phòng - thống kê kiêm nhiệm phụ trách Văn phòng Đảng ủy được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng, nay hợp nhất thì không được hưởng kiêm nhiệm nên phần nào có ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ” - ông Thanh chia sẻ.