Dấu ấn cải cách của Quảng Nam
Những cải cách của Quảng Nam đã tạo dựng được niềm tin kinh doanh, đưa kinh tế địa phương tăng trưởng ổn định. Nhưng năng lực điều hành của chính quyền có được cộng đồng doanh nghiệp cho điểm, nâng cao thứ hạng cạnh tranh hay không vẫn là câu chuyện đang chờ câu trả lời trên thực tế.
Cải thiện môi trường đầu tư ngày càng mạnh mẽ thông qua sự năng động của chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. |
Năng lực điều hành
Quảng Nam đã thay đổi diện mạo từ đô thị đến nông thôn, từ biển lên rừng. Cả triệu người dân đã bước vào “cuộc trường chinh kinh tế”, thay đổi chỗ ở, việc làm với mơ ước san lấp khoảng cách giàu nghèo đô thị, nông thôn. Cuộc dịch chuyển dân cư, nhường đất để có thêm dự án đã mang lại rất nhiều lợi ích, tạo ra thêm của cải vật chất cho xã hội. Vùng đất “hoang vu” nằm ven 125km bờ biển đã trở thành “con đường”, “thành phố” đầy những khu nhà nghỉ dưỡng cao cấp. Nông, lâm, ngư nghiệp từ chỗ chiếm vị trí trọng yếu đã nhường chỗ cho các ngành có giá trị gia tăng cao. Nhiều người dân miệt biển ngày nào đã trở thành “người phố thị”, chuyển sang làm công nhân với sự nhộn nhịp của công trường, nhà máy mọc lên từng ngày.
Sự thay đổi đáng kể này bắt nguồn từ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư. Vài năm trở lại đây, Quảng Nam đã gia nhập vào câu lạc bộ điều tiết ngân sách về trung ương; chỉ số PCI 3 năm liền lọt vào tốp 10 tỉnh, thành có điểm số, vị thứ cao nhất nước và số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường gia tăng đột biến. Nếu trước năm 2016, mỗi năm chỉ trên dưới 850 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì 2 năm 2017 & 2018, số lượng doanh nghiệp mới thành lập thực sự bùng nổ. Mỗi năm từ 1.260 doanh nghiệp gia nhập trở lên. Sự phát triển, thịnh vượng của doanh nghiệp và hàng trăm dự án đầu tư với số vốn cam kết và giải ngân thực tế lớn, không chỉ là thước đo về năng lực điều hành mà còn là tấm gương phản chiếu niềm tin vào môi trường kinh doanh, thể hiện chính quyền đã đưa ra được những chính sách, cơ chế hợp lý, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các sáng kiến tổ chức hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ nhiều năm qua như một cửa liên thông, tiếp doanh nghiệp định kỳ, cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp hay cà phê doanh nhân… đã tiếp tục sứ mệnh lịch sử mong tìm kiếm và xác lập niềm tin từ doanh nghiệp vẫn đang được vận hành. Không chỉ cắt giảm 30% thời gian, thủ tục hành chính, giải quyết theo mô hình thống nhất một cửa, một đầu mối, các cơ quan công quyền đã cải cách thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, nhất là các thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận điện năng được rút ngắn đáng kể…
Chờ hiệu lực thực tế
Có thể thấy công cuộc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư Quảng Nam ngày càng sáng sủa hơn. Chính quyền hiểu cải thiện môi trường đầu tư là một câu chuyện dài, một cuộc đua đường trường không dễ dàng cho bất cứ địa phương nào khi tất cả tỉnh, thành khác đều bước vào cuộc cạnh tranh. Trong một văn bản gửi Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân ký, nêu rõ sẽ tập trung rà soát, đánh giá để nhận diện những tồn tại, hạn chế của các nút thắt trong điều hành kinh tế để đưa ra các giải pháp khắc phục, tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ, đạo đức, thái độ phục vụ cho cán bộ, công chức viên chức. Sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế chính sách. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đẩy mạnh hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngày càng phát triển
Không chỉ tự soi mình để cải cách, chính quyền Quảng Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính, chính sách thuế để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp có cơ chế, chính sách dễ tiếp cận để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bố trí kinh phí để hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là dự án xử lý nước thải, rác thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Quảng Nam kiến nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các nghị định liên quan về đấu thầu, dự án để phù hợp với tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp; điều chỉnh các chính sách pháp luật, đặc biệt là các lĩnh vực về thủ tục đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường... theo hướng rút gọn và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, ban hành văn bản quy định về chế độ sử dụng đất (giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất) và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... theo đúng quy định pháp luật về đất đai và quy định pháp luật có liên quan; hoặc ban hành văn bản hướng dẫn quy định việc kết nối, chia sẻ dữ liệu sử dụng chung giữa các bộ ngành Trung ương với các tỉnh, thành phố, kịp thời ra các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính..
Cải cách vẫn đang thực hiện. Mục tiêu từ đây về sau, Quảng Nam luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất nước. Được hay không? Vẫn phải chờ câu trả lời từ thực tế!
TRỊNH DŨNG