Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII): Sắp xếp tổ chức hội quần chúng

VINH ANH - CHÂU NỮ 19/12/2018 02:37

Theo Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2021 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3533/QĐ-UBND, thời gian đến, số tổ chức hội quần chúng cấp tỉnh sẽ giảm từ 58 còn 42 hội, trong đó giải thể 11 hội, có 6 hội hợp nhất và 4 hội sáp nhập.

Đại diện Hội Người khuyết tật đề nghị cần xem lại tên gọi sau khi hợp nhất với Hội Bảo trợ người khuyết tật - quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo. Ảnh: VINH ANH
Đại diện Hội Người khuyết tật đề nghị cần xem lại tên gọi sau khi hợp nhất với Hội Bảo trợ người khuyết tật - quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo. Ảnh: VINH ANH

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong thời gian qua, hoạt động của các tổ chức hội có những đóng góp tích cực, tham gia cùng Nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, tổ chức hội phát triển nhanh về số lượng nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác của tổ chức hội còn phụ thuộc nhiều vào Nhà nước, chưa thực sự chủ động, chưa thực hiện đúng nguyên tắc: “Tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, dân chủ, bình đẳng, công khai”. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng là để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hội theo Kế hoạch số 139-KH/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Toàn tỉnh hiện có 1.800 tổ chức hội, gồm 58 hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, 190 hội phạm vi hoạt động trong huyện, 1.552 hội phạm vi hoạt động ở xã; trong đó 1.258 hội có tính chất đặc thù (16 hội cấp tỉnh, 130 hội  cấp huyện, 1.112  hội cấp xã). Ở cấp tỉnh, có 12 hội được UBND tỉnh giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động; 5 hội được giao hợp đồng lao động; 41 hội không được giao biên chế, cấp kinh phí hoạt động, hoặc giao hợp đồng lao động.

Theo đề án, việc sắp xếp đối với các hội cấp tỉnh do UBND tỉnh tiến hành; các hội cấp huyện, cấp xã do UBND huyện tiến hành. Ở cấp tỉnh, đối với các hội được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động hoặc giao hợp đồng lao động, UBND tỉnh tiến hành hợp nhất Hội Bảo trợ người khuyết tật - quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo với Hội Người khuyết tật, lấy tên là Hội Bảo trợ và người khuyết tật; hợp nhất Hội Khuyến học với Hội Cựu giáo chức, lấy tên gọi Hội Khuyến học - cựu giáo chức; hợp nhất Hội Tù yêu nước với Hội Cựu Thanh niên xung phong, lấy tên Hội Tù yêu nước - cựu thanh niên xung phong. Đồng thời sáp nhập Hội Từ thiện vào Hội Chữ thập đỏ; Hội Châm cứu vào Hội Đông y. Giữ nguyên Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, Hội Văn học - nghệ thuật, Hội Nhà báo, Hội Luật gia, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Người mù, Ban đại diện Hội Người cao tuổi.

Đối với các hội không được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động hoặc giao hợp đồng lao động, UBND tỉnh giữ nguyên 28 hội; giải thể 10 hội: Hội Chăn nuôi - thú y, Hội Sinh vật cảnh, Hội Bảo vệ thực vật, Hội Di sản văn hóa, Hiệp hội ngành dệt vải sợi, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, Hội Khoa học và kỹ thuật cơ khí - tự động hóa, Hội Tin học - viễn thông và Hội Dược học.

Về lộ trình thực hiện, giai đoạn cuối năm 2018 - đầu năm 2019 hoàn thành việc sắp xếp các hội trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát, đánh giá hoạt động của các hội khác để sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình mới theo lộ trình đến hết năm 2021.

Liên quan đến vấn đề sắp xếp tổ chức, lãnh đạo một số hội quần chúng chia sẻ rằng, chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy là đúng đắn và hoàn toàn ủng hộ; tuy nhiên quá trình triển khai cần thực hiện một cách dân chủ. Ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam:

Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội  Người khuyết tật tỉnh: Cần xem lại tên gọi cho phù hợp

Tôi hoàn toàn nhất trí việc hợp nhất theo chủ trương của UBND tỉnh. Nhưng đề nghị nên xem xét lại tên gọi “Hội Bảo trợ và Người khuyết tật (NKT)” sau khi sáp nhập giữa Hội Bảo trợ NKT - quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh với Hội NKT tỉnh. Liệu tên gọi này có phù hợp với Luật NKT và Công ước quốc tế về NKT? Trong khi đó, Hội NKT là hội đồng cảnh, cảm thông và chia sẻ với hội viên thực hiện nguyện vọng, ước mong được hòa nhập cộng đồng. Do đó cần phải có tên gọi phù hợp với các quy định chung theo các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về NKT. Điều này sẽ tạo điều kiện cho NKT trong tỉnh có cơ hội tham gia, tiếp cận, giám sát việc thực thi theo luật định; giúp nâng cao vị thế, phát huy vai trò của NKT trong việc tham gia hòa nhập cộng đồng…

Ông Trần Hồng Phúc - Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh: Lo các đối tác có còn tiếp tục gắn bó

Theo đề án sắp xếp tổ chức hội, Hội Từ thiện sáp nhập Hội Chữ thập đỏ. Như vậy tên gọi Hội Từ thiện sẽ không còn, những cán bộ hội sẽ chuyển qua làm công tác chữ thập đỏ. Đây là điều tiếc nuối, vì Hội Từ thiện tỉnh có lịch sử hơn 20 năm đồng hành với sự phát triển của địa phương, nhất là trong công tác giảm nghèo; đến nay trên địa bàn tỉnh thành lập được 15/18 hội cấp huyện, 154/244 hội cấp xã. Trong khi đó, Hội Từ thiện tỉnh đang có mối quan hệ hợp tác với 11 tổ chức phi chính phủ nước ngoài với các chương trình, dự án nhân đạo, từ thiện. Nhiều tổ chức đã đồng hành, gắn bó với hội nhiều năm, nay không còn tên gọi Hội Từ thiện, liệu những tổ chức, đối tác này có tiếp tục các chương trình, dự án tại Quảng Nam như đã cam kết?

Liên quan việc xây dựng, ban hành đề án sắp xếp tổ chức hội, do thời gian lấy ý kiến ngắn nên phía Hội Từ thiện khi góp ý dự thảo đề án cũng chỉ mới họp được Ban Thường trực, còn ý kiến rộng rãi trong Ban Chấp hành hội chưa tổ chức được. Trong khi vấn đề này cần có sự góp ý của cán bộ hội từ cơ sở. Trước đó, khi gửi văn bản góp ý dự thảo, mong mỏi của Hội Từ thiện tỉnh là xin hợp nhất với Hội Người khuyết tỉnh và Hội Bảo trợ người khuyết tật - quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh, nhưng không được chấp thuận.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh: Lẽ ra trung ương phải có đề án chung, định hướng trước

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, Hội Cựu TNXP tỉnh hoàn toàn bất ngờ, bởi không được mời tham gia góp ý dự thảo, đến khi đề án ban hành mới biết sẽ hợp nhất với Hội Tù yêu nước.

Lẽ ra khi triển khai phải có trao đổi trước trong lãnh đạo các hội xem thử chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương đồng như thế nào để, hợp nhất hoặc sáp nhập với nhau. Đồng thời cũng phải tạo cho anh em cán bộ gặp nhau, trao đổi, nghe ngóng ý kiến. Theo chúng tôi, đối với việc sắp xếp các hội quần chúng, lẽ ra trung ương phải có đề án chung, định hướng trước; chứ cứ để mỗi cấp sẽ làm mỗi kiểu thì rất khó. Bây giờ, chẳng lẽ ở trung ương có tổ chức Hội Cựu TNXP, ở cấp tỉnh thì hợp nhất, trong khi dưới cơ sở vẫn còn giữ, như vậy lãnh đạo như thế nào. Việc sắp xếp này làm sao để công việc, hoạt động mỗi hội có chất lượng, chứ không khéo “lửng lửng” thì vừa tốn ngân sách mà vừa không hiệu quả.

VINH ANH (ghi)

VINH ANH - CHÂU NỮ

VINH ANH - CHÂU NỮ