Doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng đột biến: Bình thường hay bất thường?

TRỊNH DŨNG 18/12/2018 05:26

Các cơ quan quản lý khẳng định số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng đột biến như năm 2018 chưa phải là dấu hiệu bất thường của nền kinh tế. Nhưng sẽ có một cuộc điều tra, khảo sát để hiểu rõ hơn “sức khỏe” doanh nghiệp, nền kinh tế để xử lý.

Những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ nếu được mở rộng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, tìm cách khôi phục sản xuất. Ảnh: T.D
Những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ nếu được mở rộng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, tìm cách khôi phục sản xuất. Ảnh: T.D

Nhiều doanh nghiệp giải thể

Tăng trưởng kinh tế Quảng Nam năm 2018 đã đạt đến 8,11%. Ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng gần 13%, tốc độ tăng của ngành dịch vụ cũng hơn 6,3%. Tổng thu ngân sách nội địa hơn 17.274 tỷ đồng, ít phụ thuộc vào sản phẩm chủ lực. Thống kê ấy cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì độ tăng trưởng. Nhưng bất ngờ lớn là Quảng Nam công bố có đến 2.500 doanh nghiệp giải thể, 900 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

So với 500 doanh nghiệp rời bỏ thị trường năm 2017 thì con số 3.400 doanh nghiệp bị “khai tử” năm 2018 là dấu hiệu không bình thường. Nhưng ngược với sự lo lắng của công luận, các cơ quan quản lý đều cho rằng không có gì bất ngờ. Đó là quy luật thị trường. Có sinh phải có tử. Trên thực tế, việc thành lập một doanh nghiệp rất dễ: không cần trình độ, không cả chiến lược kinh doanh. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một chủ doanh nghiệp, một “giám đốc”. Kinh doanh gặp may, thuận lợi sẽ tiếp tục tồn tại, thiếu sinh lực thì rút khỏi thị trường. Những ngành nghề kinh doanh không còn phù hợp, hết cơ hội phát triển khi thị hiếu tiêu dùng thay đổi hoặc chủ doanh nghiệp không đủ tinh thần, bản lĩnh chịu đựng sự khắc nghiệt của thị trường, thiếu nghiên cứu sâu thị trường… thì rời bỏ thị trường là chuyện đương nhiên và thường xuyên xảy ra.

Tại cuộc giám sát của HĐND tỉnh mới đây, ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thừa nhận đó là con số đột biến, nhưng bình thường. Theo ông Ẩn, đa số doanh nghiệp thành lập đều nhỏ và siêu nhỏ (97%); thiếu năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm quản lý, điều hành, công nghệ… khi thị trường biến động sẽ thua lỗ, thất bại. Không loại trừ việc doanh nghiệp lập ra không sản xuất, kinh doanh, chỉ khai thác kẽ hở chính sách, mua bán hóa đơn. Một khi nhà nước tăng cường kiểm soát hoạt động phi pháp thì tự rút lui khỏi thị trường. “Doanh nghiệp nhỏ giống như hộ cận nghèo. Thoát đó rồi tái nghèo. Thành lập rồi giải thể” - ông Ẩn nói.

Ông Ẩn cho hay khoảng 120/2.500 doanh nghiệp bị giải thể thuộc diện “tự nguyện” rời bỏ thị trường. Số còn lại phải bị giải thể bắt buộc theo một cuộc tổng rà soát doanh nghiệp kinh doanh toàn quốc của Bộ KH&ĐT. Những doanh nghiệp nào trước đây đã bỏ địa chỉ kinh doanh, đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh nhưng chưa lập thủ tục giải thể, nếu không “tự nguyện” thì Nhà nước phải ra quyết định bắt buộc giải thể. “Số doanh nghiệp này thuộc giai đoạn từ năm 2013 đến 2018, bị giải thể bắt buộc, nên tăng đột biến. Không phải vì những nguyên nhân kinh tế hay cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính khó khăn… khiến doanh nghiệp “chết” đi” - ông Ẩn nói.

Vươn dậy

Gác qua một bên những nguyên nhân thuộc về diễn biến bất lợi của thị trường. Không kể những dự án đầu tư chấm dứt, doanh nghiệp kết thúc theo; doanh nghiệp tham dự vào hoạt động phi pháp hoặc vì áp lực cạnh tranh, thiếu năng lực quản trị... thì những “cái chết” của doanh nghiệp do bị tác động từ môi trường kinh doanh không minh bạch hay vì không còn năng lực tài chính… là những “cái chết” không tự nhiên. Không phải ngẫu nhiên trong vài cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh gần đây, ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam nói cơ quan quản lý lúc nào cũng tuyên bố về việc hỗ trợ mạnh mẽ cho các dự án sản xuất kinh doanh, nhưng hiện có quá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn cần giúp đỡ. Như các doanh nghiệp goldensand, soda  hay  cồn ethanol… chưa biết thời hạn mở cửa trở lại. Phải có cách gì hướng dẫn, giúp đỡ họ trở lại thị trường chứ họ đã đầu tư hàng tỷ đồng, không thể bỏ được.

Có thể thấy, thành lập một doanh nghiệp dễ hơn vạn lần so với công sức và chi phí đầu tư cần bỏ ra để vận hành hoạt động của nó sao cho thực sự ổn định và hiệu quả. Lượng doanh nghiệp “khai tử” là con số đáng chú ý trên nhiều khía cạnh. Có thể cho thấy việc thành lập mới chỉ mới ở dạng phong trào hay “chín ép” thông qua các cuộc vận động… Chính quyền và cơ quan quản lý nên mở những cuộc khảo sát, phân tích về những nguyên nhân, các lĩnh vực của doanh nghiệp “khai tử” để biết được sức khỏe của nền kinh tế và tìm cách xử lý.  Theo ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, rất nhiều ý kiến cho rằng có thể có những doanh nghiệp “chết” vì những ứng xử không tốt của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng phải có cuộc điều tra, khảo sát cụ thể thì mới công bố được. Cần có một cuộc khảo sát cụ thể, nghiên cứu tài chính các doanh nghiệp rời bỏ thị trường, phân tích ngọn nguồn nguyên nhân, định danh những yếu tố bất lợi và tìm cách giải quyết, giúp nhóm doanh nghiệp có nguy cơ “tử vong” cao nhất, gia tăng cơ hội “sống sót”, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn là chuyện quan trọng, có tính quyết định hơn!

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói ngoài số tự nguyện đăng ký tiếp xúc, gặp gỡ thì cơ quan quản lý phải theo dõi, tìm kiếm những doanh nghiệp khó khăn để tìm cách tháo gỡ. Thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp khó khăn để tạo điều kiện trụ lại thị trường. Không thể chỉ quan tâm những lúc họ làm ăn “phơi phới” còn khi họ gặp nạn thì làm ngơ!

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG