Tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ: Kết thúc hay vẫn tiếp diễn?

TRỊNH DŨNG 12/12/2018 05:01

Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư (tiền thân là Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp) sẽ được sáp nhập thì những cuộc tiếp doanh nghiệp định kỳ - được xem như “sáng kiến” của cơ quan này, có được tiếp diễn hay kết thúc?

Những cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ được xem là kênh hữu ích để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: T.D
Những cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ được xem là kênh hữu ích để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: T.D

“Phép thắng lợi” của doanh nghiệp

“Lịch sử” những cuộc tiếp doanh nghiệp, từ cuộc đầu tiên vào ngày 6.10.2014 do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) chủ trì, đến phiên cuối cùng của năm 2018 (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì) đã ghi nhận khá nhiều “thành công” của doanh nghiệp. Ông Trương Đình Hiền – Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất và xuất nhập khẩu Sao Mộc có lẽ là người “hạnh phúc” nhất khi cơ quan thuế sẵn sàng gỡ bỏ lệnh phong tỏa hóa đơn cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh khi tìm đến cuộc tiếp xúc doanh nghiệp đầu tiên. Sau 4 năm, Sao Mộc đang đứng trước nguy cơ phải bị phát mãi tài sản (nhà xưởng, máy móc, thiết bị…), kể cả mảnh đất đang được ưu đãi đầu tư sẽ bị thu hồi, lại một lần nữa “được cứu” sau cuộc tái tiếp doanh nghiệp định kỳ ngày 5.9.2018 bằng một quyết định cho liên kết, hợp tác đầu tư.

Tương tự, nếu không có những cuộc tiếp xúc này, không biết bao giờ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do sự khó dễ của cơ quan quản lý. Số nợ đọng hơn 1 tỷ đồng của Công ty TNHH Tân Nhật Minh sẽ không biết bao giờ mới được thanh toán dứt điểm. HTX Nông nghiệp sạch Quế Sơn cũng khó bề tiếp cận được đất đai và vốn để mở rộng quy mô sản xuất, hay sự mỏi mòn của ông Hồ Văn Lượng – Giám đốc Công ty Nuôi trồng thủy sản Phú Thiện (Phú Ninh) nhiều năm không thể đưa dự án vào triển khai khi chính quyền địa phương viện đủ lý do không cấp phép. Công ty TNHH Hải Đăng (Điện Bàn) không thể được “cam kết” hỗ trợ thỏa đáng khi di dời và cấp ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu không có những cuộc gặp gỡ này, ông Hồ Văn Luận – Giám đốc Công ty TNHH Kính Phước Toàn hay ông Phạm Ngọc Đào – Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai sẽ không thể nào hỗ trợ vay vốn nếu không có tác động của UBND tỉnh để xây dựng nhà xưởng và mở L/C đưa thiết bị vào sản xuất…

Không có cuộc tiếp xúc doanh nghiệp, lãnh đạo Quảng Nam sẽ không thể biết nhiều hơn những tồn tại lưu cữu mà doanh nghiệp âm thầm chịu trận. Công ty CP Đầu tư Toàn Pháp (Cụm công nghiệp Đại Đồng 2, Đại Lộc) đã có ý định bỏ cuộc, không thực hiện dự án khi mất đến 5 năm không thể đưa được dự án nhà máy sản xuất cao su tái sinh và băng tải vào sản xuất vì chính quyền địa phương không thể bàn giao hết mặt bằng, dù doanh nghiệp đã ứng kinh phí bồi thường cho huyện sau quyết định của UBND tỉnh buộc địa phương phải giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp.

Kênh tương tác hữu ích

Không phải doanh nghiệp nào tìm tới những cuộc tiếp xúc đều thành công như mong đợi, nhưng tiếp doanh nghiệp định kỳ đã trở thành một “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp.  Những cuộc như thế đã giúp chính quyền tỉnh gỡ bỏ khó khăn từ sự trì trệ của cơ quan công quyền, chính quyền sở tại, mang lại cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng phải thốt lên trong một lần chủ trì là quá bất ngờ, không thể hiểu được địa phương tại sao lại làm khó doanh nghiệp. Ông tuyên bố không muốn thấy thêm bất kỳ doanh nghiệp nào phải nản lòng vì sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan công quyền! Chuyện giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp cần những cam kết bằng văn bản, không thể nói miệng, kiểu “lời nói gió bay” để doanh nghiệp yên tâm tiếp tục triển khai dự án đầu tư.

Bà Trương Thị Yến Ngọc – Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho biết, doanh nghiệp hiện có nhiều kênh tương tác với chính quyền, cơ quan quản lý như thông qua cổng thông tin điện tử, có thể gặp trực tiếp, nhưng những cuộc đối thoại được mở rộng chính là kênh hữu ích để doanh nghiệp có thể bày tỏ hết những khó khăn của mình với hy vọng tìm thấy câu trả lời. Chỉ cần 1 doanh nghiệp có kiến nghị thôi thì đã có thể mở cuộc tiếp xúc để giải đáp. Không chỉ doanh nghiệp tư nhân mà doanh nghiệp nhà nước cũng đã nhận ra hiệu quả của các cuộc tiếp xúc và tìm đến. Chính sáng kiến này đã góp phần đưa chỉ số PCI Quảng Nam liên tục thăng hạng, tăng điểm số nhiều năm qua, lọt vào tốp những tỉnh, thành có chỉ số cao nhất nước. Song, “sáng kiến” này  được Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tiếp nối từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong vòng 4 năm qua, liệu có kết thúc không khi năm 2019, trung tâm này đã được đổi tên và chuyển giao mảng hỗ trợ doanh nghiệp về các sở chuyên ngành?

Doanh nghiệp có lý do lo lắng, có thể mất đi một “chỗ dựa”, một kênh tương tác hữu ích cho dù trong kế hoạch sắp xếp, kiện toàn trung tâm này, đã chuyển toàn bộ nhân sự hỗ trợ doanh nghiệp về Sở KH&ĐT kèm theo nội dung sẽ tổ chức các hoạt động đối thoại, tiếp doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nội dung này có được cơ quan mới triển khai hay không và hiệu quả của những cuộc tiếp xúc doanh nghiệp đến đâu phải còn chờ đợi trên thực tế!

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG