Tổ chức sắp xếp lại thôn/khối phố: Cử tri đồng thuận cao

HÀN GIANG 09/11/2018 02:11

Đến cuối tháng 10.2018, các địa phương đã hoàn thành tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri, đại diện hộ gia đình về việc thực hiện hợp nhất, sáp nhập thôn/khối phố theo chủ trương chung với tỷ lệ thống nhất cao.  

Ngày 18.9,lãnh đạo tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các nội dung công việc thực hiện tổ chức sắp xếp lại thôn/khối phố theo kế hoạch. Ảnh: N.Đ
Ngày 18.9,lãnh đạo tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các nội dung công việc thực hiện tổ chức sắp xếp lại thôn/khối phố theo kế hoạch. Ảnh: N.Đ

Thống nhất cao

Thực hiện kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày 1.10 đến ngày 25.10, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến cử tri, đại diện hộ gia đình về việc hợp nhất, sáp nhập thôn/khối phố với kết quả thống nhất cao. Theo thẩm định của Sở Nội vụ, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, hồ sơ do UBND cấp xã trình đã đảm bảo đầy đủ yêu cầu về căn cứ pháp lý, đúng quy trình như: đề án, biên bản lấy ý kiến cử tri, nghị quyết của HĐND cấp xã, tờ trình của UBND các xã, phường, thị trấn và bản đồ địa giới hành chính của các thôn/khối phố mới sau khi tổ chức, sắp xếp lại.

Qua khảo sát, TP.Hội An có 77 thôn/khối phố; trong đó có 69 thôn/khối phố không đạt tiêu chuẩn, UBND TP.Hội An đề nghị sáp nhập, hợp nhất 56 thôn/khối phối (giải thể 5 khối phố), để thành lập 33 thôn/khối phố mới. Như vậy, sau khi hợp nhất, sáp nhập TP.Hội An còn lại 54 thôn, giảm được 23 thôn. Tại các hội nghị lấy ý kiến, cử tri đại diện hộ gia đình đều thống nhất cao về việc hợp nhất, sáp nhập thôn/khối phố theo đề án của địa phương, với tỷ lệ đạt từ trên 55% đến 86%.

Trong khi đó, toàn huyện Tây Giang có 70 thôn, thì có 69 thôn không đạt tiêu chuẩn. Theo phương án ban đầu, nếu tổ chức sắp xếp lại chỉ mới giảm được 2 thôn; nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác vận động nhân dân đồng thuận cao với chủ trương chung. Trên cơ sở này, UBND huyện Tây Giang có sự điều chỉnh, đề nghị hợp nhất, sáp nhập sắp xếp 25 thôn để thành lập 14 thôn mới; sau khi tổ chức sắp xếp lại Tây Giang còn 63 thôn, giảm 7 thôn và có 21 thôn đề nghị được đổi tên mới. Kết quả các hội nghị lấy ý kiến cử tri, đại diện hộ gia đình cho thấy, nhân dân địa phương thống nhất rất cao với chủ trương tổ chức sắp xếp, tổ chức lại thôn trên địa bàn, với tỷ lệ đạt từ 75% đến 100%. Còn TP.Tam Kỳ có 109 thôn/khối phố, trong đó có 102 thôn/khối phố không đạt tiêu chuẩn theo quy định, UBND thành phố đề nghị hợp nhất, sáp nhập 56 thôn/khối phố để thành lập 32 thôn/khối phố mới. Theo đó, sau khi hợp nhất, sáp nhập địa phương còn lại 85 thôn/khối phố; có 3 khối phố giữ nguyên nhưng đề nghị đổi tên mới. Tỷ lệ người dân thống nhất chủ trương sắp xếp lại thôn/khối phố theo đề án của TP.Tam Kỳ đạt trên 50% đến 100%. Tương tự, tại thị xã Điện Bàn, tỷ lệ này đạt từ 50,84% (một khối phố) đến 93,42%.

Tinh gọn bộ máy

Sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập thôn/khối phố mới, toàn tỉnh có 1.000 thôn/khối phố đề nghị sắp xếp, tổ chức lại (trong đó giải thể 59 thôn/khối phố), với 513 thôn/khối phố thành lập mới. Theo đó, sau khi tổ chức sắp xếp lại toàn tỉnh còn 1.241 thôn/khối phố, giảm được 478 thôn/khối phố. Có 61 thôn/khối phố giữ nguyên nhưng đề nghị đổi tên.

Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, mọi công việc liên quan đến thực hiện tổ chức sắp xếp lại thôn/khối phố ở các địa phương đều bám sát nội dung, quy trình hướng dẫn của tỉnh, của Trung ương; công khai rộng rãi và phát huy được dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Việc hợp nhất, sáp nhập để thành lập thôn/khối phố mới đảm bảo về quy mô số hộ gia đình không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Đồng thời giúp tinh gọn bộ máy, phù hợp trong quản lý, tổ chức và hoạt động hiện nay khi cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật ngày càng phát triển; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn/khối phố mới. Từ đó tiết kiệm nguồn kinh phí lớn cho ngân sách nhà nước; cũng như tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn/khối phố, đưa hoạt động ở cơ sở đạt hiệu quả tốt hơn, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo đề án quy định về cơ chế hỗ trợ các chức danh dôi dư đối với 5 chức danh của 478 thôn/khối phố bị giảm, cũng như đối với 2 chức danh dôi dư của 1.241 thôn/khối phố của toàn tỉnh sau khi hợp nhất, sáp nhập theo chủ trương; trình các cơ quan liên quan góp ý hoàn thiện để trình tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới” - ông Tuấn nói.

HÀN GIANG

HÀN GIANG