Điện Bàn sắp xếp thôn, khối phố: Ghi nhận vướng mắc từ cơ sở
Thị xã Điện Bàn đang khẩn trương rà soát, sắp xếp lại thôn, khối phố để đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Tuy hầu hết nhân dân ủng hộ chủ trương, nhưng vẫn còn những vướng mắc nảy sinh cần giải quyết vẹn toàn.
Giải quyết lượng lớn cán bộ không chuyên trách và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội dôi dư sau sáp nhập thôn, khối phố cũng là câu chuyện đáng quan tâm ở Điện Bàn. Ảnh: Q.TUẤN |
Giảm 42 thôn
Thị xã Điện Bàn hiện có 182 thôn, khối phố (trong đó có 122 thôn), nếu đối chiếu với tiêu chuẩn theo Thông tư 09/2017/TT-BNV, toàn thị xã chỉ có 30 thôn, khối phố đạt tiêu chuẩn về quy mô số hộ. Xét thấy số thôn, khối phố nằm trong diện cần sắp xếp lại khá nhiều nên Điện Bàn chủ trương thực hiện rà soát, sáp nhập trước các đơn vị không đáp ứng đủ 50% tiêu chuẩn (tức là số hộ không đạt 200 hộ đối với thôn và 250 hộ đối với khối phố ở vùng đồng bằng). Tuy nhiên, ông Ngô Đình Liêu - Trưởng phòng Nội vụ thị xã Điện Bàn cho biết, một số thôn, khối phố dù đáp ứng được hơn 50% số hộ theo tiêu chí nhưng do nhân dân ở đó cũng có nguyện vọng sáp nhập, nên dự kiến sau đợt sắp xếp này Điện Bàn sẽ giảm được 42 thôn, khối phố.
UBND thị xã Điện Bàn đã trình đề án sáp nhập và thành lập khối phố mới thuộc các xã, phường trên địa bàn thị xã lên HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Sở Nội vụ để chờ thông qua. Theo đề án, một số địa phương sẽ có sự thu gọn nhiều về đơn vị thôn, khối phố, như xã Điện Tiến từ 11 thôn giảm còn 5 thôn, xã Điện Quang từ 11 thôn còn 6 thôn, phường Điện Nam Trung từ 7 khối còn 4 khối… Đặc biệt, có một số đơn vị mới thành lập sẽ nhập từ 3 thôn/khối phố, như Đông Hòa, Đức Ký Nam, Đức Ký Bắc (xã Điện Thọ) hay Nhất Đông Liên, Nhất Giáp, Phong Nhất (phường Điện An)… Được biết, đợt này có 16/20 xã, phường của Điện Bàn thực hiện chủ trương sắp xếp, thành lập khối phố mới, 4 đơn vị còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020.
Sáp nhập phải gắn với hòa nhập
Tán thành chủ trương tinh gọn bộ máy, rà soát sắp xếp lại thôn, khối phố, hầu hết nhân dân ở các thôn, khối phố nằm trong diện sáp nhập đều thể hiện sự đồng tình qua các cuộc tiếp xúc, lấy ý kiến của chính quyền địa phương. Mặc dù vậy, vẫn còn không ít khó khăn cần giải quyết cả trước mắt lẫn lâu dài. Điện Bàn là mảnh đất giàu lịch sử - văn hóa nên mỗi tên đất, tên làng đều gắn liền với bề dày, lịch sử hàng trăm năm từ khi các bậc tiền nhân khai phá, mở cõi vì vậy việc lấy tên mới sau khi sáp nhập cũng là vấn đề được nhân dân quan tâm. Ông Võ Đình Quát - Trưởng khối phố Nhất Giáp, phường Điện An nói: “Chủ trương sắp xếp lại thì nhân dân hoàn toàn ủng hộ. Tuy vậy, khi biết sau sáp nhập khối sẽ mang tên Phong Nhất thì phần nhiều các cụ cao niên ở đây lại lấn cấn chưa hài lòng vì cái tên Nhất Giáp đã đi vào tiềm thức nhiều thế hệ”. Qua các cuộc họp lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập, những người cao tuổi ở các địa phương mong rằng, các cấp phải tính làm sao đó để sau khi sáp nhập nhân dân hòa nhập trong sinh hoạt, cuộc sống, đừng để xảy ra chuyện phân biệt làng anh - làng tôi. Hay như sự việc được ông Ngô Đình Liêu chia sẻ, ở phường Điện Nam Bắc, người dân khối Phong Hồ Tây mong muốn khối mới mang tên Phong Hồ sau khi nhập với khối 2A thay vì mang tên Phong Cẩm. Và câu chuyện này cần phải được giải quyết vẹn toàn để giữ vững khối đoàn kết toàn dân.
Điểm sinh hoạt văn hóa sau khi sắp xếp thôn, khối phố cũng là điều các địa phương ở Điện Bàn cân nhắc, bởi lâu nay 2 (hoặc 3) thôn, khối phố cũ đều có nhà văn hóa riêng, nay nhập lại thì phải chọn địa điểm hài hòa nếu không phải xây dựng cơ sở mới gây lãng phí. Về công tác cán bộ cơ sở, trước mắt, sau khi việc sáp nhập hoàn thành, Điện Bàn sẽ tiến hành hợp nhất các chi bộ sau đó chỉ định địa phương đề cử các chức danh lâm thời và chờ chỉ đạo của tỉnh để có những chế độ hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội dôi dư (Điện Bàn đang có gần 1.800 cán bộ không chuyên trách và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội). Việc sáp nhập các thôn, khối phố cũng đồng nghĩa với khối lượng công việc cho cán bộ thôn, khối phố tăng lên nên sẽ vất vả hơn, do đó cần có chính sách, chế độ đãi ngộ tương xứng cho lực lượng này cũng là vấn đề đặt ra.
QUỐC TUẤN