Giám sát năng lực của chính quyền

TRỊNH DŨNG 29/08/2018 02:24

Đánh giá năng lực cơ quan công quyền (DDCI) không còn là khuyến nghị mà chính thức trở thành “mệnh lệnh” từ Chính phủ. Nhưng để hiện thực hóa DDCI, góp phần nâng cao thứ hạng, điểm số PCI vẫn là một câu chuyện dài luôn đặt lên bàn nghị sự tại Quảng Nam.

Quảng Nam đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua sự vận hành của trung tâm hành chính công. Ảnh: T.D
Quảng Nam đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua sự vận hành của trung tâm hành chính công. Ảnh: T.D

Thực tiễn sinh động

PCI 2017 đã chứng kiến một cuộc “soán ngôi” bất ngờ và đầy ấn tượng. Đà Nẵng từng giữ vị trí đầu bảng xếp hạng trong suốt 4 năm liền đã phải nhường chỗ cho Quảng Ninh khi địa phương này vận hành hiệu quả DDCI kể từ năm 2015.

Không chỉ tổng lực cải cách hành chính thông qua việc vận hành mô hình trung tâm hành chính công, thành lập ban xúc tiến đầu tư, mô hình “Cà phê doanh nhân”…, năm 2017, Quảng Ninh đã tiên phong trong việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội khi lập trang fanpage DDCI Quảng Ninh trên facebook. Bà Vũ Thị Kim Chi – Tổ phó Tổ công tác PCI, Phó ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh cho biết, nỗ lực triển khai PCI của Quảng Ninh là một chặng đường cải cách bền bỉ. Những sáng kiến của địa phương đã giúp những khó khăn, vướng mắc được tìm hiểu ngọn ngành, không hình thức. Mọi phản ảnh đều phải được giải quyết. Không được “quên” hoặc “thoái thác” như trước. Bất cứ lúc nào, doanh nghiệp đều có thể gặp trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. DDCI chính là công cụ để chính quyền hiểu doanh nghiệp hơn. Nhờ những cải cách này, chỉ sau mấy năm, Quảng Ninh đã thu hút hơn 3 tỷ USD, bằng 25 năm thu hút đầu tư trước đó cộng lại với sự hiện diện của các đầu tư Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan và những tập đoàn tư nhân lớn nhất nhì Việt Nam.

Những sáng kiến này đã giúp Quảng Ninh sớm nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở, trước khi chúng dồn tụ thành bức xúc và lan rộng. Theo điều tra PCI, nếu như năm 2014 có đến 80% doanh nghiệp nhận định Quảng Ninh “có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành” thì đến năm 2017, tỷ lệ này chỉ là 64% (thấp thứ 2 trên cả nước). Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp than phiền “lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện” đã giảm từ 64% (năm 2014) xuống còn 58% (2017). Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI nói không phải là nơi đầu tiên triển khai, nhưng Quảng Ninh đã áp dụng khá hiệu quả công cụ giám sát từ bên ngoài để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và chất lượng chỉ đạo, điều hành tại các ngành, các cấp trong tỉnh. Việc xây dựng, công bố thường niên bộ chỉ số DDCI đã giúp lãnh đạo Quảng Ninh giám sát hiệu quả và nâng cao trách nhiệm giải trình của lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương về hoạt động của các đơn vị họ phụ trách.

Nâng cao nhận thức cho cán bộ

DDCI là công cụ góp phần cải thiện PCI hữu hiệu đã được kiểm nghiệm. Vì thế chẳng có gì lạ khi Quảng Ninh trở thành mô hình mẫu được nhiều tỉnh, thành tham khảo, học tập. Quảng Nam cũng không là ngoại lệ khi tiếp cận các sáng kiến này để hình thành trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư, quyết định triển khai DDCI kể từ năm 2018.

Có thể khẳng định rằng DDCI được xây dựng với mục đích kép. Một mặt trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương đóng góp tiếng nói và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của chính quyền. Mặt khác, công cụ này cũng đã đặt các cơ quan, đơn vị của Quảng Nam vào tâm thế “thường trực” cải cách. Với sự cân đong, đo đếm được, DDCI sẽ “chuyển lửa cải cách” về tận xã, phường, phòng, ban và từng cán bộ, công chức. Song trên thực tiễn, việc chuyển hóa các kế hoạch cải thiện này vẫn không dễ dàng như mong đợi. Ông Nguyễn Văn Hùng – Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (đơn vị tư vấn) cho hay, tháng 3.2019 sẽ chính thức công bố kết quả đánh giá DDCI 2018, nhưng quá trình khảo sát đã gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, bộ chỉ số DDCI Quảng Nam vẫn còn khá mới, chưa được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được bộ chỉ số này nên thiếu nhiệt tình cung cấp thông tin cho các điều tra viên. Không ít doanh nghiệp e ngại khi thực hiện khảo sát với lý do chưa biết rõ về đơn vị tư vấn. Một số doanh nghiệp không có địa chỉ cụ thể theo tuyến đường, khó xác định chính xác vị trí doanh nghiệp… Ông Hùng kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét đồng ý chủ trương phát hành thư ngỏ, yêu cầu các cơ quan hữu trách phối hợp cung cấp thông tin…

Rõ ràng việc cải tiến công nghệ, nâng chất lượng chuyển tải thông tin đóng một vai trò quan trọng, bởi không phải tất cả doanh nghiệp đều có khả năng tra cứu thông tin hoặc theo dõi mọi chuyển động của chính quyền và cơ quan quản lý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nắm vững từng nội dung, tiêu chí đánh giá các chỉ số DDCI để quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức viên chức ý nghĩa và tầm quan trọng của bộ chỉ số này. Tất cả đều phải xem đây là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm cụ của tập thể và người đứng đầu. “Hợp tác với các cơ quan báo chí tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Mỗi sở, ban, ngành đều phải giao việc cụ thể, phân công người có trách nhiệm để phối hợp, triển khai kế hoạch khảo sát, đánh giá. Không thể để cộng đồng doanh nghiệp địa phương thiếu thông tin, thiếu kết nối, không ai phối hợp. Đây là mệnh lệnh chính trị chứ không còn là khuyến nghị nữa” - ông Tân nói.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG