Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân
(QNO) - Chiều nay 29.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ dẫn đầu đoàn công tác có cuộc kiểm tra kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 tại Quảng Nam. Trước đó, đoàn công tác đi kiểm tra thực tế về công tác CCHC tại Cục Thuế tỉnh, Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ và Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh.
Các đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành làm việc với đoàn công tác.
Quang cảnh cuộc làm việc chiều nay 29.7. Ảnh: Đ.V |
29% TTHC giải quyết theo quy trình 4 bước
Thay mặt UBND tỉnh báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh - Phó ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã trực tiếp đồng chủ trì 5 phiên họp của Ban Chỉ đạo. Qua đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thường xuyên rà soát, đôn đốc thực hiện các công việc đã đề ra; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế; cũng như tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực để cải thiện chỉ số CCHC của tỉnh...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là khâu đột phá của tỉnh. Nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí trong thực hiện TTHC, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác kiểm soát TTHC hàng năm và triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2017, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt danh mục cắt giảm thời gian đối với 801 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết các sở, ban ngành. Cụ thể là 6.553 ngày/23.964 ngày theo quy định của Trung ương, đạt tỷ lệ 27,3%; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát và phê duyệt danh mục TTHC cắt giảm 30% thời gian giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, xã.
Mời bạn đọc xem clip:
.
Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, Quảng Nam đã thành lập Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh. Tính đến nay, đã có 365/1.234 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban ngành được thực hiện theo quy trình 4 bước: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả lời kết quả tại trung tâm, đạt tỷ lệ 29%. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã thực hiện ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ban ngành giải quyết đối với 20 TTHC.
Nhằm đẩy mạnh công tác CCHC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, ngày 20.6.2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh trong công tác CCHC. Theo đó, xác định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu trong thực hiện CCHC gắn với các hình thức xử lý trách nhiệm. Đồng thời đã ban hành kế hoạch về việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Về cải cách bộ máy hành chính, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quả lý đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác CCHC của tỉnh, đồng chí Trần Văn Tân cũng thẳng thắn chỉ ra các mặt còn khó khăn, hạn chế trong công tác này. Trong đó, nhìn nhận công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai CCHC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu đồng bộ, thống nhất. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 chưa được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình...
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
Thảo luận tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao công tác CCHC của Quảng Nam và phân tích làm rõ thêm về những kết quả mà tỉnh đã đạt được, cũng như mặt còn tồn tại, hạn chế. Đồng thời cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế đã được nhìn nhận, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện việc xây dựng đề án vị trí việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, kết nối liên thông các cấp; đẩy mạnh CCHC về thuế...
Lãnh đạo các bộ phát biểu thảo luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Đ.V |
Tiếp thu ý kiến thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, nhận thức rõ về trách nhiệm của mình, nhất là khi chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2017 giảm 20 bậc so với năm 2016; trong 6 tháng đầu năm nay, trên cơ sở phân tích về các nguyên nhân, đề ra hướng khắc phục, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết tinh giản biên chế giai đoạn 2018 - 2021.
Đồng thời tập trung chỉ đạo việc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy. Hiện nay tỉnh phấn đấu thực hiện giải quyết theo mức độ 3 và 4, theo hướng lấy kết quả đánh giá trên số lượng người sử dụng mức độ 3 và 4, quyết tâm nâng từ 30 -50% TTHC được giải quyết theo quy trình 4 bước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã có một sự chỉ đạo thống nhất, Sở TT&TT là cơ quan đảm nhiệm điều hành chung; phải đảm bảo điều hành liên thông với các bộ, ngành Trung ương...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao về các kết quả mà Quảng Nam đạt được trong công tác CCHC. Đồng thời cho rằng, trong thời gian tới, Quảng Nam cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc CCHC gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII); tạo sự chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ là “công bộc của dân”.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn thời gian ban hành văn bản; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn không đặt thêm TTHC trong quá trình tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh theo đúng quy định. Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương số 18 (khóa XII) và Nghị quyết số 10 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương số 18.
Cùng với đó, tăng cường cải cách TTHC, nhất là các TTHC liên quan đến xây dựng, đất đai, thuế, hải quan...; tăng cường công khai, minh bạch, tổ chức tốt việc giải quyết TTHC; hạn chế tối đa việc giải quyết quá hạn, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Tổ chức triển khai có chất lượng, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, huyện theo đúng quy định.
“Thời gian tới, Quảng Nam tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số CCHC trong theo dõi, đánh giá. Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
NGUYÊN ĐOAN - PHAN VINH