Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực nhà nước: Nhiều khó khăn, bất cập

HOÀNG LIÊN 19/06/2018 10:59

Nhiều khó khăn, bất cập trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thuộc lĩnh vực nhà nước phục vụ công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền chính quyền điện tử, đảm bảo an ninh mạng cần được tháo gỡ, cải thiện.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cần đồng bộ (ảnh minh họa). Ảnh: H.L
Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cần đồng bộ (ảnh minh họa). Ảnh: H.L

Chỉ số ứng dụng CNTT thấp

Hội nghị cải cách hành chính mới đây thông tin, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) của Quảng Nam bị tụt hạng 20 bậc so với năm 2016, xếp thứ 52/63 tỉnh/thành. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông (ICT INDEX) của tỉnh bị tụt 10 bậc, xếp thứ 40/63 tỉnh thành, trong khi đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy nền cải cách hành chính. Theo ông Trương Thái Sơn - Trưởng phòng CNTT (Sở TT-TT), chỉ tiêu ICT INDEX được đánh giá dựa trên 3 yếu tố: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT. Sở dĩ các nội dung tiêu chí thành phần ICT INDEX của tỉnh bị thấp điểm là vì 3 nguyên nhân trên. Hiện hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan nhà nước của tỉnh còn hạn chế, chưa được đầu tư so với các tỉnh/thành phố trên cả nước. Tỷ lệ kết nối mạng WAN còn thấp; việc đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; nguồn nhân lực CNTT chưa được kiện toàn…

Về ứng dụng CNTT, theo ông Sơn, tỷ lệ cán bộ công chức sử dụng thư công vụ của tỉnh hiện còn thấp do hiện nay tỉnh chưa đầu tư chính thức hệ thống email công vụ (chỉ mới triển khai thử nghiệm). Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh còn thấp, đặc biệt là điểm dịch vụ công trực tuyến mức 4 hiện nay Quảng Nam chỉ đạt 15% (mức cao nhất cả nước là 34%)… “Ứng dụng CNTT trong nhà nước còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Hạ tầng CNTT còn chưa đồng bộ, đội ngũ chuyên trách an toàn thông tin của tỉnh chưa có, việc đào tạo tập huấn còn hạn chế, số lượt cán bộ, công chức đi đào tạo còn thấp, chưa được quan tâm đúng mức. Một khó khăn nữa là các đơn vị hiện chưa ứng dụng phần mềm liên thông, phần mềm giữa các đơn vị, các cấp chưa thống nhất, đòi hỏi phải xây dựng được khung phần mềm dùng chung và nhiệm vụ này đang được hoàn thiện. Ngay chữ ký số đã cấp cho các sở ngành, nhưng nhiều đơn vị chưa triển khai, chỉ có một vài đơn vị làm tốt như Sở Tài chính, Sở VH-TT&DL” - ông Sơn cho biết.

Theo ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT, để nâng cao chỉ số ICT INDEX của tỉnh, Sở TT-TT kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên, quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT trong cơ quan nhà nước, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ các cơ quan đơn vị, kết nối mạng WAN đến cấp xã phường, đầu tư về bảo mật, an toàn thông tin, phòng chống virus… Về phía các sở, ngành, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo Quyết định số 499/QĐ-UBND của UBND tỉnh, vận hành có hiệu quả, tạo nền tảng phát triển ứng dụng CNTT của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao số lượng dịch vụ công cũng như hồ sơ trực tuyến, các cấp chính quyền, các sở ngành cần có các giải pháp hoàn thiện hệ thống phần mềm, cải tiến quy trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính và tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp biết và khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Xây dựng chính quyền điện tử

Theo ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT, Sở TT-TT đã ban hành 1 đề án, 1 kế hoạch và 1 quy chế đề án “Phát triển CNTT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020”, “Kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước năm 2017”, “Quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng”. Trong đó, đề án “Phát triển CNTT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020” có phê duyệt xây dựng 15 cơ sở dữ liệu chuyên ngành trọng điểm của tỉnh và đang bắt đầu triển khai, dự kiến hoàn thiện vào năm 2020. Sở cũng triển khai lắp đặt mạng WAN cho 33 đơn vị, kết nối liên thông phần mềm Q-office với trục liên thông văn bản điện tử; triển khai thử nghiệm hệ thống email công vụ; cấp chứng thư số chuyên dùng cho 49 đơn vị. Năm 2018 này, Sở TT-TT tiếp tục triển khai xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, đã tổ chức chọn đơn vị tư vấn và đang tiến hành xây dựng nội dung kiến trúc. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đang triển khai thi công. Hiện có 81 đơn vị và 117 cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được cấp chứng thư số chuyên dùng. Ngành TT-TT cũng triển khai vận hành hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp tỉnh phục vụ việc tiếp nhận, luân chuyển xử lý hồ sơ giữa trung tâm hành chính công với sở, ngành; mở rộng triển khai phần mềm phục vụ hoạt động của trung tâm hành chính công cấp huyện tại các địa phương Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An và tiếp tục triển khai tại 5 địa phương khác.

Việc chú trọng đảm bảo an ninh mạng cũng là một nội dung quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử. Theo ông Quảng, hiện nay, Quảng Nam chưa được đầu tư nâng cấp tính bảo mật trên toàn hệ thống. Sự việc hệ thống mạng của thị xã Điện Bàn bị tê liệt vừa qua cũng là thực trạng báo động về an ninh mạng. Sở đã kiến nghị tỉnh giao cho Sở TT-TT phối hợp với các sở ban ngành liên quan triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh mạng, đảm bảo an toàn thông tin, thực hiện tốt hơn nữa pháp lệnh về an toàn thông tin. UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo thành lập trung tâm ứng cứu sự cố tỉnh. Cùng với đó, Sở TT-TT sẽ lập danh sách cử cán bộ tham gia tập huấn ứng cứu sự cố; tập hợp các chuyên gia, đội ngũ CNTT của tỉnh triển khai các nhiệm vụ diễn tập đảm bảo an toàn thông tin, xử lý ứng cứu sự cố máy tính.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN