Rà soát, phân tích năng lực điều hành
Hôm nay (23.5), UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến phân tích 4 chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX và ICT INDEX của Quảng Nam. Đây được xem là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước cùng phân tích, rà soát toàn diện, khắc phục tồn tại và tìm cách tăng điểm, nâng hạng năng lực điều hành trong thời gian tới.
Tin liên quan
|
Trung tâm hành chính công hướng đến 3 mục tiêu “giảm thủ tục, thời gian và chi phí”, vận hành hơn một năm qua nhưng vẫn chưa được đánh giá cao. Ảnh: T.DŨNG |
Kết quả năng lực điều hành
Bốn bộ chỉ số mới công bố có khá nhiều điểm khác biệt. PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2017 của Quảng Nam (doanh nghiệp đánh giá) đã thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ, tăng cả điểm số và thứ hạng. Điểm tổng hợp 65,41 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố, một trong 4 địa phương thuộc nhóm điều hành tốt, xếp thứ 2/12 khu vực duyên hải miền Trung (tăng 4,24 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2016). Vị thứ này được đánh giá là cao nhất của Quảng Nam kể từ trước đến nay, duy trì 3 năm liên tiếp nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất nước. Hiện có đến 7/10 chỉ số thành phần trong PCI của Quảng Nam tăng điểm: tiếp cận đất đai (6,71 điểm), tính minh bạch (6,8 điểm), chi phí không chính thức (5,53 điểm), tính năng động của chính quyền tỉnh (6,63 điểm), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,44 điểm) và thiết chế pháp lý (6,99 điểm).
Chỉ số PAPI (đo lường trải nghiệm người dân đối với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền) được xếp vị trí thứ 27 (đạt 37,08 điểm, tăng 1,89 điểm so với năm 2016) trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. So với kết quả năm 2016, Quảng Nam tăng 3 bậc (năm 2016 đạt 35,99 điểm, đứng thứ 30), trong nhóm tỉnh đạt điểm trung bình cao. Có 5/6 chỉ số nội dung tăng điểm so với năm 2016, nhưng chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân lại bị giảm điểm.
Nếu PCI, PAPI năm 2017 thăng hạng, tăng điểm thì PAR INDEX (cải cách hành chính) và ICT INDEX (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông) năm 2017 có điểm số và thứ hạng tụt giảm. PAR INDEX (Bộ Nội vụ đánh giá) chỉ đạt 73,27 điểm, giảm 0,39 điểm, xếp thứ hạng 52/63 tỉnh, thành. Vị thứ này đã giảm sâu đến 20 bậc so với năm 2016 và xếp 7/12 khu vực duyên hải miền Trung.
Theo kết quả, chỉ có 3 tiêu chí thành phần đạt hơn 80% (xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật 83,1%, cải cách tài chính công 86,71% và tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội 96,77%) và có 3 tiêu chí đạt chỉ số thành phần hơn 70%. Khá nhiều chỉ số thấp hơn tỷ lệ giá trị trung bình của cả nước, nhất là chỉ số xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức thấp đến hơn 15% so với giá trị trung bình cả nước. Chỉ số ICT INDEX 2017 (doanh nghiệp và người dân đánh giá) được Bộ TT&TT công bố càng tệ hơn khi liên tục xuống hạng, chỉ đứng thứ hạng 40/63 tỉnh, thành phố, tụt đến 10 bậc so với năm 2016 (và năm 2016 tụt 4 bậc so năm 2015).
Thức nhận điểm yếu
Việc tăng, giảm điểm, thăng hay tụt hạng của 4 bộ chỉ số nêu trên có nhiều ý kiến trái ngược nhau, thậm chí gây ngạc nhiên khi mọi nỗ lực cải cách đang được vận hành khá tốt của Quảng Nam lại không được ghi nhận. Theo phân tích của Sở TT&TT, sở dĩ ICT INDEX giảm điểm, giảm hạng bởi hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư, tỷ lệ kết nối mạng WAN còn thấp, tỷ lệ văn bản điện tử thấp do hệ thống phần mềm quản lý văn bản điện tử của tỉnh chưa liên thông kết nối giữa các đơn vị, dẫn đến việc gửi nhận văn bản giữa các cơ quan còn thực hiện bằng bản giấy. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Quảng Nam hiện nay chỉ 15% so với mức cao nhất của cả nước là 34%.
Trong khi đó, nhận định về thứ hạng PCI, ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho rằng dù 6/10 chỉ số đã có cải thiện rõ rệt về mặt điểm số và thứ hạng nhưng các chỉ số thành phần này vẫn còn quá nhiều tồn tại. Ngoài ra, chỉ số chi phí thời gian chưa được cải thiện. Chỉ số này giảm mạnh liên tiếp qua 2 năm 2016 và 2017 (năm 2017 đạt 6,71 điểm, giảm 0,46 điểm, xếp 25/63 tỉnh, thành phố). Đây là chỉ số thành phần tụt hạng nhiều nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI (giảm 15 bậc).
Ông Hùng nói năm 2017 Quảng Nam đã thành lập và vận hành trung tâm hành chính công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính “giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí” nhưng kết quả chi phí thời gian sụt giảm đến 15 bậc là vấn đề đáng lo ngại. Theo ông Hùng, mặc dù thời gian thực hiện thủ tục hành chính đã được cắt giảm nhưng vẫn còn gây phiền hà cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn còn phải dành nhiều thời gian để làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra, số giờ làm việc với cơ quan thuế vẫn không giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp.
Trong một báo cáo của Sở Nội vụ, lý do mất điểm PAR INDEX nằm ở khá nhiều nguyên nhân. Nhất là cải cách bộ máy bị đánh giá thấp bởi các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, các phòng thuộc cơ quan chuyên môn chưa bảo đảm cơ cấu, số lượng lãnh đạo. Năm 2017 Quảng Nam tập trung quá nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị và phục vụ kiểm toán, thanh tra, kiểm tra của trung ương nên UBND tỉnh chưa hoàn thành việc phê duyệt Đề án vị trí việc làm theo cơ cấu ngạch công chức, viên chức. Cũng không loại trừ năm 2017 có quá nhiều cán bộ công chức bị kỷ luật từ khiển trách trở lên và chưa triển khai chính quyền điện tử…
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy 4 bộ chỉ số của Quảng Nam đều ở mức trung bình và thể hiện tính không ổn định. Nguyên nhân được đề cập nhiều nhất là cải cách hành chính hay thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng và việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân chưa tốt. Bốn bộ chỉ số này đã tham dự vào quá trình cải cách môi trường kinh doanh, chính quyền phục vụ, cải cách nền hành chính đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại Quảng Nam.
Những nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về nâng cao các bộ chỉ số này vẫn rất đúng đắn, nhưng tại sao có sự đảo chiều liên tục? Hội nghị trực tuyến tổ chức vào hôm nay (23.5) sẽ phân tích nhiều khía cạnh của vấn đề này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng việc phân tích 4 bộ chỉ số không chỉ ý nghĩa với các cấp chính quyền mà cả người dân vì bất cứ sự cải thiện nào của các chỉ số này cũng là chỉ dấu cho sự phát triển Quảng Nam. Sẽ không vị nể hay ngại đụng chạm, sẽ đưa ra các khuyến nghị, đi thẳng vào gốc vấn đề, tham chiếu nhiều bài học từ các địa phương, nhất là tạo ra sự minh bạch để lấp đi kẽ hở tiêu cực, nhũng nhiễu, nhất là những đề xuất của doanh nghiệp, dân chúng có được tiếp thu hay không và giải quyết như thế nào. Đó mới là điều thực sự quan trọng của cải cách.
TRỊNH DŨNG