Cải thiện năng lực cạnh tranh: Bắt "bệnh" để điều trị

TRỊNH DŨNG 09/05/2018 13:03

Không tự bằng lòng với thứ hạng hay điểm số PCI 2017, chính quyền Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan quản lý rà soát, nhìn nhận một cách thực tế các chỉ số thấp điểm hoặc yếu hơn so với các địa phương khác để tìm cách cải thiện.

Tin liên quan

  • CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ PCI
Tiếp cận đất đai hay chi phí không chính thức vẫn chưa được đánh giá cao là những điểm nghẽn của cải cách. (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.DŨNG
Tiếp cận đất đai hay chi phí không chính thức vẫn chưa được đánh giá cao là những điểm nghẽn của cải cách. (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.DŨNG

Những “điểm nghẽn” cải cách

Với số điểm 65,41 đã đưa PCI 2017 Quảng Nam lọt vào 1 trong 4 tỉnh, thành thuộc nhóm tốt, xếp hạng 7 (thăng 3 bậc). Có đến 7 chỉ số thành phần PCI 2017 ghi nhận bước tiến đáng kể đã khiến nhiều người lạc quan cho rằng những cải cách của chính quyền, cơ quan quản lý đã bắt đầu hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không nghĩ vậy. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), không chỉ 3/10 chỉ số chiều sâu (gia nhập thị trường - 8,2 điểm, chi phí thời gian - 6,71 điểm và cạnh tranh bình đẳng - 5,48 điểm) vẫn đang sụt giảm điểm một cách không phanh, khá nhiều chỉ số thành phần PCI 2017 của Quảng Nam vẫn giẫm chân tại chỗ với mức điểm không thể vượt qua được con số 7. Có thể kể đến 3 chỉ số được xem là quan trọng để đánh giá mức độ cải thiện môi trường đầu tư đã có nhiều tiến triển hay không là tiếp cận đất đai, chi phí thời gian và chi phí không chính thức.

Với 6,71 điểm về chỉ số tiếp cận đất đai, dù tăng điểm so năm với 2017 nhưng vẫn không được đánh giá cao. Kết quả khảo sát cho thấy dù chỉ phải mất 15 ngày sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cao hơn nhiều so với bình quân của các tỉnh, thành khác, nhưng chỉ 53% doanh nghiệp được hỏi nói có mặt bằng kinh doanh và có giấy quyền sử dụng đất, 24% doanh nghiệp nói không gặp cản trở về tiếp cận mở rộng mặt bằng kinh doanh, 27% doanh nghiệp không gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá rủi ro thu hồi đất rất cao, 17% doanh nghiệp nói giải phóng mặt bằng chậm, 33% doanh nghiệp cho rằng việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng. Điều đáng lo ngại là còn đến 17% doanh nghiệp than phiền vì khó khăn khi thiếu quỹ đất sạch và chỉ có 26% doanh nghiệp cho biết sẽ được bồi thường thỏa đáng khi bị thu hồi đất.

Chi phí không chính thức (5,53 điểm) cũng được đánh giá tăng điểm, nhưng nhìn vào sự “cho điểm” của doanh nghiệp vẫn không mấy khả quan. Cuộc điều tra cho biết có đến 65% doanh nghiệp nói phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức, 54% doanh nghiệp nói công việc luôn đạt được sau khi đã trả các chi phí, 61% doanh nghiệp nói tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến, cho dù 86% doanh nghiệp vẫn nói các khoản chi phí ở mức chấp nhận được. Cuộc điều tra cũng đưa ra con số 45% doanh nghiệp nói có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ, thanh tra kiểm tra, 10% doanh nghiệp nói phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, 33% nói có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục đất đai. Đặc biệt, 54% doanh nghiệp nói việc trả chi phí không chính thức là điều bắt buộc để trúng thầu và 27% doanh nghiệp lo ngại tình trạng chạy dự án là phổ biến.

Tự soi mình để cải thiện

Con số 91% doanh nghiệp cho biết phí, lệ phí được niêm yết công khai, 72% doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính đã rút ngắn hơn so quy định, 77% doanh nghiệp nói cán bộ thân thiện, giải quyết công việc hiệu quả và 53% - 58% doanh nghiệp nói thủ tục giấy tờ đã đơn giản, không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục… là những điểm sáng được ghi nhận. Song tiếp cận đất đai và sự thiếu ổn định trong sử dụng đất có chiều hướng gia tăng, tiếp cận khó khăn, gặp rất nhiều phiền hà trong thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường cho dân hay quy hoạch đất đai chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, hoặc phiền hà trong nhiều thủ tục hành chính khác là điều bận tâm của chính quyền và cơ quan quản lý. Không chỉ vậy, các khoản lót tay, chi phí không chính thức gia tăng và doanh nghiệp thừa nhận phải “trả hoa hồng” để có được hợp đồng tăng mạnh. Những phát hiện này thực sự đáng lo ngại, là một sự nguy hại cho cả nền kinh tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng hiện tại tiến trình cải cách vẫn chưa được đẩy mạnh. Cơ chế một cửa liên thông, thủ tục hành chính vẫn chưa tạo được quy trình thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương. Còn không ít thủ tục hành chính chưa được điện tử hóa và lượng hồ sơ giấy vẫn còn khá nhiều, không ít thủ tục hành chính vẫn phải hướng dẫn nhiều lần và thái độ phục vụ của cán bộ cơ quan nhà nước vẫn chưa thực sự làm hài lòng doanh nghiệp.

Những chỉ số thành phần PCI luôn biến động, tăng, giảm không đều qua từng năm, nhất là những chỉ số quan trọng kể trên dù được cho điểm vẫn khá thấp so với điểm chung của cả nước đã buộc chính quyền đặt ra câu hỏi liệu những cải cách ấy có thật sự tạo ra sự thay đổi cần thiết để tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn không? Không thể trì hoãn những cuộc cải cách để thay đổi “số phận” năng lực cạnh tranh Quảng Nam, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký văn bản yêu cầu Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư khẩn trương đôn đốc, theo dõi, đánh giá các sở, ban, ngành về thực hiện các chỉ thị đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực PCI và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Lưu ý nhất là rà soát, đánh giá thật cụ thể về các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian và chi phí không chính thức của Quảng Nam; đồng thời chỉ ra những trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan quản lý nhà nước, không để tình trạng đổ trách nhiệm lẫn nhau, trì hoãn cải cách, chấm dứt nạn vận dụng, diễn giải theo ý muốn chủ quan bằng cách bạch hóa môi trường pháp lý… Tất cả những “việc cần làm ngay” này nhằm đưa ra những cải cách thành công.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG