Nỗ lực cải cách, chỉ số vẫn tụt giảm

TRỊNH DŨNG 07/05/2018 09:28

Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của Quảng Nam bị tụt đến 20 bậc. Đây là điều ngạc nhiên của chính quyền, cơ quan quản lý khi nỗ lực cải cách, thực thi cải cách hành chính đang được vận hành khá tốt.

Sự vận hành của trung tâm hành chính công nhận được sự hài lòng của nhiều người dân và doanh nghiệp.
Sự vận hành của trung tâm hành chính công nhận được sự hài lòng của nhiều người dân và doanh nghiệp.

Tụt hạng quá sâu

Theo công bố của Bộ Nội vụ, PAR INDEX năm 2017 của Quảng Nam đạt 73,27 điểm (73,27%), đứng thứ 52/63 tỉnh, thành cả nước, thấp hơn giá trị trung bình 77,72% của cả nước và thấp hơn cả năm 2016 (74,64%). Có 4 chỉ số (tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam đạt 15/15,5 điểm, có tỷ lệ đến 96,77%; cải cách tổ chức bộ máy hành chính 8,65/11 (78,66%); cải cách thủ tục hành chính 10,95/14,5 (75,53%) và cải cách tài chính công đạt 6/7, tỷ lệ 86,68% vượt qua tỷ lệ giá trị trung bình cả nước. Trong khi đó 4 chỉ số: chỉ đạo điều hành cải cách hành chính đạt 7,25/10 (72,50%); xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật 8,31/10 (83,06); hiện đại hóa hành chính đạt 8,16/16 (50,99%); xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đạt 8,89/16 (55,54%) đều thấp hơn tỷ lệ giá trị trung bình của cả nước, nhất là chỉ số xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ công chức viên chức thấp đến hơn 15% so với giá trị trung bình cả nước. Chỉ trừ chỉ số cải cách hành chính tác động đến người dân, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội và hiện đại hóa hành chính tăng (96,77/81,25 và 50,99/25), còn lại tất cả chỉ số thành phần khác đều bị sụt giảm.

Theo nhận định của Bộ Nội vụ, PAR INDEX 2017 đi sâu vào việc đánh giá hiệu quả, tác động của cải cách hành chính nhiều hơn. Vì thế, giá trị trung bình của PAR INDEX 2017 có xu hướng tăng lên, thể hiện kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính mỗi địa phương đã có những thay đổi đáng kể so với năm 2016 khi lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố dành sự quan tâm cho công tác cải cách hành chính ngày càng nhiều. Thực tế ghi nhận từ những địa phương chiếm thứ hạng cao (Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng….) đều cho thấy đó là những địa phương tiên phong triển khai thí điểm áp dụng mô hình cải cách mới, mang tính đột phá mạnh mẽ như mô hình trung tâm hành chính công, sáng kiến thành lập trang fanpage DDCI để tiếp nhận và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua mạng xã hội facebook, các mô hình đổi mới sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, xây dựng mô hình chính quyền thân thiện, có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức…

Ngạc nhiên, vì sao?

Nhìn vào vị thứ xếp hạng tụt đến 20 bậc và quá nhiều chỉ số thành phần bị giảm điểm, nhiều người ngạc nhiên vì cho rằng thực tế Quảng Nam đã vận hành một Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, trở thành đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã công bố trước Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là Quảng Nam đã thực sự đổi mới tư duy từ nền hành chính quản lý sang phục vụ. Việc kiểm soát thủ tục hành chính, chất lượng hệ thống các quy định, phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã được vận hành khá tốt. Chính quyền cũng đã rà soát và công bố thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền, chuẩn hóa và đưa vào thực hiện (các sở, ngành 1.341 thủ tục hành chính, cấp huyện 261 và cấp xã 84 thủ tục hành chính). Hiện có 1.219/1.294 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành được chuyển sang giải quyết trực tiếp tại trung tâm hành chính công, chiếm tỷ lệ 94%/tổng số thủ tục hành chính. Năm 2017, 100% các sở, ngành thuộc tỉnh đã cắt giảm trung bình 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trên mạng trong nội bộ các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh cấp huyện gần 95%. Năm 2017, Quảng Nam đã triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 358 thủ tục hành chính, mức độ 4 với 24 thủ tục hành chính từ tỉnh đến xã, đạt khoảng 23% thủ tục hành chính.

Những con số thống kê ấy phần nào thể hiện việc cải cách hành chính của Quảng Nam đang được vận hành khá tốt. Nhưng tại sao các nỗ lực ấy không được ghi nhận đúng mức, lại bị đánh giá thấp và tụt hạng sâu? Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay mặc dù trung tâm chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện cơ chế, nhưng lại không toàn quyền quyết định. Hồ sơ vẫn cứ đi lòng vòng vì thiếu sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nên người giao dịch phải tốn thêm thời gian, phiền hà khi thực hiện các thủ tục hành chính. Nhưng tất cả thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công khai minh bạch được kiểm soát một cách toàn diện, bao quát từ khâu tiếp nhận hồ sơ, quy trình xử lý đến lúc trả kết quả trên nguyên tắc “công khai – minh bạch – chất lượng – đúng hẹn”, “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ” đã nhận nhiều sự hài lòng của người đến giao dịch. Vì thế, việc đánh giá thấp chỉ số này là điều ngạc nhiên!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, ông cũng rất ngạc nhiên khi nhận được thông tin này. Bởi các chỉ số trong PCI hay PAPI đều rất tốt, nhưng  chỉ số PAR INDEX do Bộ Nội vụ chấm thì không hiểu vì sao họ chấm chỉ số cải cách hành chính lại giảm? PCI lấy ý kiến doanh nghiệp, PAPI lấy ý kiến người dân, còn PAR INDEX này do Bộ Nội vụ chấm. Đó là 3 đối tượng khác nhau, nhưng đối tượng phản ảnh trung thực mang tính xã hội là từ cộng đồng doanh nghiệp và dân cư mang tính rộng rãi hơn. Còn Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước thì không biết chấm theo kiểu gì, theo cơ sở của bộ chỉ số nào, có mang tính khách quan hay không? Hiện chính quyền Quảng Nam cho các cơ quan kiểm tra, rà soát để đưa ra phân tích, mổ xẻ trong một hội nghị sắp tới.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG