Nhận diện điểm yếu chỉ số PCI
Thăng hạng, thăng điểm nhưng 3 chỉ số mang tính cải cách chiều sâu liên tiếp bị đánh giá thấp là mảng màu xám trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của Quảng Nam.
Tin liên quan
|
Quảng Nam đã nỗ lực cải cách hành chính nhưng không ít chỉ số thành phần PCI vẫn bị doanh nghiệp đánh giá thấp. (ảnh minh họa). |
“Thông điệp” từ những con số
Tổng điểm PCI năm 2017 của Quảng Nam đã đạt 65,41 điểm, thăng từ hạng 10 lên 7, thuộc nhóm tốt, đứng vị thứ 2 khu vực duyên hải miền Trung, tiệm cận với những tỉnh, thành có chỉ số PCI rất tốt. Việc trở thành gương mặt “sáng giá” trong hai năm liền lọt vào top 10 tỉnh, thành có thứ hạng cao nhất nước đã khiến chính quyền, cơ quan quản lý lạc quan về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Song, những phân tích riêng lẻ các chỉ số thành phần PCI Quảng Nam vẫn còn nhiều điều đáng nói khi 3/10 chỉ số chiều sâu (gia nhập thị trường - 8,2 điểm, chi phí thời gian - 6,71 điểm và cạnh tranh bình đẳng - 5,48 điểm vẫn đang sụt giảm điểm.
Gia nhập thị trường được cho là dễ dàng cải thiện nhất nhưng kết quả khảo sát lại không mấy khả quan cho dù đã đạt đến 8,2 điểm nhưng chỉ trừ năm 2006 và 2011 sụt giảm, còn tất cả các năm khác đều vượt qua số điểm 8,2 của năm 2017. Theo thống kê, có đến 83% doanh nghiệp được hỏi cho rằng thủ tục đăng ký kinh doanh thay đổi được niêm yết công khai, 92% doanh nghiệp cho rằng cán bộ đã hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, 68% doanh nghiệp cho rằng cán bộ am hiểu chuyên môn, 73% doanh nghiệp cho rằng cán bộ nhiệt tình, thân thiện và 69% doanh nghiệp cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin tốt, nhưng vẫn còn đến 13% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng và 2% doanh nghiệp nói phải chờ tới hơn 3 tháng mới có thể hoàn thành các thủ tục hành chính (TTHC) để chính thức hoạt động.
Chi phí thời gian cũng không khá hơn. Có 72% doanh nghiệp cho rằng thời gian thực hiện TTHC đã được rút ngắn hơn so quy định, nhưng 31% doanh nghiệp cho biết phải dùng hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật, 13% doanh nghiệp cho rằng đã bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm 2017, 12% doanh nghiệp cho rằng nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp, 8% doanh nghiệp than phiền số giờ trung vị cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế và 19% doanh nghiệp nói thanh tra, kiểm tra đã tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu.
Cạnh tranh bình đẳng luôn có điểm số thấp, lại thường xuyên tụt điểm đã ghi nhận có đến 26% doanh nghiệp cho rằng tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, đã gây khó cho doanh nghiệp. Hơn 29% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp nhà nước thuận lợi hơn trong việc tiếp cận đất đai, 25% doanh nghiệp cho rằng thuận lợi hơn trong các khoản vay, 18% cho rằng doanh nghiệp nhà nước thuận lợi hơn trong việc cấp phép khai thác khoáng sản, 23% cho rằng thuận lợi hơn trong việc thực hiện các TTHC, 19% doanh nghiệp nói doanh nghiệp nhà nước có được hợp đồng từ cơ quan nhà nước hơn, 51% doanh nghiệp được ưu tiên giải quyết các khó khăn hơn doanh nghiệp dân doanh, 48% doanh nghiệp cho ràng tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn khu vực tư nhân… và 72% doanh nghiệp nói nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai…) chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp thân quen cán bộ chính quyền, 51% doanh nghiệp nói ưu đãi cho doanh nghiệp lớn nhà nước và tư nhân lớn là trở ngại lớn cho bản thân doanh nghiệp.
Cần bước đột phá
Những cuộc gặp gỡ gần đây giữa chính quyền, cơ quan quản lý với doanh nghiệp ghi nhận môi trường đầu tư, kinh doanh đã thông thoáng hơn. Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư đã hiện thực hóa cải cách bằng việc tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Có thể nhìn thấy tính hiệu quả của trung tâm này khi thời gian giải quyết TTHC đã giảm từ 30 - 50%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn trên 90% và số lượng TTHC được giải quyết và trả kết quả trong ngày gia tăng. Tuy nhiên, khi những chỉ số mang tính chiều sâu như nêu trên liên tục bị mất điểm thì liệu những cải cách ấy có tạo ra một sự thay đổi cần thiết để tạo ra bước đột phá mạnh mẽ?
Ông Nguyễn Công Dũng – Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói những TTHC rườm rà từ các cơ quan công quyền cấp tỉnh đã khiến không ít lần địa phương gặp rắc rối, khó khăn khi tiến hành thu hút dự án đầu tư của doanh nghiệp tại vùng đông. Ông Trần Hữu Doãn – Chủ tịch HĐQT Công ty May Tuấn Đạt luôn yêu cầu chính quyền công bằng hơn trong việc cung cấp môi trường đầu tư cạnh tranh bình đẳng, nhất là tiếp cận đất đai giữa các loại hình doanh nghiệp. Ông Võ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư nhiều lần thừa nhận trung tâm chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện cơ chế, nhưng lại không thể toàn quyền quyết định. Hồ sơ vẫn cứ đi lòng vòng vì thiếu sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý. Cụ thể, có những hồ sơ đã được thống nhất, nhưng từ sở, ban, ngành đưa lên trung tâm hành chính công thì cán bộ biệt phái lại không nhận với lý do hồ sơ không đúng. Chuyện này trung tâm không thể giải quyết được nên nhiều người dân, doanh nghiệp đã phải tốn thêm thời gian, phiền hà khi thực hiện các TTHC.
Theo Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, đã có khoảng 30% hồ sơ được giải quyết TTHC “4 trong 1” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) ngay tại trung tâm kể từ ngày 1.1.2018, tối thiểu 50% đến ngày 30.6.2018 và đến 31.12.2018 sẽ có tối thiểu 70% số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành được thực hiện theo quy trình 4 bước gắn với phân cấp, ủy quyền và thẩm định tại trung tâm này. Kế hoạch hành động này xét cho cùng cũng là chuyện của ngày mai khi hiện tại cải cách vẫn đang dang dở. Vẫn đang chờ sự giám sát, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. Có lẽ đến lúc phải trả lời được câu hỏi tại sao vẫn còn đến hơn 3.600 hồ sơ TTHC chưa thể xử lý hay giải quyết được, hiện còn neo trên hồ sơ của trung tâm hành chính công sau hơn một năm vận hành? Hoặc đánh giá cụ thể vì sao những nỗ lực cải cách về giảm thiểu chi phí thời gian, gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng một cách minh bạch… vẫn không được cộng đồng doanh nghiệp cho điểm?
TRỊNH DŨNG