"Phụng sự" doanh nghiệp
Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp thuộc PCI của Quảng Nam luôn tăng điểm, xếp vào nhóm tốt, chiếm thứ hạng cao so với các tỉnh, thành duyên hải miền Trung đã thể hiện môi trường đầu tư được cải thiện, hướng đến phục vụ và tạo dựng niềm tin nơi doanh nghiệp.
Tin liên quan
|
“Cà phê doanh nhân” luôn được xem là kênh tương tác hiệu quả giữa chính quyền, cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Ảnh: T.D |
Doanh nghiệp lạc quan
Chỉ số PCI 2017 Quảng Nam ghi nhận có đến 7 chỉ số thành phần tăng điểm, nhưng hỗ trợ doanh nghiệp luôn được đánh giá là tăng điểm, tăng thứ hạng, xếp vào nhóm tốt liên tục so với các tỉnh, thành duyên hải miền Trung kể từ năm 2013 trở lại đây. Theo báo cáo “nhiệt kế” doanh nghiệp PCI 2017 của Quảng Nam, mức độ lạc quan của doanh nghiệp trên đà phục hồi. Hơn 52% số doanh nghiệp cho biết sẽ tăng quy mô hoạt động trong vài năm tới. Tỷ lệ này tăng hơn nhiều so với năm 2016. Khoảng 40% doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động với quy mô hiện tại, 60% doanh nghiệp FDI có kế hoạch tăng quy mô hoạt động và 62% doanh nghiệp tăng quy mô lao động; trong khi số lượng doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa rất thấp, chỉ chiếm ở mức 8%.
Sự gia tăng không chỉ điểm số, thứ hạng của chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp không phải là chuyện bất ngờ. Ngay từ đầu năm 2017, chính quyền Quảng Nam đã ban hành một loạt sáng kiến nhằm giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Quảng Nam đã chính thức yêu cầu các sở, ngành, địa phương lập kế hoạch chi tiết để cải thiện tất cả lĩnh vực PCI có liên quan đến các quy định và thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cắt giảm chi phí, giảm bớt gánh nặng hành chính hoặc hạn chế kiểm tra doanh nghiệp, không để tình trạng chồng chéo kiểm tra. Không phải là nơi đầu tiên triển khai, nhưng sau những chuyến công tác học tập, Quảng Nam đã áp dụng khá hiệu quả công cụ giám sát từ bên ngoài để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và chất lượng chỉ đạo điều hành tại các ngành, các cấp thông qua một trung tâm hành chính công.
Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay Quảng Nam đã tận dụng sức mạnh của thông tin điện tử, giúp nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở. Những cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp theo hình thức như trước đây đã kết thúc vai trò lịch sử nhưng mô hình “Cà phê doanh nhân” đã được mở rộng. Quảng Nam thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa cơ quan nhà nước, các sở, ngành với doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, giải đáp kịp thời khó khăn cho cộng đồng kinh doanh.
Tất cả vì doanh nghiệp
Hiện thực hóa Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và các kế hoạch hành động của Quảng Nam về hỗ trợ doanh nghiệp đã trở thành một mệnh lệnh. PCI năm 2017 cho thấy, có đến 80% doanh nghiệp hài lòng đối với phản hồi, giải đáp của các cơ quan thuộc hệ thống chính quyền Quảng Nam. Nỗ lực cải cách hành chính, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp đã cho kết quả ghi nhận tích cực khi có 72% doanh nghiệp cho biết các vấn đề của doanh nghiệp đã được giải quyết kịp thời sau những cuộc tiếp xúc, đối thoại. Những con số này thể hiện niềm tin của doanh nghiệp rất rõ rệt. Tuy nhiên, cuộc cải cách có được hiện thực hóa nhiều hay không để doanh nghiệp có đủ niềm tin vào Quảng Nam và mở rộng đầu tư như dự định vẫn đang chờ thêm những cuộc cải cách mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng doanh nghiệp giờ đây có nhiều kênh thông tin để tương tác với chính quyền và cơ quan quản lý. Tất cả ý kiến doanh nghiệp đều đã được ghi nhận, mổ xẻ, phân tích trong sự kết hợp thống nhất, kịp thời giữa các cơ quan công quyền. Chính quyền thụ lý, sớm thực hiện các yêu cầu hay hiến kế của doanh nghiệp và ban hành các chính sách thích hợp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tối đa. Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp luôn là hành trình tiếp diễn. Quảng Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế chính sách. Sẽ rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch quốc tế trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài. Các lớp tập huấn về hội nhập quốc tế sẽ thường xuyên được mở. Ngoài ra, sẽ phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài giải quyết kịp thời, đúng luật và có lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh khi sản xuất - kinh doanh ở nước ngoài. Tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại, gặp gỡ với các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như “Tiếp doanh nghiệp định kỳ”, “Cà phê doanh nhân”..., kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho biết chính quyền, cơ quan quản lý luôn đặt vị thế của mình là doanh nghiệp để có thể tháo gỡ những vướng mắc trên nền tảng của một nền hành chính phục vụ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả..., tiến tới hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng có chiều sâu hơn.
Việc xây dựng và công bố thường niên bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện và thành phố (DDCI) từ năm 2018 cho phép Quảng Nam giám sát hiệu quả và nâng cao trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo sở ngành, huyện thị đối với công cuộc cải cách đang được xem là một trong những “sáng kiến” mới nhất để đưa kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Nam ngày càng thực chất và hiệu quả.
TRỊNH DŨNG