Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy: Nỗ lực của ngành giao thông

CÔNG TÚ 02/04/2018 08:55

Ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh luôn nỗ lực rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và bước đầu đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Công ty CP Đăng kiểm Quảng Nam được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam.
Công ty CP Đăng kiểm Quảng Nam được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam.

Nỗ lực sắp xếp

Nhằm ổn định tổ chức, hoạt động bộ phận một cửa, ngay từ đầu năm 2017, Sở GTVT đã chuyển tất cả thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết lên Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh. “Chúng tôi cũng tham mưu UBND tỉnh công bố quyết định danh mục TTHC chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành. Thực hiện đăng ký cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; đăng ký 100% TTHC được tiếp nhận thông qua hệ thống bưu chính công ích. Đồng thời triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho 20 TTHC” - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho biết. Sở GTVT cũng đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho hơn 150 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công. Tham mưu kiến nghị sửa đổi TTHC theo hướng rút ngắn thời gian, điều kiện; nghiên cứu điều chỉnh quy trình giải quyết và thực hiện mở rộng hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Chưa kể vào năm 2017, lãnh đạo đơn vị cho lắp đặt máy chấm vân tay, camera giám sát để từng bước chấn chỉnh tình trạng đi trễ, về sớm tại cơ quan văn phòng.  

Một điểm đáng ghi nhận khác của ngành là nỗ lực kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động. Tái lập tỉnh vào năm 1997, Sở GTVT có 9 phòng chuyên môn. Bước vào năm 2018, số lượng vừa nêu giảm 5 và hiện còn 4 địa chỉ gồm Văn phòng, Phòng Kế hoạch - tài chính, Phòng Quản lý hạ tầng giao thông, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái. Năm 2015, ngành chức năng này sở hữu đến 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc và nay chính thức chỉ tồn tại 2 địa chỉ. Cụ thể, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và Ban Quản lý dự án đường Nam Quảng Nam - Trà My - Trà Bồng được sáp nhập thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (trực thuộc UBND tỉnh). Quá trình cổ phần hóa Ban Quản lý bến xe Quảng Nam đã bước vào giai đoạn cuối và đang cử người đại diện phần vốn Nhà nước. “Ngày 30.9.2016, Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam, trực thuộc Sở GTVT bắt đầu triển khai các bước để tiến tới cổ phần hóa. Tháng 12.2017, Công ty CP Đăng kiểm Quảng Nam tổ chức đại hội cổ đông lần đầu tiên. Hậu cổ phần hóa, doanh nghiệp sử dụng lại toàn bộ cán bộ, công nhân viên của trung tâm nên không có phát sinh chi phí lao động dôi dư” - Phó Giám đốc phụ trách Công ty CP Đăng kiểm Quảng Nam, ông Đặng Bảo Lâm cho hay.   

Tiếp tục kiện toàn

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới cần phải vận dụng cơ chế để Thanh tra Sở GTVT đúng thực chất là một đơn vị cấp 2 (đơn vị thuộc Sở GTVT), do lực lượng này có trụ sở riêng, con dấu riêng, tài khoản riêng… Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị ngành hoàn chỉnh đề án theo hướng: năm 2018 giao 59 biên chế công chức và 8 hợp đồng Nghị định 68; lộ trình đến năm 2021 giao 55 biên chế công chức (giảm 4 biên chế công chức) và 8 hợp đồng Nghị định 68 theo quy định. Lãnh đạo Sở GTVT tiếp thu ý kiến của tổ thẩm định, hoàn chỉnh đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trước mắt, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp 2 đơn vị sự nghiệp công lập còn lại là Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam và Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ. Hiện tại, quá trình cổ phần hóa Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam đang được đẩy mạnh và phấn đấu hoàn thành vào tháng 9 năm nay. Cạnh đó, ngành đang xây dựng đề án thành lập Ban Quản lý bảo trì đường bộ (thay thế Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ) đúng theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT). Về cải cách hành chính, ông Lê Văn Sinh nói: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh giải quyết TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và phấn đấu 100% các văn bản đến, văn bản đi được xử lý qua mạng. Cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện giải quyết tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh theo cơ chế 4 tại chỗ ổn định, hiệu quả”. Được biết, đơn vị này sẽ phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, cổng thông tin điện tử của ngành.

Đáng chú ý, ngành giảm 1 chức danh phó giám đốc Sở GTVT vào năm 2017; biên chế thấp hơn chỉ tiêu được giao. Làm việc với Hội đồng thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức cùng Tổ thẩm định số 3 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì mới đây, Sở GTVT đã trình bày, bảo vệ về cơ cấu tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; đề xuất biên chế, số lượng người làm việc; lộ trình tinh giảm biên chế từ nay đến năm 2021. Vấn đề được quan tâm bàn luận nhiều nhất chính là nhân lực của Thanh tra Sở GTVT. Bởi vì, lực lượng chuyên trách thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và trật tự an toàn giao thông trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành chỉ được phân bổ 21 biên chế. Với quân số như trên, hiệu quả thực thi công vụ mới đáp ứng khoảng 50% khối lượng công việc thực tế. So với Quảng Ngãi, chiều dài các tuyến đường, quản lý phương tiện trên địa bàn Quảng Nam nhiều hơn, song lực lượng thanh tra của địa phương bạn có 31 biên chế. Do đó, ngành kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ không thực hiện giảm 10% biên chế đối với Thanh tra Sở GTVT so với số nhân lực giao hiện nay nhằm đảm bảo nhân lực làm nhiệm vụ.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ