Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương: Tạo sự bứt phá trong cải cách hành chính

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 14/03/2018 14:23

Không một cơ quan, địa phương nào muốn bị đánh giá thấp thông qua kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI - 2018) nên chắc chắn sẽ nỗ lực cải cách nền hành chính mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Đó là ý kiến của ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam.

Tin liên quan

  • CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ PCI
Khảo sát trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh và huyện hoặc bộ phận một cửa các địa phương, cơ quan… là một trong những phương pháp thu thập dữ liệu khảo sát kế hoạch DDCI – 2018. Ảnh: T.D
Khảo sát trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh và huyện hoặc bộ phận một cửa các địa phương, cơ quan… là một trong những phương pháp thu thập dữ liệu khảo sát kế hoạch DDCI – 2018. Ảnh: T.D

P.V: Thưa ông, vì sao phải thực hiện kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương?

Ông Thiều Việt Dũng: Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã thực hiện khảo sát, đánh giá PCI, nhưng thực tế, vẫn còn không ít sở, ban, ngành, địa phương chưa thể nắm hết yêu cầu của cuộc khảo sát này. Công cuộc tuyên truyền cải cách hành chính vẫn chưa thể lan tỏa đến các địa phương và cơ quan công quyền. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đạt đến độ thông thoáng nhất. Những hạn chế này đã khiến các chỉ số thành phần PCI của tỉnh trong những năm qua nhưng chưa bền vững.
Kế hoạch DDCI - 2018 của UBND tỉnh đánh giá về năng lực quản trị, điều hành của chính quyền và các sở, ban, ngành địa phương liên quan đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam. Đây là một chỉ số thiết thực thông qua sự đánh giá khách quan của doanh nghiệp và phục vụ cho chính doanh nghiệp. DDCI - 2018 sẽ tạo ra sự thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố, tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam. Việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh một cách đồng bộ ở cấp sở, ban, ngành và địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền tỉnh, huyện, góp phần cải thiện thứ hạng PCI của cả Quảng Nam.

P.V: Liệu chỉ dựa vào cảm nhận của doanh nghiệp để đánh giá năng lực điều hành của cơ quan công quyền thì có thể tin cậy?

Ông Thiều Việt Dũng: UBND tỉnh đã chọn Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, một đơn vị độc lập, không liên quan gì đến điều hành của Quảng Nam để tiến hành các cuộc khảo sát, đánh giá bằng nghiệp vụ chuyên nghiệp của họ. Kết quả đánh giá sẽ được gửi về UBND tỉnh xem xét, công bố cho các sở, ngành, địa phương biết vào đầu năm 2019. Hiện giai đoạn này các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động phục vụ doanh nghiệp. Từ cắt giảm thủ tục hành chính, thành lập các tổ công tác, gặp mặt, đối thoại, thống nhất đầu mối thực hiện hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất, đầu tư, kinh doanh đang được triển khai quyết liệt và năng động hơn.

Ngay khi kế hoạch DDCI - 2018 được ban hành, cơ quan điều phối (Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư) và đơn vị tư vấn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) đã mở nhiều cuộc tọa đàm với các sở, ban, ngành, địa phương trước khi gửi phiếu mẫu đến doanh nghiệp. Kế hoạch xây dựng và triển khai bộ chỉ số DDCI được chia làm 3 giai đoạn. Từ tháng 10 - 12.2017 sẽ xây dựng bộ chỉ số, tọa đàm lấy ý kiến về bộ chỉ số và phiếu khảo sát, tập huấn và tuyên truyền. Từ tháng 1.2018 - 1.2019 khảo sát, xây dựng báo cáo kết quả và tổ chức hội thảo công bố. Giai đoạn 3 sẽ đưa bộ chỉ số DDCI vào sử dụng và khảo sát thường niên.

Bộ chỉ số DDCI bao gồm 10 chỉ số. Đó là tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động của lãnh đạo, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai, tính ứng dụng công nghệ thông tin (chính quyền điện tử) và đào tạo lao động. Nhóm nghiên cứu sẽ khảo sát trực tiếp tại các trung tâm hành chính công hoặc bộ phận một cửa của các địa phương, lấy ý kiến doanh nghiệp bằng các kênh trực tuyến, trực tiếp hay qua bưu điện, lựa chọn xác xuất bằng phương pháp phân tầng ngẫu nhiên (theo loại hình, địa bàn, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp).

Hiện công cuộc khảo sát, đánh giá trong giai đoạn tiến hành thu thập thông tin doanh nghiệp, mở các cuộc họp lấy ý kiến. Nhiều sở, ban, ngành đã góp ý kiến và cơ quan tư vấn điều chỉnh, lấy ý kiến tổng hợp trên tinh thần dễ trả lời, thuận lợi cho doanh nghiệp để đưa ra những câu hỏi xác thực, sát với thực tế doanh nghiệp và phản ánh đúng thực trạng, sát về quản trị điều hành của cơ quan công quyền. So với PCI, DDCI - 2018 có lẽ kỹ hơn, đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến chính quyền và cơ quan quản lý mạnh hơn khi có đến 1.100/6.000 doanh nghiệp Quảng Nam sẽ tham gia cuộc đánh giá này.

P.V:Kỳ vọng gì về DDCI - 2018?

Ông Thiều Việt Dũng: Thông qua DDCI - 2018, mỗi cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, công chức sẽ tự soi mình, có thể biết được những điểm mạnh, yếu để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm thay đổi, cải cách triệt để, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Sẵn sàng đón nhận những ý kiến đóng góp để cung cấp môi trường đầu tư tốt, tạo sự hài lòng về một chính quyền hành động, phục vụ. Không một cơ quan, địa phương nào muốn bị đánh giá thấp nên sẽ tích cực thay đổi. Nói một cách khác, năng lực điều hành của cơ quan công quyền được đặt dưới “quyền giám sát - cho điểm” của doanh nghiệp nên chắc chắn sẽ cải cách nền hành chính phục vụ mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Chính điều này góp phần tiến đến sự bứt phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện thứ hạng PCI.

P.V: Cảm ơn về cuộc trao đổi này!

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

TRỊNH DŨNG (thực hiện)