Đề án cơ cấu nhân sự ngành nông nghiệp: Hướng đến tinh gọn bộ máy
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua Sở NN&PTNT đã triển khai xây dựng thí điểm đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu vừa chủ trì phiên thẩm định điểm đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Sở NN&PTNT. |
Giảm đơn vị trực thuộc, biên chế
Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế luôn được Sở NN&PTNT quan tâm và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên nhằm đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. “So với thời điểm trước năm 2015, hiện nay Sở NN&PTNT đã giảm 2 chi cục chuyên ngành vì đã hợp nhất Chi cục Nuôi trồng thủy sản với Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hợp nhất Chi cục Lâm nghiệp với Chi cục Kiểm lâm. Cùng với đó, đã chuyển giao 4 ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc sở về Chi cục Kiểm lâm quản lý. Trước đây, toàn tỉnh có 18 hạt kiểm lâm cấp huyện, nay đã giảm xuống còn 8 đơn vị trên cơ sở thành lập các hạt kiểm lâm liên huyện. Đặc biệt, cách đây không lâu, Sở NN&PTNT đã tiến hành chuyển giao 30 trạm trồng trọt & bảo vệ thực vật, chăn nuôi & thú y về UBND cấp huyện quản lý và thành lập trung tâm kỹ thuật nông nghiệp với tổng cộng 127 biên chế viên chức được chuyển về địa phương.
Hiện Sở NN&PTNT đang lập đề án giải thể Trung tâm Nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn và việc giải thể sẽ hoàn tất trong năm 2018 này. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng thực hiện lộ trình cổ phần hóa Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp và Trung tâm Giống thủy sản, phấn đấu hoàn thành vào năm 2019, đồng thời đang xây dựng đề án nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh lên thành Vườn Quốc gia, chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Ông Đức chia sẻ thêm: “Về chức danh lãnh đạo, từ năm 2015 đến nay Sở NN&PTNT đã giảm 3 chức danh phó giám đốc sở, 2 chi cục trưởng, 2 phó chi cục trưởng và một số trưởng, phó phòng trực thuộc, đảm bảo số lượng lãnh đạo thấp hơn hoặc bằng so với quy định. Trong khi đó, về biên chế, luôn thực hiện thấp hơn biên chế được giao”.
Cơ cấu bộ máy ngành nông nghiệp, nhân sự cần tập trung vào bộ phận chuyên môn nghiệp vụ và giảm bớt bộ phận lãnh đạo, điều hành.Ảnh: VĂN SỰ |
Thông tin về nội dung đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức do Sở NN&PTNT đang xây dựng thí điểm, ông Đức cho biết, trước mắt đề nghị giữ nguyên trạng tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan văn phòng sở và 7 chi cục trực thuộc đã được UBND tỉnh quyết định. Về vị trí việc làm, theo định khung ban đầu của đề án là 55 vị trí. Trong đó, nhóm lãnh đạo, quản lý, điều hành 16 vị trí; nhóm chuyên môn, nghiệp vụ 29 vị trí; nhóm phục vụ, hỗ trợ 10 vị trí. Theo ông Đức, căn cứ Quyết định số 2066/QĐ-BNV (ngày 31.12.2015) của Bộ Nội vụ thì danh mục vị trí việc làm của sở được phê duyệt là 58 vị trí. Trong khi đó, số vị trí việc làm định khung của đề án là 55 vị trí, như vậy là giảm 3 vị trí (thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ). Theo Quyết định số 156/QĐ-UBND (ngày 13.1.2017) của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT được giao tổng cộng 511 biên chế công chức và căn cứ theo định suất quy định tại Quyết định số 26/QĐ-UBND (ngày 8.12.2016) của UBND tỉnh thì đơn vị này có thêm 69 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Ông Đức nói: “Đối chiếu với biên chế được giao và định suất lao động hợp đồng vừa nêu, Sở NN&PTNT xây dựng đề án vị trí việc làm theo hướng từ nay đến năm 2021 giảm 55 biên chế và 7 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ, tương ứng giảm 10,8% so với số biên chế và 21,7% so với số lao động hợp đồng được UBND tỉnh giao. Lộ trình tinh giảm cụ thể là năm 2018 giảm 31 biên chế và 6 lao động hợp đồng, năm 2019 giảm thêm 8 biên chế, năm 2020 tiếp tục giảm 8 biên chế và năm 2021 giảm thêm 8 biên chế, 1 lao động hợp đồng”.
Tiếp tục giảm lãnh đạo, quản lý
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Sở NN&PTNT cần nhanh chóng triển khai thực hiện quyết liệt việc viết nhật ký công vụ hằng tuần trong toàn ngành, từ vị trí lãnh đạo đến chuyên viên, nhân viên. Qua đó, lãnh đạo sở và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc sẽ đánh giá cụ thể, sát đúng hiệu quả công việc của từng người. Vị trí nào ít hoặc không có việc làm thì kiên quyết cắt giảm. Còn vị trí nào quá nhiều việc, chịu áp lực cao thì nhất thiết phải tăng thêm nhân sự… |
Mới đây, tại phiên thẩm định điểm đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Sở NN&PTNT, ông Trần Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, bố cục của đề án đảm bảo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BNV (ngày 25.6.2013) của Bộ Nội vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở NN&PTNT được xác định rõ ràng, đảm bảo theo Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND (ngày 3.12.2015) và Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND (ngày 29.8.2016) của UBND tỉnh. Theo ông Hòa, Sở NN&PTNT đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong theo hướng tinh gọn và quy định chức năng, nhiệm vụ những phòng chuyên môn, tổng hợp cũng như các chi cục trực thuộc sở một cách hiệu quả, làm cơ sở triển khai nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, danh mục vị trí việc làm do Sở NN&PTNT xây dựng được phân nhóm rõ ràng, cơ bản được xác định theo Quyết định số 2066/QĐ-BNV (ngày 31.12.2015) của Bộ Nội vụ về phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Hòa, để đẩy mạnh tinh gọn bộ máy và hợp nhất một số cơ quan, tổ chức có chức năng tương đồng theo chủ trương của Trung ương và của Tỉnh ủy, Sở NN&PTNT cần bổ sung trong đề án nội dung triển khai kiện toàn, hợp nhất các phòng chuyên môn, tổng hợp, các chi cục trực thuộc sở như hợp nhất Phòng Tổ chức cán bộ vào Văn phòng sở, kiện toàn Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật và Chi cục Chăn nuôi & thú y theo lộ trình phù hợp. Ông Hòa cũng đề nghị Sở NN&PTNT giữ nguyên số lượng, tên gọi vị trí việc làm theo danh mục được Bộ Nội vụ phê duyệt. Đồng thời báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung một số vị trí việc làm chưa nằm trong danh mục được Bộ Nội vụ phê duyệt như các vị trí trạm trưởng trạm kiểm lâm, quản lý về xây dựng công trình, quản lý về phát triển nông thôn và chương trình mỗi xã một sản phẩm, quản lý và theo dõi hoạt động lâm nghiệp, quản lý công tác giống cây lâm nghiệp, quản lý thủy nông. Ông Hòa nói thêm: “Năm 2018, biên chế công chức giao cho Sở NN&PTNT là 446 biên chế, giảm 65 biên chế - tương đương giảm 12,7% so với số biên chế công chức được UBND tỉnh giao năm 2015. Đến năm 2021, biên chế công chức giao cho Sở NN&PTNT là 441 biên chế - tương ứng với số nhân sự hiện có của sở, giảm 70 biên chế so với số biên chế công chức được UBND tỉnh giao năm 2015. Số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68 đến năm 2021 của Sở NN&PTNT là 60 người, giảm 9 lao động - tương ứng giảm 13% theo định suất hợp đồng lao động được UBND tỉnh quyết định”.
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, theo đề án vị trí việc làm của Sở NN&PTNT, nhiều vị trí có số lượng quá nhiều như lái xe 28 người, kế toán 24 người, bảo vệ 18 người, phục vụ 16 người, văn thư 7 người… Do đó, Sở NN&PTNT cần nghiên cứu điều chỉnh giảm số lượng người ở các vị trí nêu trên theo phương thức một người kiêm nhiệm nhiều việc. Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, nhóm lãnh đạo, quản lý, điều hành có tổng số biên chế và hợp đồng lao động 137 người là khá cao. Vì vậy, Sở NN&PTNT cần phải tính toán lại cơ cấu bộ máy và nhân sự trong dự thảo đề án theo hướng tập trung vào bộ phận chuyên môn nghiệp vụ và giảm bớt bộ phận lãnh đạo, điều hành, quản lý…
NGUYỄN SỰ