Ghi ở trung tâm hành chính công

PHẠM VĂN HÀO 10/02/2018 10:54

Phương châm “lấy sự hài lòng của công dân làm thước đo hoạt động” đã được cụ thể hóa rõ nét trong cách thức giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam qua hơn một năm vận hành.

Công dân giao dịch giải quyết hồ sơ thủ tục tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam. Ảnh: VĂN HÀO
Công dân giao dịch giải quyết hồ sơ thủ tục tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam. Ảnh: VĂN HÀO

Môi trường giao dịch chuyên nghiệp

Những ngày đầu năm 2018, tần suất công dân đến giao dịch giải quyết thủ tục hồ sơ ở các quầy của Sở Kế hoạch - đầu tư, Giao thông vận tải, Công an tỉnh… tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam càng đông đúc hơn thường lệ. Tất cả diễn ra trong nền nếp. Từ cách bố trí nhân viên chỉ dẫn tại tiền sảnh, đến thái độ giao tiếp của đội ngũ cán bộ biệt phái đã tạo sự yên tâm, thoải mái cho cá nhân, tổ chức. Cảm nhận rõ sự phục vụ, bà Nguyễn Thị Kim Mến (Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, thị xã Điện Bàn) nói: “Không phải lần đầu tôi đến trung tâm làm hồ sơ tại bộ phận kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư. Như mọi lần, đây là một môi trường giao dịch chuyên nghiệp, không hề có chuyện “cò kè chi phí bôi trơn”. Quy trình giải quyết hồ sơ minh bạch, luôn có bộ phận giám sát”.

Khuyến khích mô hình cấp huyện

Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam hoạt động từ ngày 9.1.2017. Tính đến cuối năm 2017, với 1.310 danh mục thủ tục hành chính được đưa vào giải quyết, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 51.332 hồ sơ, trả kết quả 47.327 hồ sơ (tỷ lệ trả kết quả trước và đúng hạn đạt 97,6%); tổng thời gian cắt giảm giải quyết hồ sơ 6.553 ngày.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, mô hình trung tâm hành chính công cấp huyện tại TP.Tam Kỳ, TP.Hội An và thị xã Điện Bàn cũng đã đi vào hoạt động theo đúng lộ trình. Điều đáng phấn khởi, một số huyện dù không nằm trong kế hoạch nhưng vẫn đăng ký xây dựng trung tâm hành chính công như Duy Xuyên, Núi Thành. Tỉnh cũng đã thống nhất, kể từ năm 2018, các huyện nếu thấy có khả năng, điều kiện thì tỉnh khuyến khích việc thành lập trung tâm hành chính công.

Là cán bộ biệt phái của Sở Giao thông vận tải, ông Phùng Ngọc Tú - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái chia sẻ, về vấn đề minh bạch trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục còn thể hiện ở chỗ đội ngũ cán bộ giải quyết hồ sơ không trực tiếp thu phí. Công đoạn này do một bộ phận khác của trung tâm đảm trách. Nhấn mạnh ưu điểm này so với mô hình “một cửa” trước đây, ông Tú cho rằng hiệu quả tăng tiện ích, giảm phiền hà tại trung tâm còn đến từ việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. “Sở Giao thông vận tải thường có số lượng công dân đến giao dịch đông so với các đơn vị khác, trung bình tiếp nhận khoảng 40 hồ sơ mỗi ngày. Phần lớn hồ sơ được trả trước và đúng hạn” - ông Tú nói. Đảm nhận nhiệm vụ giám sát hoạt động của cán bộ tại trung tâm, bà Phạm Thị Lan Trinh (cán bộ Sở Nội vụ) cho biết, đội ngũ cán bộ biệt phái đều chấp hành nghiêm nội quy, nâng cao ý thức công bộc nên dần dần chiếm được độ tin cậy của người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch.

Hướng đến “4 tại chỗ”

Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam khẳng định, mô hình trung tâm hành chính công đã thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh. Đồng thời tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân. “Qua tham khảo trực tiếp ý kiến công dân đến giải quyết hồ sơ, phần lớn người đến giao dịch bày tỏ hài lòng với mô hình này. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ngày càng chuyển biến tích cực, đó là đẩy mạnh “3 giảm”: thủ tục, thời gian, chi phí” - ông Hùng chia sẻ.

Giám sát hoạt động giao dịch qua hệ thống camera tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam. Ảnh: VĂN HÀO
Giám sát hoạt động giao dịch qua hệ thống camera tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam. Ảnh: VĂN HÀO

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, từ khi tìm hiểu mô hình đến lúc thành lập trung tâm diễn ra rất ngắn, chỉ hơn 3 tháng. Sau một thời gian hoạt động, cán bộ biệt phái đã yên tâm công tác; thủ trưởng các đơn vị nắm bắt rõ tình hình làm việc của cán bộ mình để có những đánh giá, ủy quyền công việc. “Thành công của mô hình nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cũng như việc lãnh đạo sâu sát của UBND tỉnh để tạo nên sự đồng lòng. Nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ tốt hơn trong thời gian tới, UBND tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Nguyên tắc “4 tại chỗ” tức là cán bộ biệt phái phải trực tiếp tham gia các bước của quy trình, không làm nhiệm vụ như một văn thư. Thực hiện mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường việc phân cấp, ủy quyền. Cụ thể là các sở ngành, địa phương chủ động đề xuất các thủ tục hành chính có thể giải quyết tại chỗ, không qua bước trình lên cấp trên ký duyệt. UBND tỉnh cũng sẽ làm việc với từng ngành, địa phương để chỉ định các thủ tục thuộc quyền cấp dưới; sau đó các đơn vị nghiên cứu có thể tiếp tục phân cấp giải quyết. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến tháng 6.2018 phấn đấu có khoảng 50% thủ tục và đến cuối năm 2018 là 70% thủ tục trong bộ danh mục thủ tục hành chính niêm yết công khai tại trung tâm được giải quyết “4 tại chỗ”.

PHẠM VĂN HÀO

PHẠM VĂN HÀO