Sáp nhập một số đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động

NGUYỄN SỰ (thực hiện) 02/02/2018 08:50

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện việc sáp nhập một số đơn vị trực thuộc nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Phóng viên Báo Quảng Nam vừa có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh vấn đề này.

Sau khi sáp nhập, khâu điều hành và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ sản xuất của ngành thủy sản sẽ có tính thống nhất cao.(ảnh minh họa).Ảnh: VĂN SỰ
Sau khi sáp nhập, khâu điều hành và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ sản xuất của ngành thủy sản sẽ có tính thống nhất cao.(ảnh minh họa).Ảnh: VĂN SỰ
Ông Huỳnh Tấn Đức.
Ông Huỳnh Tấn Đức.

PV:Thưa ông, thời gian qua việc tinh gọn bộ máy trong nội bộ ngành nông nghiệp tỉnh được triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Huỳnh Tấn Đức: Thực hiện Thông tư số 14 của liên Bộ Nội vụ - NN&PTNT và Thông tư số 15 của Bộ NN&PTNT, thời gian qua chúng tôi đã tiến hành tinh gọn bộ máy trong nội bộ ngành, từ 9 đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT đã sắp xếp lại còn 7 đơn vị. Cụ thể, năm 2017, đã sáp nhập Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp thành một đơn vị với tên gọi là Chi cục Kiểm lâm. Ngoài ra, đối với Hạt Kiểm lâm cấp huyện, cách đây hơn 1 năm chúng tôi cũng đã tiến hành sáp nhập, tinh gọn bộ máy hoạt động. Theo đó, hợp nhất các Hạt Kiểm lâm Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Tam Kỳ thành Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam; hợp nhất các Hạt Kiểm lâm Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình thành Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam; hợp nhất các Hạt Kiểm lâm Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An thành Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam; hợp nhất 2 Hạt Kiểm lâm Hiệp Đức, Phước Sơn thành Hạt Kiểm lâm liên huyện Phước Sơn – Hiệp Đức; hợp nhất 2 Hạt Kiểm lâm Đông Giang, Tây Giang thành Hạt Kiểm lâm liên huyện Đông Giang - Tây Giang. Hiện nay, chỉ còn Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My là có Hạt Kiểm lâm đơn huyện nhưng riêng Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My thì kiêm luôn chức Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Trà My thì kiêm chức Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Ngoài việc tiến hành sáp nhập, tinh gọn bộ máy, đối với ngành kiểm lâm, chúng tôi đã và sẽ thường xuyên thay đổi đội ngũ cán bộ phụ trách địa bàn vì lĩnh vực này được xem là rất nhạy cảm.

Cần giải quyết tốt bài toán về biên chế và kinh phí
Chúng ta sáp nhập lại để thực hiện việc tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy nhằm có thêm nguồn kinh phí phục vụ cho việc đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, thực tiễn Quảng Nam đang có việc hơi trái ngược vì cơ chế trả lương theo đầu người. Nếu trước đây, chúng ta có 2 đơn vị gồm 100 người, giờ sáp nhập lại thành một đơn vị thì chỉ còn 80 người. Như vậy thì hưởng lương theo 80 người. Cái này, tôi thấy bất cập, bởi vì nếu tiết kiệm được khoản kinh phí trả lương cho 20 người đó thì chúng ta có thể sử dụng nguồn ngân sách này để đầu tư cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp. Vì vậy, trong thời gian đến tỉnh cần phải giải quyết tốt bài toán này để các đơn vị có động lực thực hiện hoàn thành công việc được giao, góp phần thúc đẩy nông nghiệp – nông thôn phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao đời sống cho bà con nông dân...
(Ông Huỳnh Tân Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT)

Còn đối với Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Chi cục Nuôi trồng thủy sản, chúng tôi cũng đã tiến hành sáp nhập lại thành Chi cục Thủy sản, trực thuộc Sở NN&PTNT. Có thể nói, thời gian qua việc tinh gọn bộ máy trong lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản đã được các cơ quan liên quan tập trung làm một cách quyết liệt, đảm bảo đúng quy trình. Riêng mảng nông nghiệp thì hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng trong tương lai cũng sẽ sắp xếp lại tương tự như 2 mảng nêu trên theo tinh thần của các Nghị quyết số 18 và 19 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

PV: Sau một năm thực hiện việc sáp nhập các đơn vị vừa nêu, hiệu quả mang lại ra sao?

Ông Huỳnh Tấn Đức: Thực tế cho thấy, sau khi tiến hành sáp nhập các đơn vị của lĩnh vực thủy sản và lĩnh vực lâm nghiệp thì hiệu quả công việc mang lại cao hơn nhiều, bởi vì trước hết bộ máy điều hành giảm bớt sự cồng kềnh, đảm bảo tính thống nhất trong quá trình điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo đó, trước đây Chi cục Kiểm lâm có 1 chi cục trưởng và 2 phó, thậm chí 3 phó; còn Chi cục Lâm nghiệp có 1 chi cục trưởng và 2 phó, sau khi sáp nhập thành Chi cục Kiểm lâm thì đơn vị này có 1 chi cục trưởng và 3 phó, trong tương lai sẽ còn 2 phó. Đối với Chi cục Thủy sản cũng vậy và thời gian tới đơn vị này có thể rút gọn lại còn 1 chi cục trưởng và 1 phó chi cục trưởng.

Không chỉ bộ máy được tinh gọn, sau khi tiến hành sáp nhập, công tác quản lý tài chính của các đơn vị mới thành lập cũng có sự đồng thuận, thống nhất cao nên việc đầu tư cho ngành mang lại kết quả khả quan hơn. Tôi nêu ví dụ, trước đây chúng ta có 10 đồng chia đều cho 2 đơn vị, mỗi đơn vị được 5 đồng. Trong 10 đồng đó thì có 6 đồng chi cho con người, còn lại 4 đồng chi cho đầu tư phát triển. Bây giờ sáp nhập 2 đơn vị thành một, cũng với 10 đồng đó nhưng chi cho con người chỉ 4 - 5 đồng, còn lại tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển…

PV:Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NGUYỄN SỰ (thực hiện)

NGUYỄN SỰ (thực hiện)