Cần sự thực thi ở cơ sở
Chính quyền Quảng Nam đã đưa ra một kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, nâng chất PCI một cách cụ thể. Tuy nhiên, điều mà thương giới chờ đợi là kế hoạch này sẽ được hành động từ phía các cơ quan công quyền.
Các ngành chức năng đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc về mặt bằng để thu hút dự án vào vùng đông của tỉnh.Ảnh: T.DŨNG |
Tổng lực cải thiện
Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay việc nâng cao năng lực cạnh tranh không còn là nỗ lực riêng của chính quyền cấp tỉnh. Việc liên tục đưa ra các chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI không chỉ là lời cam kết của chính quyền với doanh nghiệp mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cạnh tranh với các tỉnh, thành cả nước.
Theo báo cáo của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, các cơ quan quản lý của Quảng Nam đã xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Cụ thể, đã tổ chức rất nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức kết nối giao thương, gắn kết thị trường, làm cầu nối để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác thị trường mới như Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, Chương trình khuyến khích khách hàng tiêu dùng hàng Việt Nam, các phiên chợ Việt về miền núi. Các chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, quy định, văn bản pháp luật mới luôn được cập nhật thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời thông qua các phương tiện truyền thông, cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương. Ngoài ra, đã tích cực giải quyết nhanh chóng, đúng thời hạn các đề nghị của doanh nghiệp về lĩnh vực hội nhập và xuất nhập khẩu, quản lý an toàn thực phẩm...
Quyết tâm thay đổi để trở thành địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp đã được các cơ quan công quyền thực thi một cách quyết liệt. Hải quan và thuế - hai cơ quan được đề cập nhiều nhất trong việc cải cách hành chính đã thể hiện rõ quan điểm thay đổi, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ông Lê Thành Khang - Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam khẳng định 100% số thu ngân sách nhà nước tại đơn vị được thực hiện bằng phương thức điện tử, đảm bảo thời gian yêu cầu. Thông tin nộp thuế của doanh nghiệp được chuyển đến cơ quan hải quan luôn đảm bảo trong vòng 1 phút và thực sự góp phần tạo thuận lợi thông quan hàng hóa nhanh chóng…
Chờ sự đánh giá của doanh nghiệp, người dân
Nỗ lực tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được xem như một bản cam kết của chính quyền trước cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Song nhiều doanh nghiệp băn khoăn về sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý, địa phương để thực thi kế hoạch hiệu quả. Một chủ trương đúng sẽ rất cần đến những con người thừa hành có đủ năng lực. Thực tế, việc ban hành một nghị quyết, văn bản thì rất dễ nhưng để chuyển nghị quyết, văn bản đó thành hành động và sau đó cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được rõ ràng thì vẫn là bước đi gian nan. Những chỉ thị, chính sách của chính quyền cho đến nay vẫn rất đúng đắn khi đưa ra kế hoạch hành động về cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí. Những điều ấy dù rất quan trọng nhưng lại không mang tính quyết định, nên rất cần các biện pháp thực thi hiệu quả. Kết quả khảo sát PCI năm 2016 vẫn cho thấy có đến 73% doanh nghiệp cho hay các chính sách, sáng kiến của UBND tỉnh chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành và 55% doanh nghiệp xác nhận những chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh đã không được thực hiện tốt ở cấp huyện. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An cho rằng kế hoạch hành động của chính quyền Quảng Nam phần nào đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp, nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở cấp tỉnh. Sức lan tỏa đến các sở, ngành, địa phương và từng nhân viên hành chính vẫn chưa thật sự chuyển biến.
Không chỉ doanh nghiệp, ngay cả giới chức chính quyền địa phương cũng than phiền về cải thiện môi trường đầu tư. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói mặc dù đã cố gắng nhưng nỗ lực cải cách vẫn chưa thực sự nổi bật bởi việc giải quyết một số vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng và đất đai còn gặp nhiều vướng mắc. Còn ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng địa phương đã gặp khá nhiều rắc rối, khó khăn khi tiến hành một dự án từ doanh nghiệp đầu tư tại vùng đông để giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách địa phương bởi những thủ tục hành chính rườm rà từ các cơ quan công quyền. Chính sự ì ạch này đã khiến địa phương chưa thể nhanh chóng thu hút nhà đầu tư như ý muốn.
Kế hoạch hành động đã ban hành. Mục tiêu của Quảng Nam năm 2017 phải đứng trong nhóm có chỉ số tốt (đạt từ 60 điểm trở lên), phấn đấu từ năm 2018 trở về sau, Quảng Nam luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất nước liệu có thực hiện được hay không vẫn phải chờ câu trả lời từ sự đánh giá của doanh nghiệp, người dân...
TRỊNH DŨNG