Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Gọn từ bộ máy đến đội ngũ cán bộ
(QNO) - Tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế là điều không dễ làm, được bàn luận sôi nổi tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh với Sở Nội vụ trong khuôn khổ thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 trên địa bàn tỉnh, diễn ra sáng nay 28.3.
Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường và Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình chủ trì buổi làm việc.
Đẩy mạnh sắp xếp bộ máy
Theo Sở Nội vụ, đến tháng 12.2016 Quảng Nam có 23 tổ chức hành chính cấp tỉnh, giảm 2 cơ quan và 6 phòng chuyên môn so với thời điểm 2011 (hiện có 141 phòng chuyên môn). Ở các đơn vị sự nghiệp công lập, nếu 2011 có 1.068 đơn vị thì đến 2016 giảm còn 1.049 đơn vị. Đại biểu có mặt tại buổi làm việc cũng tham gia bàn bạc để sắp xếp các tổ chức hành chính cấp tỉnh tiếp tục giảm xuống còn con số 21 trong thời gian đến.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: V.H |
Tuy vậy bộ máy một số đơn vị còn bộc lộ bất cập. Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Sáng dẫn chứng việc phân định chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công tại một số sở còn nhập nhằng. Một số đơn vị không tập trung quản lý nhà nước mà đi sâu làm dịch vụ công.
Góp ý việc sáp nhập một số sở Cuộc làm việc cũng lấy ý kiến góp ý dự thảo của Trung ương về việc gộp các sở tài chính và kế hoạch đầu tư thành một, các sở xây dựng và giao thông vận tải thành một. Chủ trương này nhận được 2 luồng ý kiến, không chỉ ở Quảng Nam mà trên cả nước. Luồng ý kiến ủng hộ cho rằng việc sáp nhập phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính; luồng ý kiến còn lại cho rằng sẽ dẫn tới quá tải chức năng nhiệm vụ, đụng chạm đến yếu tố con người. Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Sáng cho biết thông tin từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ rằng, qua khảo sát tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thì các địa phương này ủng hộ chủ trương sáp nhập các sở trên. Tuy nhiên việc sáp nhập ở cấp bộ thì vẫn còn bỏ ngỏ. |
Ngoài ra mô hình tổ chức một số cơ quan, đơn vị không phù hợp với thực tiễn, chưa gắn liền với tính chất đặc thù của từng địa phương, gây khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Chẳng hạn phòng y tế thuộc UBND cấp huyện, trung tâm y tế huyện lại trực thuộc Sở Y tế, trạm y tế xã trực thuộc trung tâm y tế huyện...
Các đại biểu cũng đã có những thảo luận về việc sắp xếp một số phòng ban cấp huyện về một mối. Cụ thể như phòng văn hóa - thông tin và đài truyền thanh - truyền hình có thể gộp thành một. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường bày tỏ quan điểm nên sáp nhập và dẫn chứng mô hình này đã làm hiệu quả tại tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Phan Việt Cường đánh giá việc tổ chức, sắp xếp bộ máy trên toàn tỉnh nhìn chung đều đi trước một bước so với các chủ trương từ Trung ương. Đồng thời đánh giá cao vai trò tham mưu của Sở Nội vụ để Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những chỉ đạo kịp thời trong việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy.
Còn khó trong tinh giản biên chế
Triển khai công tác tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, qua 4 đợt từ 2015 đến nay toàn tỉnh đã giải quyết 857 trường hợp được tinh giản biên chế (chiếm tỷ lệ 28% so với số lượng đăng ký và 2,1% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh).
Ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết việc triển khai tinh giản biên chế không gặp khó ở chính sách trợ cấp mà khó ở các tiêu chí do Trung ương đưa ra. Nhiều người dù muốn nghỉ nhưng vướng các tiêu chí nên không được giải quyết. Ông Lại kiến nghị để việc tinh giản biên chế đạt hiệu quả, đúng lộ trình đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế toàn tỉnh thì việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức tại các đơn vị phải đi vào thực chất.
Việc đánh giá cán bộ còn nhiều lỗ hổng, đó là nhận định của nhiều đại biểu. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường dẫn chứng ở lĩnh vực GD-ĐT có đơn vị trường báo cáo lên cấp trên hằng năm 100% cán bộ, viên chức hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng khi làm hồ sơ xin nghỉ theo Nghị định 108 thì xuất hiện một số trường hợp kê khai không hoàn thành nhiệm vụ (theo nghị định này, muốn được nghỉ thì phải có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ).
Cạnh đó việc xây dựng đề án vị trí việc làm có ý nghĩa quan trọng, gắn với từng chức danh, nghề nghiệp, là cơ sở để tinh giản biên chế. Tuy nhiên còn quá nhiều rắc rối khi triển khai xây dựng các đề án này. Ông Trương Thạnh - Trưởng phòng Tổ chức biên chế Sở Nội vụ nói tháng 2.2014, sở đã tổng hợp các đề án vị trí việc làm từ các sở ngành, đơn vị cấp huyện để trình UBND tỉnh và UBND tỉnh đã có 1 đề án vị trí việc làm ở cơ quan hành chính và 1 đề án vị trí việc làm ở đơn vị sự nghiệp gửi Bộ Nội vụ. Tuy nhiên sau đó Bộ Nội vụ mới chỉ phê duyệt danh mục của đề án vị trí việc làm cơ quan hành chính, gửi về tỉnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng lại đề án. Dự kiến tháng 4.2017 các đơn vị sẽ hoàn thành lại đề án này.
Ông Thạnh cho biết sắp tới có một số nghị định sẽ thay đổi kéo theo tổ chức bộ máy sẽ thay đổi, công việc thay đổi, gây khó khăn trong việc xây dựng và thẩm định đề án vị trí việc làm. Ngoài ra ở bản mô tả công việc, khung năng lực cụ thể, cần làm rõ một đơn vị yêu cầu có bao nhiêu chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, nhân viên... Ông Thạnh cũng kiến nghị những vấn đề này đến Trung ương thông qua Đoàn ĐBQH tỉnh để có sự điều chỉnh, tháo gỡ.
V.HÀO