Tam Kỳ hướng đến thành lập Trung tâm hành chính công: Xây dựng lộ trình phù hợp
Tam Kỳ đang tập trung mọi điều kiện cần thiết để phấn đấu đưa Trung tâm Hành chính công của thành phố đi vào hoạt động trong quý II năm 2017. Trong đó, thành phố chú trọng xây dựng lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn.
Đoàn cán bộ TP.Tam Kỳ tham quan, học tập mô hình Trung tâm Hành chính công của TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: HOÀNG BIN |
Lựa chọn nhân lực
Tam Kỳ vừa tổ chức cuộc họp lần thứ 3 góp ý cho đề án thành lập Trung tâm Hành chính công thành phố. Theo đó, về cơ bản, cơ cấu của trung tâm được tổ chức tinh gọn, gồm 1 giám đốc và không quá 2 phó giám đốc, cùng viên chức làm công tác chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, hành chính phục vụ. Bộ phận nghiệp vụ gồm 3 phòng: Hành chính - tổng hợp, Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, Giám sát và giải quyết khiếu nại. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc UBND TP.Tam Kỳ. Dự kiến tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trung tâm khoảng 28 - 35 người, trong đó cán bộ chuyên trách từ 8 - 10 người. Ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói: “Trung tâm Hành chính công là bộ mặt của Tam Kỳ, thể hiện sự cụ thể hóa quyết tâm cải cách hành chính mạnh mẽ của thành phố đô thị loại 2. Do đó, đây không phải là nơi để các cơ quan thuyên chuyển người mình không thích, hoặc người không đáp ứng được năng lực, mà thực sự phải là những người làm được việc. Cán bộ ở trung tâm phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, có đủ năng lực, sức khỏe và kinh nghiệm công tác, có phẩm chất, đạo đức tốt và tác phong, thái độ chuẩn mực, giao tiếp tốt với cá nhân, tổ chức”. Còn theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, thành phố cần chú trọng đầu tư đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất cho trung tâm, đặc biệt là đối với Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Cạnh đó, cần đề ra quy chế chặt chẽ, ngoài bộ phận giám sát công vụ, lãnh đạo thành phố sẽ giám sát từng lĩnh vực thông qua phần mềm theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ. Bộ thủ tục ở lĩnh vực nào bị chậm trễ thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm và lấy đó làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Cũng theo lãnh đạo TP.Tam Kỳ, Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động là đầu mối thúc đẩy việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên tinh thần “3 giảm” (giảm hồ sơ thủ tục, thời gian, chi phí). Do đó, từng cán bộ được chọn vào trung tâm phải là những người có chuyên môn sâu ở từng lĩnh vực phụ trách, có khả năng phân loại, xử lý hồ sơ ngay từ khi tiếp nhận. Hạn chế tình trạng công dân phải đi lại bổ sung hồ sơ nhiều lần... Có thể thấy, yêu cầu, áp lực đặt ra cho đội ngũ cán bộ tại trung tâm là rất lớn. Do vậy, tùy theo thực tế vận hành trung tâm, thành phố sẽ có hướng đề xuất HĐND tỉnh thông qua cơ chế hỗ trợ xứng đáng để tạo động lực cho cán bộ làm việc tại đây.
Lộ trình phù hợp
Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư xây dựng Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ khoảng 7 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố, bao gồm: kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc; kinh phí đầu tư trang thiết bị làm việc, trang thiết bị điện tử, phần mềm và đào tạo chuyển giao công nghệ. Theo đó, trung tâm được thành lập mới dựa trên cơ sở nâng cấp Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố, đóng tại địa chỉ số 159, đường Trưng Nữ Vương, phường An Mỹ. Trung tâm được trang bị những phương tiện, thiết bị hiện đại như: phần mềm kết nối mạng nội bộ, phần mềm hỗ trợ quy trình tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính; hệ thống xếp hàng tự động; hệ thống mã vạch, camera; máy vi tính, máy điều hòa nhiệt độ, quạt, máy quét; màn hình led; các bảng điện tử để niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính...
Hiện Tam Kỳ tích cực rà soát, đánh giá kỹ từng bộ thủ tục trước khi đưa vào trung tâm. Nếu trong thời gian đánh giá, những lĩnh vực nào đang vận hành, giải quyết hiệu quả thì không cần thiết đưa vào trung tâm. Tránh tình trạng làm theo hình thức, giảm hiệu quả. Thực tế, có một số lĩnh vực số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết rất ít. Nếu đưa xuống trung tâm một cách máy móc thì vừa tốn nhân lực, tốn kinh phí mà lại không hiệu quả. Như trên lĩnh vực y tế, ông Ngô Đà - Trưởng phòng Y tế thành phố phân tích: “Nếu đưa một cán bộ xuống Trung tâm Hành chính công thì một tháng chỉ giải quyết khoảng 5 hồ sơ, 20 giấy xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, như vậy quá lãng phí, không phù hợp với chủ trương cải cách”.
Do đó, bước đầu vận hành trung tâm, thành phố sẽ thực hiện thí điểm một số lĩnh vực có những đầu việc đang giải quyết tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố như: đất đai, đăng ký kinh doanh, tư pháp, hộ tịch, LĐ-TB&XH, công an…
Hiện nay, các phòng, ban, đơn vị của thành phố và 13 xã, phường tiếp tục góp ý lần cuối để hoàn thiện đề án thành lập trung tâm, trước khi trình tỉnh thông qua vào cuối tháng 3.2017. Từ đây đến khi trung tâm chính thức đi vào vận hành sẽ còn rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng với quyết tâm cải cách hành chính mạnh mẽ và một lộ trình phù hợp, Tam Kỳ phấn đấu đưa trung tâm đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch.
HOÀNG BIN