Quảng Nam đứng thứ 10 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016
(QNO) - Sáng 14.3, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố bảng xếp hạng được các địa phương chờ đón nhất trong năm - bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016.
Theo kết quả phản hồi từ 10.037 doanh nghiệp (trong đó bao gồm 2.042 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 và 2016), Đà Nẵng giữ ngôi vị số 1 của Bảng xếp hạng PCI năm 2016. Đây là lần thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 thành phố ven biển này ở vị trí quán quân trong 12 lần công bố PCI.
Với 70 điểm đạt được tại PCI 2016, đây cũng là địa phương đầu tiên trở lại mức điểm 70 kể từ năm 2010 đến nay. Năm ngoái, đứng ở vị trí số 1 nhưng Đà Nẵng chỉ đạt 68,34 điểm.
Bảng xếp hạng PCI năm 2016. Ảnh: chinhphu.vn |
Sau 3 năm thăng tiến đều đặn trên bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 5 (2014) tới vị trí thứ 3 (2015), Quảng Ninh đã vươn lên ngôi vị á quân tại Bảng xếp hạng PCI năm nay.
Nhường vị trí thứ 2 cho Quảng Ninh, Đồng Tháp vẫn tiếp tục nằm trong top 3 ngôi vị cao nhất của PCI 2016. Trong 5 lần xếp hạng gần nhất, tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long này đã 1 lần xếp hạng cao nhất và 2 lần liên tiếp giữ ngôi vị á quân.
Một điểm đáng chú ý trong Bảng xếp hạng năm nay là cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã có sự cải thiện đáng kể về mặt điểm số. Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, lần lượt ở vị trí 14 và 21 trên bảng xếp hạng.
Trong top 10 còn có Bình Dương, Lào Cai, Vĩnh Long, Thái Nguyên, TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam. Năm nay, điểm số PCI của Cần Thơ đạt 61,14 điểm, xếp thứ 11/63. Còn 3 địa phương xếp nhóm cuối về chỉ số PCI năm 2016 là Đắk Nông, Lai Châu, Cao Bằng.
Chỉ số PCI năm 2016 của Quảng Nam đứng vị trí thứ 10, đạt 61,17 điểm, tụt 2 bậc so với 2015 (đứng thứ 8 với 61,06 điểm).
Khảo sát PCI trong suốt giai đoạn 2006-2016 ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực: gia nhập thị trường, tiếp theo là các lĩnh vực đào tạo lao động, tính năng động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Kết quả điều tra PCI 2016 tiếp tục cho thấy những dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Năm 2016, gần một nửa (48%) doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tương đương mức năm 2015 (49%). Đáng mừng là khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và nhóm cuối đã thu hẹp đáng kể, hiện chỉ còn 17 điểm, thấp hơn mức 19 điểm năm 2015.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, PCI đã trở thành cảm hứng và áp lực tuyệt vời cho việc cải cách tại các địa phương và cơ sở. Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có nhiều cải thiện tích cực. Đằng sau những tín hiệu tích cực đó chính là chủ trương của Chính phủ mới trong việc xây dựng quốc gia khởi nghiệp và Chính phủ kiến tạo.
“Chúng ta đang thấy có một sung lực cải cách mạnh mẽ và đồng bộ tại Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta còn nhận thấy những động thái cải cách tích cực có từ cấp cơ sở, tạo nên một bước đi mới cho cải cách” - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định, bản báo cáo năm nay cho thấy tinh thần lạc quan đang tăng lên trong cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đó là những cải thiện vững chắc trong việc thực hiện các cải cách nói chung.
Nhiều địa phương trước đây không được xếp hạng cao thì nay đã cải thiện, thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương xếp hạng cao nhất và xếp hạng thấp nhất. Các doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy rằng chi phí gia nhập thị trường đã giảm đáng kể, và họ coi đó là nhờ có Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014.
“Các địa phương đang ngày càng sáng tạo trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh mạnh mẽ với việc chủ động tiếp cận giới doanh nghiệp để tìm các giải pháp sáng tạo cho những thách thức cải cách đang tồn tại” - Đại sứ Ted Osius đánh giá.
Chinhphu.vn - V.H