Thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ

Thực hiện chuyên đề: VĂN HÀO - NGUYÊN ĐOAN 12/11/2016 09:01

Ngày 14.9.2016, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ và đổi tên Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, dự kiến vận hành chính thức vào ngày 2.1.2017. Sự ra đời của Trung tâm là đột phá lớn nhằm hiện thực hóa nền hành chính theo mục tiêu phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư bố trí cán bộ tập trung, giải quyết TTHC theo quy trình sẽ thực hiện tại Trung tâm. Ảnh: V.HÀO
Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư bố trí cán bộ tập trung, giải quyết TTHC theo quy trình sẽ thực hiện tại Trung tâm. Ảnh: V.HÀO

CHẠY NƯỚC RÚT

Có thể dự lường được những khó khăn bước đầu khi Trung tâm đi vào hoạt động, vậy nên công tác chuẩn bị đã và đang được các cấp ngành vào cuộc đồng bộ, khẩn trương.

Khẩn trương chuẩn bị

Tính đến ngày 7.11, có 19 sở, ngành, đơn vị đã đăng ký đưa 685 thủ tục hành chính (TTHC) vào giải quyết, thực hiện khi Trung tâm đi vào vận hành. Đối với các cơ quan ngành dọc: Công an tỉnh đăng ký 37 TTHC, Cục Thuế tỉnh đăng ký 18 TTHC, Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa đăng ký. Có 17 sở ngành đã hoàn chỉnh quy trình giải quyết 652 TTHC, gửi Sở Nội vụ và Sở Thông tin - truyền thông để xây dựng phần mềm. Quy trình các TTHC còn lại, các đơn vị đang gấp rút hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh xem xét ban hành. Danh sách cán bộ được biệt phái về làm việc tại Trung tâm có 32 người thuộc các sở, ngành và 15 cán bộ Công an tỉnh.

Sở Tài nguyên - môi trường có 49/95 TTHC được giải quyết tại Trung tâm trong thời gian đến; cùng với đó, 2 cán bộ của sở này sẽ được bố trí làm việc tại Trung tâm. Ông Tào Quý Tâm - Phó Chánh văn phòng sở cho biết, 49 TTHC trên thuộc 2 lĩnh vực phức tạp nhất, liên quan nhiều đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đó là môi trường và đất đai. “Riêng lĩnh vực môi trường, 100% TTHC được đưa vào giải quyết tại Trung tâm. Ở lĩnh vực đất đai cũng sẽ từng bước chuyển tất cả TTHC sang Trung tâm. Trong TTHC đăng ký, đơn vị chúng tôi có 1 TTHC có thể giải quyết trong ngày” - ông Tâm nói.

Trung tâm được thành lập là một cách làm mới trong trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông hiện đại” tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Theo đó, việc giải quyết hồ sơ, TTHC cho công dân, tổ chức được thực hiện theo hướng chuyên môn hóa, tách hoạt động chuyên môn với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức, thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động công quyền. Do vậy, theo chủ trương của tỉnh, các sở, ngành rà soát, chọn những TTHC thường xuyên tương tác với người dân, doanh nghiệp. Đại diện Sở Công thương cho biết, trong 71 TTHC đăng ký giải quyết tại Trung tâm, có 20 TTHC được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; 2 TTHC thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại sẽ giải quyết trong ngày ngay tại Trung tâm.

Ông Phan Tá Tây - Trưởng phòng Tiếp nhận và giải quyết TTHC của Trung tâm cho biết, quy trình xử lý TTHC tại Trung tâm sẽ không có sự chồng chéo; thời gian giải quyết hồ sơ sẽ giảm 30% so với quy định. Hiện nay, qua thống kê đã có rất nhiều TTHC của các sở ngành đăng ký giải quyết trong ngày. Hồ sơ được xử lý theo 2 hình thức: một là được giải quyết tại chỗ, khép kín tại Trung tâm; hai là cán bộ đầu mối sẽ tiếp nhận, thẩm định tính pháp lý của hồ sơ rồi chuyển về đơn vị mình xử lý và trả kết quả tại Trung tâm. Theo chủ trương của tỉnh, khi Trung tâm đi vào hoạt động, sẽ căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục bổ sung các TTHC của các sở ngành vào giải quyết tại Trung tâm (trong tổng hơn 1.400 TTHC hiện nay).

Học hỏi kinh nghiệm

Hiện nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang khẩn trương cải tạo, sửa chữa tòa nhà Trung tâm (159B Trần Quý Cáp, TP.Tam Kỳ), dự kiến hoàn thành bàn giao vào ngày 1.12 tới. Sở Thông tin - truyền thông đang xây dựng phần mềm, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức các sở ngành; đã nhập vào quy trình đạt 93% số TTHC. Dự kiến đầu tháng 12 tới sẽ đưa phần mềm vào hoạt động thử nghiệm.

Giữa cuối tháng 9 vừa qua, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm tổ chức đoàn công tác với 54 cán bộ thuộc 26 cơ quan, đơn vị đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Hành chính công TP.Hạ Long. Tham gia chuyến đi, ThS. Trà Tiến (một trong 2 cán bộ của Sở Tài nguyên - môi trường được biệt phái đến làm việc tại Trung tâm) cho biết, hoạt động của Trung tâm Hành chính công Quảng Ninh là một bước tiến dài trong việc thực thi công vụ của địa phương này, trong đó lấy nguyên tắc phục vụ nhân dân đặt lên hàng đầu. Còn bà Nguyễn Thị Diệu Nhân (Sở Kế hoạch - đầu tư) cho rằng, chuyến đi giúp mọi người định hình được một mô hình hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp mà Quảng Nam sắp vận hành. Qua đó phần nào hạn chế được những bỡ ngỡ khi sắp tới được biệt phái đến làm việc tại Trung tâm.

Trước đó, các đoàn lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương cũng đã tổ chức nhiều đợt ra Quảng Ninh học hỏi, đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ hoạt động hành chính công của tỉnh này. Các thành viên trong đoàn đều nhìn nhận đó là mô hình hay để Quảng Nam học hỏi nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của các cá nhân, tổ chức. Tuy vậy, nhiều người bày tỏ lo lắng và sợ áp lực khi được biệt phái về Trung tâm. Chẳng hạn như áp lực về thời gian, phải đúng giờ, 100% thời gian hành chính có mặt tại quầy tiếp nhận; áp lực về trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết TTHC; bị kiểm tra, giám sát…

Theo ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm, cán bộ được điều động đến làm việc phải đủ năng lực, kinh nghiệm để thay mặt cơ quan mình hướng dẫn hồ sơ, tiếp nhận TTHC theo nguyên tắc hướng dẫn đúng và đủ một lần đối với một TTHC. “Trung tâm đi vào hoạt động là đầu mối đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trên tinh thần “3 giảm”, là giảm hồ sơ thủ tục, thời gian, chi phí. Cùng với đó thực hiện quảng bá tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh; kêu gọi, tư vấn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Quảng Nam. Do vậy để Trung tâm vận hành theo đúng lộ trình đề ra, chúng tôi cùng với các đơn vị liên quan đang tích cực vào cuộc, chạy đua với thời gian” - ông Hùng nói.

HƯỚNG ĐẾN NỀN HÀNH CHÍNH VÌ DÂN

Trao đổi với Báo Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ:

Hướng đến nền hành chính phục vụ, những năm qua Quảng Nam đã tập trung làm được rất nhiều việc trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Các chỉ số liên quan đến CCHC, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện qua từng năm. Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng của tỉnh thì công tác CCHC hiện vẫn chưa đáp ứng được. Sau chuyến đi tìm hiểu 2 mô hình Trung tâm Hành chính công của Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh khẳng định quyết tâm phải triển khai xây dựng mô hình này. Từ đó, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo CCHC, xác định một trong những nội dung quan trọng nhất là phải khẩn trương thành lập Trung tâm, đồng thời đưa ra các mốc thời gian phải hoàn thành các bước công việc để đưa Trung tâm đi vào hoạt động như dự kiến.

Đoàn công tác Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh học tập kinh nghiệm tại Quảng Ninh.  Ảnh: N.PHÚC
Đoàn công tác Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh học tập kinh nghiệm tại Quảng Ninh. Ảnh: N.PHÚC

- PV: Thưa ông, từ thực tiễn của địa phương, tỉnh đã nhìn nhận những khó khăn, thuận lợi như thế nào trong việc xây dựng Trung tâm?

- Ông Lê Trí Thanh: Đối với Quảng Nam, đây là công việc rất mới, rất bỡ ngỡ, nhưng lãnh đạo tỉnh xác định, bên cạnh những khó khăn thì cũng có cả thuận lợi.

Khó khăn đầu tiên là cán bộ chưa quen với mô hình trung tâm hành chính tập trung. Đội ngũ cán bộ đã ổn định tại các cơ quan, bây giờ điều về một nơi công tác mới, với một mô hình hoạt động mới, xét về mặt tâm lý thì người cán bộ cũng rất phân vân, có vấn đề về tư tưởng. Một khó khăn nữa là tiến độ đề ra rất gấp, đến ngày 2.1.2017 phải đưa Trung tâm đi vào hoạt động. Như vậy, tổng thời gian chuẩn bị chỉ có 3 tháng.

Tuy nhiên, lâu nay các cơ quan đã giải quyết công việc tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” nên cũng nắm được công việc. Và điều thuận lợi hơn cả là sự quan tâm, tinh thần chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo đối với công tác CCHC, xây dựng Trung tâm của tỉnh.

- PV: Vậy Trung tâm sẽ có gì khác và giống với mô hình của Quảng Ninh, thưa ông?

- Ông Lê Trí Thanh: Quảng Ninh đã triển khai thực hiện mô hình này được 3 năm rồi. Những khó khăn, trục trặc ban đầu của quá trình hoạt động đã được người ta nhìn nhận, đánh giá rút kinh nghiệm. Chúng ta đi sau nên có thể học hỏi, nghiên cứu, vận dụng một cách thích hợp. Trước mắt, về cơ bản mô hình của tỉnh sẽ giống như mô hình của Quảng Ninh. Trong quá trình hoạt động thì sẽ linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Nội dung cốt lõi của Trung tâm là đưa việc giải quyết tất cả bộ TTHC tập trung về một đầu mối, và phải giải quyết cho tốt hơn. Như vậy, khi có nhu cầu giao dịch, giải quyết công việc, công dân, các tổ chức sẽ không phải đi lại nhiều nơi.

Trước đây, bộ phận “một cửa” của các đơn vị chỉ có tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả. Nay, chúng ta phấn đấu tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giải quyết ngay tại chỗ. Những hồ sơ phức tạp, mang tính liên ngành thì sẽ luân chuyển để giải quyết theo thời hạn trên phiếu hẹn, đáp ứng theo quy trình TTHC.

- PV: Ngoài cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thì nhân tố con người vẫn là quan trọng nhất. Tỉnh đã có sự chuẩn bị ban đầu ra sao, thưa ông?

- Ông Lê Trí Thanh: Đúng vậy. Người cán bộ được lựa chọn về làm việc tại Trung tâm phải có năng lực, có kinh nghiệm, am tường công việc. Mỗi cơ quan, đơn vị có liên quan cử qua một nhóm cán bộ làm việc thì phải có một vị trí là cấp phó phòng trở lên, trừ một số cơ quan có tần suất giao dịch ít, số cán bộ cử qua ít. Hiện UBND tỉnh đã ký quyết định biệt phái 32 cán bộ của tỉnh, còn 18 cán bộ của các cơ quan ngành dọc đóng ở tỉnh cũng sẽ được điều động về làm việc tại Trung tâm. Chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ này, trước mắt tạm thời áp dụng như đối với cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” cho đến khi được HĐND tỉnh thông qua cơ chế hỗ trợ thêm cho các cán bộ trực tiếp làm việc tại đây.

- PV: Thưa ông, còn việc chế tài, kỷ luật đối với những vi phạm của cán bộ khi về làm việc tại Trung tâm hành chính công sẽ như thế nào?

- Ông Lê Trí Thanh: Toàn bộ quá trình hoạt động của Trung tâm đều được hệ thống camera giám sát. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh sẽ giám sát thái độ thực thi công vụ của người cán bộ, đảng viên. Sau khi đến giao dịch, các cá nhân, tổ chức sẽ bấm nút đánh giá mức độ hài lòng về kết quả giải quyết, thái độ phục vụ của cán bộ được giao nhiệm vụ. Hằng ngày, đều có tổng hợp các phản ánh về mức độ hài lòng, số lượng TTHC tiếp nhận, trả đúng hẹn, trễ hẹn và được công khai trên bảng điện tử.
Căn cứ kết quả giải quyết công việc mà UBND tỉnh đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm đối với cán bộ được cử về làm việc tại Trung tâm. Những cán bộ nào không đủ điều kiện về năng lực thì phải được thay thế ngay. Người cán bộ thuộc diện quy hoạch phát triển mà giải quyết công việc chậm trễ, hoặc có các hành vi nhũng nhiễu bị phản ảnh thì tùy vào mức độ mà sẽ bị xem xét xử lý nghiêm, kể cả loại bỏ ra khỏi danh sách quy hoạch vào vị trí cao hơn của cơ quan, đơn vị...

Xin cảm ơn ông!

NHANH HƠN, GỌN HƠN

Những cán bộ được điều động về Trung tâm được lãnh đạo tỉnh đặt nhiều kỳ vọng, bởi hiệu quả làm việc của đội ngũ này sẽ tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh.

Tòa nhà Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh.  Ảnh: V.HÀO
Tòa nhà Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh. Ảnh: V.HÀO

“Chạy” thử nghiệm

Một điều đặc biệt tại Sở Kế hoạch - đầu tư so với các sở ngành khác khi đưa TTHC vào giải quyết tại Trung tâm là sở này dời nguyên Phòng Đăng ký kinh doanh với 1 trưởng phòng và 3 chuyên viên đến làm việc, giải quyết tại chỗ hồ sơ khi Trung tâm hoạt động (sở này biệt phái 5 cán bộ). Có 48/71 TTHC đăng ký giải quyết tại Trung tâm thuộc phạm vi Phòng Đăng ký kinh doanh. Trong đó nhiều TTHC quan trọng sẽ được thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Điều đặc biệt nữa, một tháng nay Phòng Đăng ký kinh doanh bố trí con người, cách xử lý hồ sơ theo như mô hình Quảng Ninh. Bà Huỳnh Thị Mỹ Nhân - Trưởng phòng - cho biết, từ khi áp dụng, làm quen với quy trình mới, công việc được giải quyết thuận lợi, nhanh hơn, người dân rất hài lòng. “Trước đây phòng chúng không bố trí cán bộ ngồi tập trung để làm việc như hiện nay. Bây giờ việc nhận, trả hồ sơ được “chạy” theo quy trình đã hoàn chỉnh để sắp đến thực hiện tại Trung tâm. Việc giám sát nhân viên, công khai minh bạch trong công việc cũng được thực hiện dễ dàng hơn. Tôi từng cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh rằng, nếu có doanh nghiệp phản ánh về cách xử lý công việc sách nhiễu thì tôi sẽ là người đầu tiên đứng ra chịu trách nhiệm” - bà Nhân nói. Theo bà Nhân, đơn vị đang khuyến khích, đẩy mạnh việc đăng ký hồ sơ qua mạng. Trong 10 tháng đầu năm 2016, tại Phòng Đăng ký kinh doanh có 235 hồ sơ đăng ký qua mạng, trong khi năm 2015 chỉ có 23 hồ sơ.

Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, khi có chủ trương thành lập Trung tâm, sở đã tập trung rà soát bộ TTHC. Các TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh sắp tới được giải quyết tại Trung tâm đảm bảo giảm 30% thời gian, từ 3 ngày xuống còn 2 ngày. “Chúng tôi thường xuyên động viên anh em cán bộ sắp tới được biệt phái về Trung tâm phải tiếp tục nâng cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó sẽ tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ. Trung tâm đi vào hoạt động sẽ là bước đột phá nhằm giữ vững, cải thiện hơn nữa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh (PAR Index)” - ông Bảo nói.

Thước đo ở sự hài lòng

Theo ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, qua theo dõi có thể thấy các công việc chuẩn bị cho sự ra đời Trung tâm đang được thực hiện với một tâm thế khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo. “Phải qua thời gian đi vào hoạt động thì mới đánh giá được tính hiệu quả. Nhưng tin rằng, từ kinh nghiệm được các địa phương làm trước đúc kết, chia sẻ, sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo CCHC tỉnh và tinh thần vào cuộc đồng bộ của các ngành liên quan, nhất định mô hình Trung tâm sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực ngay từ khi đi vào hoạt động” - ông Võ Hồng nhận định.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, những cán bộ được chọn đến làm việc tại Trung tâm là những người được lãnh đạo tỉnh kỳ vọng, gửi gắm rất nhiều niềm tin. Đồng thời áp lực đặt trên vai họ rất lớn, không chỉ ở thời điểm ban đầu mà xuyên suốt trong quá trình vận hành của Trung tâm. Làm việc tại một môi trường mới, đội ngũ này chịu sự giám sát trực tiếp của lãnh đạo Trung tâm, và đặc biệt hơn là họ còn chịu sự đánh giá của các cá nhân, tổ chức đến giao dịch về thái độ phục vụ. Họ làm việc đúng với quỹ thời gian hành chính. “Do vậy, để tạo động lực kích thích, cũng như có sự đãi ngộ tương xứng thì rất cần có một cơ chế hỗ trợ cho các cán bộ làm việc tại Trung tâm. HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua cơ chế hỗ trợ thêm đối với những cán bộ này” - ông Hồng nói thêm.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, hoạt động của Trung tâm hướng đến mục tiêu là giải quyết kịp thời, nhanh chóng, chính xác các TTHC mà cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Qua đó, tạo sự thuận lợi, tránh cho đối tượng có nhu cầu giải quyết công việc phải đi lại nhiều lần mất thời gian, phiền hà. Đồng thời góp phần kiểm soát, ngăn ngừa hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ giải quyết TTHC. Đây cũng là một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. “Cấp tỉnh phải tập trung làm tốt, đưa mô hình Trung tâm hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở đó, có sự đánh giá rút kinh nghiệm để có thể áp dụng xây dựng mô hình này ở một số địa phương. Tin tưởng rằng Trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả, sẽ tạo sự chuyển động chung cho bộ máy hành chính các cấp của tỉnh, với tinh thần vì nhân dân phục vụ, lấy mức độ hài lòng làm thước đo đánh giá...” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.

Thực hiện chuyên đề: VĂN HÀO - NGUYÊN ĐOAN

Thực hiện chuyên đề: VĂN HÀO - NGUYÊN ĐOAN