Ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp xã: Nhanh hơn, hiệu quả hơn

THÙY DUNG 19/10/2016 08:44

Với sự chủ động của từng địa phương, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở cấp xã trên địa bàn tỉnh có sự phát triển đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và hiệu quả công tác cải cách hành chính ở cơ sở.

Tập huấn phần mềm quản lý hộ tịch cho cán bộ các xã, phường tại Tam Kỳ. Ảnh: Thùy Dung
Tập huấn phần mềm quản lý hộ tịch cho cán bộ các xã, phường tại Tam Kỳ. Ảnh: Thùy Dung

Theo thống kê của Sở Thông tin và truyền thông, hiện nay  hầu hết UBND cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh trang bị tương đối đầy đủ máy tính, máy in, kết nối mạng nội bộ và internet (trừ một số xã ở vùng núi cao, biên giới thuộc huyện Tây Giang và Nam Trà My chưa có đường truyền kết nối internet). Số lượng máy vi tính bố trí cho cán bộ công chức chuyên trách cấp xã đạt khoảng 90% ở khu vực đồng bằng, trung du và khoảng 70% đối với miền núi. Một số địa phương còn đầu tư các trang thiết bị hiện đại như máy chiếu, máy quét (scan), trong đó TP.Tam Kỳ đã trang bị máy quét cho 100% xã, phường nhằm đáp ứng yêu cầu số hóa tài liệu, văn bản.

Chưa đến nửa giờ chờ đợi

Cùng với đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, thời gian gần đây, việc ứng dụng CNTT ở cấp xã được quan tâm, triển khai nhiều phần mềm ứng dụng trong công tác chuyên môn và quản lý nhà nước. Ngoài các phần mềm thông thường như soạn thảo văn bản, bảng tính, truy cập email, đến nay các xã, phường đã ứng dụng một số phần mềm chuyên ngành như quản lý danh sách hộ nghèo, quản lý hộ tịch, quản lý văn bản, kế toán ngân sách…. Điển hình như các địa phương Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành đã có 100% số xã, phường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của UBND cấp trên. Hiện nay ở TP.Tam Kỳ, các văn bản như giấy mời, công văn, thông báo… được UBND thành phố gửi cho UBND các xã, phường thông qua phần mềm quản lý văn bản Q-Office. Ông Trần Nguyễn Hồng Minh - cán bộ UBND phường Hòa Hương cho biết: “Phường được thành phố cấp một tài khoản trên phần mềm Q-Office. Hàng ngày, chúng tôi đều truy cập vào phần mềm để tiếp nhận văn bản mới của UBND thành phố gửi xuống. So với trước đây, việc gửi công văn qua mạng giúp phường nhận được thông tin chỉ đạo của thành phố nhanh chóng hơn, từ đó phường có nhiều thời gian hơn để xử lý công việc được giao”.

Phần mềm “một cửa điện tử” cũng là ứng dụng quan trọng mà UBND cấp xã đã và đang triển khai. Thị xã Điện Bàn là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai đồng loạt phần mềm “một cửa điện tử” cho các xã, phường. Đây là phần mềm cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân tại UBND cấp xã, nhằm chuẩn hóa, thống nhất về quy trình, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ; công khai, minh bạch quá trình xử lý. Phần mềm khi triển khai còn được kết nối liên thông với phần mềm “một cửa điện tử” của UBND thị xã, cho phép chuyển xử lý hồ sơ từ cấp xã lên thị xã để quản lý, giám sát quy trình. Ông Lê Văn Lăng (ở phường Điện Nam Đông) cho biết, mới đây ông có đến UBND phường để làm thủ tục cấp lại giấy khai sinh cho con do giấy khai sinh cũ bị thất lạc. Thông tin về hồ sơ khai sinh của con ông được cán bộ hộ tịch tra cứu trên phần mềm, sau đó in lại giấy khai sinh, trình lãnh đạo xã ký và cấp lại. “Toàn bộ quá trình mất chưa đến nửa giờ chờ đợi. Người dân cũng không phải đi tới đi lui nhiều lần để khai báo, xác nhận” - ông Lăng nói.

Hướng đến chính quyền điện tử

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong ứng dụng CNTT ở cấp xã, đặc biệt là các xã miền núi là tình trạng thiếu trang thiết bị. Nhiều máy vi tính trang bị đã cũ, cấu hình thấp, xuống cấp nên chỉ sử dụng để soạn thảo văn bản, truy cập internet, không thể cài thêm các phần mềm ứng dụng khác. Ở nhiều xã, cán bộ phải dùng chung máy vi tính, gây khó khăn trong việc quản lý dữ liệu cũng như xử lý công việc. Một số nơi, việc ứng dụng CNTT cơ bản vẫn chỉ là soạn thảo văn bản, truy cập internet chỉ để cập nhật, theo dõi tin tức. Ông Lê Thanh Long - Phó Chánh văn phòng HĐND - UBND thị xã Điện Bàn chia sẻ, chủ trương chung của lãnh đạo thị xã là mong muốn triển khai nhiều phần mềm ứng dụng để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước của UBND các xã, phường. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu giải pháp đồng bộ, tổng thể cho công tác ứng dụng CNTT tại cấp xã. Vừa qua, UBND thị xã cũng đã phối hợp với các sở, ngành triển khai một số phần mềm ứng dụng cho UBND cấp xã, tuy nhiên giữa các phần mềm không có kết nối liên thông dữ liệu, gây khó khăn, bất tiện cho cán bộ cơ sở trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, trình độ CNTT của cán bộ ở cơ sở còn hạn chế, đảm nhiệm nhiều công việc nên không thể cập nhật đầy đủ dữ liệu trên các phần mềm. UBND thị xã Điện Bàn đã có văn bản kiến nghị tỉnh hỗ trợ việc liên thông, kết nối giữa các phần mềm đang triển khai là phần mềm quản lý hộ tịch và phần mềm “một cửa điện tử” nhằm tạo thuận tiện cho việc ứng dụng CNTT tại các xã, phường.

Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông cho biết, một trong các mục tiêu ứng dụng CNTT của tỉnh đến năm 2020 là 100% số xã, phường có mạng nội bộ và kết nối internet; thực hiện kết nối liên thông văn bản điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã. Theo kế hoạch ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, trong năm 2016 triển khai phần mềm “một cửa điện tử” đến 10% số xã, phường; năm 2017 tỷ lệ này là 30%. Đồng thời kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trong mô hình liên thông theo Nghị quyết 36A/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử. Như vậy, 100% số xã, phường sẽ được kết nối liên thông để trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử với các cấp, ngành của tỉnh. Cho nên, bên cạnh các phần việc triển khai, điều quan trọng hiện nay là nâng cao trình độ tin học cho cán bộ, công chức cấp xã, để công tác ứng dụng CNTT được thông suốt, hiệu quả hơn, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

THÙY DUNG

THÙY DUNG