Cán bộ là công bộc của dân

Q.CHÂU 18/08/2016 16:12

(QNO) - Chia sẻ của các địa phương cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 hôm 17.8 là những kinh nghiệm, mệnh lệnh để đẩy mạnh CCHC trên cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng.

Tham dự hội nghị trực tuyến còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, đại diện các bộ ngành và 63 điểm cầu địa phương. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì điểm cầu Quảng Nam.

Quang cảnh điểm cầu Quảng Nam tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm giai đoạn 2016 - 2020 hôm 17.8. Ảnh: VĂN HÀO
Quang cảnh điểm cầu Quảng Nam tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm giai đoạn 2016 - 2020 hôm 17.8. Ảnh: Q.C

Tiện ích Trung tâm Hành chính công

Giữa tháng 6 vừa qua, đoàn cán bộ chủ chốt của tỉnh gồm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang; Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cùng lãnh đạo các sở ngành có chuyến công tác trao đổi kinh nghiệm về xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, những kinh nghiệm về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, hoạt động của Trung tâm Hành chính công được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thắng thắn chia sẻ. Dự kiến trong năm 2016 này, Quảng Nam cũng sẽ đưa vào vận hành mô hình Trung tâm Hành chính dịch vụ công cấp tỉnh. Công tác chuẩn bị đang tiến hành khẩn trương. Vì vậy, những tiện ích, sự hài lòng đến từ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch tại Trung tâm Hành chính công tỉnh bạn có thể coi là bài học quý giá để Quảng Nam học hỏi, tiếp thu.

Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đánh giá qua 3 năm Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh đi vào hoạt động, địa phương đã giảm được 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với trước đây. Ông Long chỉ ra rằng, con số trên 98,3% ý kiến đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ, công chức làm việc tại trung tâm ở mức tốt là một động lực lớn để địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công. “Nếu đã triển khai cấp tỉnh mà không triển khai ở cấp huyện thì sẽ không đồng bộ với chính quyền điện tử, vì vậy chúng tôi tiếp tục đầu tư thành lập 14 Trung tâm Hành chính công cấp huyện trên toàn tỉnh. Các bộ thủ tục hành chính cấp huyện, công chức cấp huyện sẽ được đưa vào đây. Hiện chúng tôi đã kết nối với 81/186 xã, phường có “một cửa điện tử”, phấn đấu đến đầu năm 2017 tất cả các xã, phường còn lại có “một cửa điện tử”” - ông Long nói.

Trung tâm Hành chính công các cấp tại Quảng Ninh là đầu mối tập trung và chịu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và cá nhân theo quy định. Theo lãnh đạo tỉnh này, sau khi các trung tâm được thí điểm và đi vào hoạt động, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến thăm, biểu dương và ghi nhận những kết quả nổi bật với cách làm sáng tạo và được nhiều tỉnh, thành đến trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những mô hình đã tạo được ấn tượng, hài lòng cho người dân như các Trung tâm Hành chính công ở Quảng Ninh, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu... cần được nhân rộng ở các tỉnh, thành khác trên cả nước. Tuy nhiên, mỗi địa phương tùy vào điều kiện thực tế để có cách vận dụng phù hợp, tỉnh nghèo thì nên tận dụng cơ sở vật chất để làm.

Chấn chỉnh khâu cán bộ

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công cuộc CCHC giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, tạo sự chuyển biến tương đối tốt nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, bộ máy cồng kềnh, yếu kém trong công tác minh bạch dẫn tới đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng chưa mạnh. “Cán bộ từ xã đến Trung ương hưởng lương từ thuế của dân, do vậy làm sao để đồng tiền lương đó phải thật xứng đáng. Nhưng hiện nay, tình trạng xin - cho, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra nhiều nơi. Phải kiên quyết loại bỏ tiêu cực, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trong quá trình thực thi công vụ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, công tác đánh giá cán bộ hiện nay vẫn còn mang tính hình thức, nể nang, chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục đề cập đến vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hiện nay: “Chúng ta đang bàn về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phát triển phục vụ nhân dân nhưng ở dưới cán bộ có sát dân không?”, “Cán bộ nhũng nhiễu nên dân vẫn còn kêu ca đấy!”, “Nói phải đi đôi với làm, họp xong cuộc họp này thì phải làm gì?” “Đã hứa với dân thì phải hành động”, “Vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam, ai chịu trách nhiệm”…

Soi chiếu từ những phát biểu trên của Thủ tướng, nhìn từ Quảng Nam, thời gian qua, nhiệm vụ nâng cao chất lượng tuyển dụng; ứng dụng công nghệ vào thi nâng ngạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ có được những bước chuyển đáng kể. Tuy nhiên, tình hình triển khai và tổ chức thực hiện giữa các đơn vị, địa phương không đồng đều, nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Dẫn chứng từ kết quả chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ban ngành năm 2015 cho thấy, có đến 13/22 đơn vị có kết quả chỉ số thấp hơn mức bình quân chung. Trong khi đó tại cấp huyện, năm 2015 giá trị trung bình của chỉ số thành phần trên chỉ đạt 56,92%, tiếp tục là lĩnh vực có giá trị trung bình thấp nhất so với các lĩnh vực khác.

Thủ tướng vừa truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh cũng đã đề ra chương trình hành động. Vậy mỗi cán bộ, công chức sẽ có ý thức thực hiện như thế nào, như theo lời nhắn nhủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp vừa qua: “Mỗi cán bộ phải là công bộc của dân”.

Q.CHÂU

Q.CHÂU