Lộ trình tinh giản biên chế: Chặng đường gian nan
Ngày 17.4.2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể. Trước đó, ngày 20.11.2014, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021), từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị.
Nhiều đơn vị kêu khó
Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường ví von, đơn vị tồn tại một số cán bộ kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”, chểnh mảng công việc nhưng khó đưa vào diện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (gọi tắt là Nghị định 108). “Có những người làm không ra làm, chơi không ra chơi nhưng không tới mức buộc phải thôi việc. Tuy nhiên điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận hành của cả bộ máy, trong khi nhân lực của chúng tôi lại có hạn, kiêm nhiệm nhiều việc. Việc tinh giản 10% biên chế của sở theo lộ trình 2015 - 2021 dường như là một nhiệm vụ bất khả thi” - ông Viễn nói. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, đơn vị hiện có 64 công chức và 268 viên chức, đến nay mới tinh giản được 1 trường hợp công chức. Từ năm 2014, sở được bổ sung thêm các nhiệm vụ: định giá đất, xác định giá đất, công tác đấu giá tài nguyên khoáng sản, cấp quyền khai thác khoáng sản trong khi giữ nguyên khung con người; trung bình mỗi ngày sở xử lý gần 60 văn bản đi và đến.
Việc tinh giản biên chế hướng đến việc tạo dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Ảnh: VĂN HÀO |
Tương tự, tại Sở Xây dựng, số lượng biên chế được giao tại hai bộ phận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng gồm Văn phòng sở và Thanh tra sở là 36 người. Theo sở này, nguồn nhân lực như thế là quá ít so với nhu cầu công việc thực tế tại đơn vị. Từ đầu năm 2015 khi Luật Xây dựng mới có hiệu lực, nhiệm vụ của sở tăng lên rất nhiều, như chịu trách nhiệm về công tác thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế cơ sở, dự án đầu tư, thiết kế dự toán…, vì thế số lượng biên chế trên không kham nổi công việc tăng thêm tại đơn vị.
Trong khi đó, Sở NN&PTNT hiện có 956 biên chế (511 công chức, 445 viên chức), đến năm 2021 đặt ra chỉ tiêu tinh giản 103 biên chế, đạt 11,97%. Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, sở đã tinh giản được 34 biên chế (21 công chức, 13 viên chức). Ông Trần Hồng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở NN&PTNT cho biết, tinh giản biên chế là một vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến con người, bộ máy nên công tác này phải được suy xét thận trọng, phải đặt lên bàn cân để chọn đúng đối tượng cần tinh giản. “Có nhiều khó khăn trong việc tinh giản biên chế. Chẳng hạn, người cơ quan cần thì lại xin nghỉ trước tuổi trong khi người không đáp ứng được công việc vẫn không muốn nghỉ. Mà nếu đã có ý định nghỉ, cán bộ thường lơ là nhiệm vụ, ảnh hưởng đến công việc chung” - ông Hồng nói.
Vướng nhiều thứ
Kiện toàn tổ chức bộ máy một số đơn vị theo hướng tinh gọn trong năm 2016 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh vừa ký ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐ về hoạt động công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh. Kế hoạch nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2016 như: thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh; thành lập Sở Du lịch tỉnh; triển khai rà soát, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, thực sự hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; triển khai rà soát, đánh giá tình hình thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; thực hiện chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng như xác định danh mục thủ tục hành chính đưa vào tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.(V.H) |
Một số ý kiến cho rằng, để tránh việc hô hào kêu gọi tinh giản nhưng lại khiến bộ máy càng phình ra thì cần phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ; bố trí đúng người, đúng việc theo vị trí việc làm và thể hiện quyết tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Qua đó không chỉ giảm biên chế, tinh gọn bộ máy mà còn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách chế độ công vụ, công chức. Nhưng đó là kế hoạch dài hơi, khi tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” vẫn luôn hiện hữu và là chủ đề hâm nóng nhiều cuộc họp từ trung ương đến địa phương suốt nhiều năm nay.
Theo Nghị định 108, từ trung ương đến cấp xã, nếu 2 năm liên tiếp và liền kề thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp thì được đưa vào diện cần tinh giản. Vấn đề này, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng, chính việc đánh giá cán bộ còn chung chung như hiện nay, khi tổng kết hầu hết ai cũng “hoàn thành xuất sắc”, “hoàn thành tốt nhiệm vụ” nên khó tìm ra người để tinh giản theo diện trên. “Chúng ta cần sắp xếp năng lực cán bộ theo vị thứ rõ ràng, chẳng hạn 1, 2, 3… Như vậy mới dễ phân loại” - ông Viễn nói. Ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng phòng Nội vụ huyện Duy Xuyên cho biết, địa phương đã xây dựng đề án vị trí việc làm nhưng chưa được cấp trên phê duyệt nên còn khó khăn trong công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy. Năm 2016, Duy Xuyên đã tinh giản 25 biên chế, trong đó phần lớn là lĩnh vực giáo dục. Lộ trình 2015 - 2021, địa phương đăng ký tinh giản gần 13% tổng số biên chế. Hiện biên chế cơ quan hành chính là 111 người, ngành giáo dục là 1.543 người.
Ông Trương Thạnh - Trưởng phòng Tổ chức biên chế Sở Nội vụ cho biết, hiện nay các địa phương cấp huyện, sở ngành đã xây dựng xong đề án vị trí việc làm, trong đó từng cán bộ cũng đã xây dựng bản mô tả công việc của vị trí việc làm. Tuy nhiên vướng mắc chung hiện nay trên cả nước là Bộ Nội vụ mới chỉ ban hành danh mục vị trí việc làm, chưa ban hành khung tiêu chí cụ thể, chưa phê duyệt các đề án nên chưa thể xác định được số người làm việc cụ thể theo từng vị trí. Tính đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tinh giản biên chế theo Nghị định 108 là 602 trường hợp. Thời gian tới sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác này theo tinh thần Nghị quyết số 03/NQ-TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, đây sẽ là chặng đường gian nan khi còn quá nhiều rào cản như hiện nay.
VĂN HÀO