Trưởng thành từ luân chuyển
Luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, đang được TP.Tam Kỳ chú trọng thực hiện, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ. Trong đó phải kể đến luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở, tạo điều kiện rèn luyện, thử thách và trưởng thành để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ tiếp theo.
Gần 2 năm được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận, anh Nguyễn Trường Sơn đã được học thêm nhiều kinh nghiệm sống, làm việc. Khác với vị trí Chánh Văn phòng UBND thành phố đã đảm nhiệm trước khi về cơ sở, bây giờ anh Sơn thường xuyên tiếp xúc với người dân, phải trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc phức tạp. Vượt qua giai đoạn đầu khi mới về chưa quen người quen việc, đến nay anh đã gắn bó và cùng tập thể cán bộ, đảng viên của phường ra sức phát triển địa phương. “Cái được lớn nhất khi tôi được luân chuyển về địa phương đó là được trải nghiệm trong thực tiễn. Về cơ sở chúng tôi giải quyết công việc không còn mang tính hình thức nữa, có những việc không kể ngày đêm. Chúng ta càng gần dân thì sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thuận lợi trong giải quyết các công việc. Tôi nghĩ nếu mình làm việc vì vấn đề chung, vì tập thể trên hết thì dần dần sẽ tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ công chức. Và khi đã hiểu nhau rồi, mọi việc đều thông suốt” - anh Sơn chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận - Nguyễn Trường Sơn (bên phải) trực tiếp giải quyết vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương. |
Từ năm 2011 đến nay, Tam Kỳ đã thực hiện luân chuyển từ thành phố về cơ sở 7 cán bộ, trong đó cán bộ được luân chuyển giữ vị trí chủ chốt ở xã phường đã phát huy tốt trong công tác, khả năng vận dụng vào thực tiễn được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng trong sự phát triển của địa phương, được nhân dân tin yêu. Nhiều cán bộ sau khi luân chuyển đã trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở về nắm giữ những chức vụ chủ chốt và quan trọng của thành phố. Ông Nguyễn Thanh Quý - nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện là Bí thư Chi bộ khối phố 11, phường An Mỹ, bày tỏ quan điểm: “Luân chuyển cán bộ là chủ trương rất đúng. Tôi cho đây là một việc làm rất cần thiết. Bởi vì cán bộ thì phải có thực tế. Nếu cán bộ luân chuyển về địa phương có nhiệt tình, có tâm huyết và trách nhiệm cao với công việc trong quá trình làm việc tại cơ sở, các đồng chí đó sẽ thực hiện tốt vai trò vị trí và chức năng nhiệm vụ của mình sau này”.
Ở Tam Kỳ, việc luân chuyển cán bộ đã góp phần chống tư tưởng chủ quan, phát huy được tính năng động sáng tạo của cán bộ. Đồng thời nhờ thực hiện công tác luân chuyển nên thành phố đã khắc phục được tình trạng khép kín, cục bộ địa phương trong bố trí các chức danh chủ chốt ở cấp xã, phường. Vì thế, thành phố quyết tâm thực hiện công tác này trong thời gian tới một cách hiệu quả nhất. “Đối với cán bộ luân chuyển, chúng tôi coi trọng vấn đề chất lượng. Thứ nhất, cán bộ luân chuyển phải là đối tượng được quy hoạch trong diện phát triển lâu dài. Thứ hai, tuổi đời còn trẻ. Thứ ba, phải được đào tạo từ các trường chính quy, bài bản cả về chuyên môn và chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng đảm bảo có thể phát triển. Theo kế hoạch 2 năm đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành phố sẽ luân chuyển về địa phương 5 - 7 cán bộ và đảm bảo thời gian luân chuyển ít nhất phải 3 năm mới có cơ sở đánh giá và tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành sau khi luân chuyển” - ông Nguyễn Văn Lúa, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ nói.
Luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở là việc làm cần thiết, không chỉ ở quyết định của tổ chức mà còn cần tính tiên phong của cán bộ trẻ để giúp bản thân trưởng thành nhanh và toàn diện, vững vàng về chính trị. Qua đó đáp ứng yêu cầu đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành vừa có kiến thức vừa có năng lực thực tiễn. Đây cũng là một trong nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Tam Kỳ hiện nay và lâu dài.
THANH XUÂN - MINH TẤN