Nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp

THÀNH CÔNG 05/07/2016 08:54

Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cải cách tư pháp (CCTP), tổ chức tốt việc tập huấn, nghiên cứu các bộ luật mới, rà soát văn bản hướng dẫn, tăng cường quy chế phối hợp giữa các ban ngành… là những hoạt động trọng tâm mà Ban chỉ đạo CCTP tỉnh đề ra từ đầu năm đến nay nhằm tăng cường hiệu quả công tác CCTP.

Tập huấn tuyên truyền văn bản luật mới tại trụ sở Công an tỉnh trong năm 2016.  Ảnh: TH.CÔNG
Tập huấn tuyên truyền văn bản luật mới tại trụ sở Công an tỉnh trong năm 2016. Ảnh: TH.CÔNG

Tăng cường công tác tuyên truyền

Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo CCTP tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, các huyện, thị, thành ủy và cơ quan tư pháp các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung về công tác tư pháp và CCTP. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về CCTP được tập trung thực hiện. Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho biết, tại địa phương, các nội dung về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp luôn được đẩy mạnh, lồng ghép trong nhiều hoạt động của các ban ngành. Đặc biệt, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện thường xuyên tổ chức các lớp giáo dục pháp luật, triển khai văn bản luật mới ban hành đến đông đảo cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân trên toàn huyện. Trong đó tập trung cho các nội dung quan trọng như Hiến pháp 2013,các bộ luật mới có hiệu lực trong tháng 7.2016. Bên cạnh đó, nhiều vụ án được đưa ra xét xử lưu động góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân một cách hiệu quả. “Nhìn chung, công tác CCTP trên địa bàn Tiên Phước có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên, nhận thức của cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng về vai trò của hoạt động tư pháp có những bước phát triển đáng kể. Nhờ đó, trình độ dân trí về pháp lý, ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt” - ông Đốc nói.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan điều tra Công an tỉnh đã thụ lý điều tra 728 vụ với 939 bị can, khởi tố mới 452 vụ với 629 bị can, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 309 vụ với 511 bị can; ngoài ra, Công an tỉnh tiếp nhận, giải quyết 734/815 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm sát 876 tin báo, tố giác tội phạm; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án sơ thẩm hình sự 450 vụ với 772 bị can. Tòa án nhân dân 2 cấp thụ lý hơn 3.000 vụ án, giải quyết xét xử 2.257 vụ, Tòa án nhân dân tỉnh tiếp nhận giải quyết 41/42 đơn thư thuộc thẩm quyền…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CCTP tỉnh, thời gian qua, công tác triển khai thi hành các bộ luật, luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các ngành cấp trên được nhiều địa phương quan tâm thực hiện tốt, giúp nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, từ đó đẩy mạnh CCTP ở các địa phương. Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Truyền - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCTP tỉnh cho biết, qua kiểm tra làm việc, nhiều địa phương đã tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, bộ luật, luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2016. Công tác tập huấn, nghiên cứu những điểm mới của các bộ luật được nhiều địa phương tổ chức khá tốt…

Phối hợp để gỡ vướng

Dù đạt được một số bước tiến trong hoạt động CCTP, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện tại nhiều địa phương cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tại một số địa bàn có dấu hiệu phức tạp, xảy ra nhiều tranh chấp kéo dài, công tác điều tra, giải quyết chưa kịp thời. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp chưa thực sự đồng bộ, văn bản hướng dẫn thi hành chậm, một số lĩnh vực còn thiếu. Gần đây nhất, Quốc hội quyết nghị lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 từ ngày 1.7.2016 đến ngày Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện tại các địa phương, tác động đến hiệu quả công tác CCTP trong thời điểm hiện tại.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban chỉ đạo CCTP tỉnh cho biết, các kiến nghị của địa phương, không chỉ nảy sinh nhiều vướng mắc liên quan đến hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, trên thực tế, nhiều nội dung liên quan đến việc giám định pháp y đối với người tâm thần, cơ chế phối hợp, quản lý của cơ quan chức năng thiếu đồng bộ tạo nên trở lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ tư pháp. Đó là chưa kể cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của các cơ quan tư pháp, kinh phí cho công tác xét xử lưu động và hoạt động của Hội thẩm nhân dân còn nhiều khó khăn, chưa thể đáp ứng yêu cầu CCTP đề ra ở thời điểm hiện tại. “Hiện tại, biên chế cán bộ, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên còn thiếu ở nhiều phòng ban, địa phương, tuy nhiên rất khó để bổ sung trong điều kiện đang phải cắt giảm nhiều biên chế trong bộ máy. Do đó, các đơn vị như Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh cần tăng cường thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy; quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả cải cách. Trong đó, lãnh đạo và các đơn vị, bộ phận chuyên môn cần tăng cường trách nhiệm, kịp thời phối hợp trao đổi thông tin, tham mưu đề xuất giải quyết những khó khăn vướng mắc nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan” - Trưởng ban chỉ đạo CCTP tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG