Đổi mới để hội nhập

VĂN HÀO 21/06/2016 09:25

Cải cách chế độ công vụ, công chức và hiện đại hóa hành chính là những nhân tố cốt lõi để thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC). Đó cũng là những nhiệm vụ và giải pháp mà nghị quyết của Tỉnh ủy đã đề ra về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Nâng cao chất lượng cán bộ

“Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả hướng đến sự hài lòng của công dân, doanh nghiệp…” là cụm từ liên tục được nhắc đến tại nhiều cuộc họp bàn về CCHC do Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thời gian qua. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng tích cực, hiện đại được nhiều đơn vị đã và đang đẩy mạnh triển khai.

TP.Tam Kỳ là đơn vị có chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cao nhất cấp huyện năm 2015. Ông Lê Tấn Vĩnh - Trưởng phòng Nội vụ thành phố cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, địa phương cử 3 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài, 2 hợp đồng lao động đào tạo tiếng Lào tại tỉnh Chămpasắk (Lào); cử 18 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ thạc sĩ trong nước; nhiều cán bộ, công chức, viên chức tự đi đào tạo. Ngoài ra bồi dưỡng chức năng lãnh đạo, quản lý 74 trường hợp là trưởng - phó phòng và tương đương… “Thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố, chúng tôi xét tuyển thông qua kiểm tra hồ sơ, sát hạch, phỏng vấn. Trong đó ưu tiên lựa chọn những người đào tạo ở nước ngoài, người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc. Từ năm 2012 đến 2015, Tam Kỳ đã thu hút và bố trí 14 thạc sĩ, 38 cử nhân tốt nghiệp đại học loại giỏi” - ông Vĩnh nói.

Mô hình “một cửa” ở UBND huyện Phú Ninh sẽ chuyển sang “một cửa điện tử” trong 2016 này. Ảnh: VĂN HÀO
Mô hình “một cửa” ở UBND huyện Phú Ninh sẽ chuyển sang “một cửa điện tử” trong 2016 này. Ảnh: VĂN HÀO

Theo kết quả xác định chỉ số CCHC năm 2015, tiêu chí chất lượng công chức được đánh giá qua điều tra xã hội học đối với 4 nội dung thành phần, gồm: năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức; tinh thần trách nhiệm công việc; thái độ phục vụ; tình trạng lợi dụng chức quyền, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Với tiêu chi này, TP.Tam Kỳ được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao về năng lực, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm, đạt 93,33%.

Tại hội nghị triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác CCHC do UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, với mục tiêu hướng đến xây dựng thành phố xanh, thương mại, dịch vụ và có nền nông nghiệp công nghệ, địa phương luôn xem trọng các chương trình hợp tác với chuyên gia nước ngoài. Theo ông Tuấn, việc luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, cấp giấy phép xây dựng hay việc tăng cường giám sát, nếu sai thì nhận lỗi… đã tạo nên khuôn khổ nền nếp, khắc phục hạn chế trong công tác cán bộ. “Tam Kỳ xác định CCHC là khâu đột phá để thu hút đầu tư. Đầu nhiệm kỳ mới, chúng tôi cũng đã ban hành nghị quyết, đề ra chương tình hành động để triển khai sát với thực tế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính” - ông Tuấn nói.

Phục vụ doanh nghiệp

Tại Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho công chức, viên chức được đơn vị đặc biệt chú trọng. Đơn vị hiện có 100% số cán bộ đã qua các khóa đào tạo Tin học và tiếng Anh trình độ B trở lên. Ban Quản lý các KCN còn tranh thủ những chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Chỉ số CCHC năm 2015, Ban Quản lý các KCN tỉnh đứng vị trí thứ 2 trong 22 sở, ban ngành; trong đó, chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã ở vị trí dẫn đầu, đạt tỷ lệ 78,30%.

Ông Huỳnh Thanh Tòng - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cán bộ, rằng đơn vị luôn có giao ước kèm cặp cán bộ. Cụ thể, khi tiếp nhận nhân sự mới, lãnh đạo các phòng, ban được giao nhiệm vụ hướng dẫn công việc theo từng vị trí chuyên môn, định hướng nội dung nghiên cứu đề tài. Sau đó trong vòng 1 đến 3 tháng, “người mới, người cũ” cùng ngồi lại để nhìn nhận, đánh giá thông qua các bài thu hoạch. “Ban chúng tôi có quy mô nhỏ nhưng hoạt động tư vấn doanh nghiệp rất rộng, đòi hỏi một cán bộ phải am hiểu nhiều lĩnh vực chuyên môn. Phải như thế công việc mới không bị gián đoạn khi có trục trặc. Hơn nữa đó cũng là hình thức đào tạo để cán bộ có tầm nhìn bao quát hơn, giải quyết vấn đề rộng hơn” - ông Tòng nói.

Về quy tắc ứng xử với công dân, doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Tòng cho biết, mỗi cán bộ của Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn xác định rõ tinh thần phục vụ, đảm bảo sự hài lòng của cá nhân, tổ chức. “Tuy nhiên, sự phục vụ đó phải đúng mực, không phải biến mình trở thành một công cụ. Đến bây giờ, đơn vị chúng tôi chưa nhận được phản ánh hay phiền hà của doanh nghiệp về thái độ phục vụ. Có chăng trong một số trường hợp, cán bộ gặp những công việc khó xử lý vì phải đòi hỏi tính sáng tạo cao. Những lúc như vậy, chúng tôi cùng ngồi lại bàn bạc để tìm giải pháp, mở hướng đi” - ông Tòng nói thêm.

Hiện đại hóa hành chính

Trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đề ra các mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2017. Theo đó, phấn đấu ít nhất có 60% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Đưa vào vận hành chính thức Trung tâm Hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn. Tối thiểu 200 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3; có 10 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; triển khai phần mềm “một cửa” điện tử tại 100% sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố và 30% xã, phường, thị trấn; 60% số văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm cả văn bản gửi song song cùng văn bản giấy).

Tại huyện Phú Ninh, ông Trần Quốc Danh - Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết, trong năm 2016 này, địa phương sẽ đưa vào vận hành mô hình một cửa điện tử, thay đổi thói quen giao dịch. “Nguồn kinh phí để xây dựng mô hình này hơn 1 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 1/3, còn lại địa phương sẽ phân kỳ theo từng năm. Với việc đã ứng dụng rộng rãi phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội bộ Q-Office nên đội ngũ cán bộ sẽ không gặp nhiều trở ngại khi triển khai một cửa điện tử” - ông Danh nói. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay ở Phú Ninh cũng như tại nhiều địa phương cấp huyện khác là chưa đưa vào hoạt động hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Trong khi đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 trong hoạt động cơ quan hành chính là việc làm tất yếu để hướng đến nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.

Sở VH-TT&DL là đơn vị có chỉ số thành phần hiện đại hóa hành chính cao nhất trong tất cả 40 sở, ban ngành và địa phương cấp huyện năm 2015 với con số gần như tuyệt đối, đạt tỷ lệ 99,89%. Văn phòng Sở VH-TT&DL cho biết, phần mềm Q-Office được được nâng cấp mới và đưa vào sử dụng đầu năm 2014 đã kết nối từ sở đến 179 đơn vị trực thuộc và hệ thống phòng, trung tâm VH-TT cấp huyện, thành phố. Ngoài ra đã triển khai giao dịch trực tuyến mức độ 3 với 6 thủ tục hành chính từ tháng 4.2015. Năm 2015 đơn vị đã tiến hành rà soát 23 quy trình, quy định áp dụng ISO 9001:2008 và công bố lại. Kết quả, giữ nguyên 3 quy trình, bổ sung 13 quy trình và bãi bỏ 7 quy trình không phù hợp.

Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là nội dung quan trọng trong tiến trình CCHC, triển khai chính phủ điện tử. Qua đó không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần giảm áp lực giấy tờ công việc lên cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 1 và 2. Theo thống kê của Sở Nội vụ, đến nay toàn tỉnh có 9 sở, ban ngành và 2 địa phương triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 với 93 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở và 9 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện.

VĂN HÀO

VĂN HÀO