Đăng ký đất đai một cấp: Còn vướng, từ nhiều phía

VĂN HÀO 06/06/2016 08:57

Qua nửa năm đi vào hoạt động, Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường) vẫn chưa tạo nên bước đột phá về cải cách hành chính trên lĩnh vực đất đai như kỳ vọng.

Người dân đến giải quyết hồ sơ, thủ tục tại “một cửa điện tử” TP.Hội An.  Ảnh: VĂN HÀO
Người dân đến giải quyết hồ sơ, thủ tục tại “một cửa điện tử” TP.Hội An. Ảnh: VĂN HÀO

Cuối tháng 9.2015, UBND tỉnh có quyết định thành lập Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) thuộc Sở Tài nguyên - môi trường và 18 Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện, thị xã, thành phố thuộc UBND cấp huyện quản lý. Đến đầu năm 2016, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh chính thức đi vào hoạt động theo mô hình một cấp.

Trễ hạn

Thời gian gần đây, 3 cán bộ phụ trách lĩnh vực đất đai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ UBND huyện Thăng Bình phải giải quyết công việc với cường độ cao. Tuy nhiên, đã có những phiền hà, không hài lòng của công dân về quy trình, thủ tục giải quyết đất đai khi phải chuyển hồ sơ vô tỉnh giải quyết. Theo quy định, đối với thủ tục cấp đất lần đầu sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp huyện; còn đối với thủ tục về cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ, đăng ký biến động sau khi cấp giấy chứng nhận sẽ chuyển đến Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh giải quyết.

Ông Đào Chí Linh - cán bộ Chi chánh Văn phòng ĐKĐĐ Thăng Bình (làm việc tại bộ phận “một cửa”) cho biết, trung bình mỗi ngày phải tiếp nhận 30 - 40 hồ sơ về thủ tục giải quyết đất đai; trong đó nhiều hồ sơ phải chuyển vô tỉnh nhưng được trả về vì sai sót. Tốn thời gian, trễ hẹn hồ sơ chính là nguyên nhân khiến người dân phàn nàn. “Theo quy định, thời gian chúng tôi gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và được giải quyết trả kết quả trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên rất nhiều hồ sơ phải tốn thời gian chuyển đi chuyển về nhiều lần vì thiếu sót, cần bổ sung thông tin. Mặc dù bộ phận chúng tôi không trực tiếp giải quyết hồ sơ nhưng người dân thường đến phản ánh, trách móc” - ông Linh nói.

Theo ông Trần Văn Vinh - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Thăng Bình, khi chưa sáp nhập Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện (do UBND huyện quản lý) về Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, những hồ sơ thủ tục đất đai thường được giải quyết đúng hạn, trong vòng 3 ngày. “Nếu thuộc cấp huyện giải quyết như trước đây, sai sót chỗ nào được các bộ phận liên quan giải đáp, tư vấn kịp thời cho người dân, có khi chỉ trong một buổi đã giải quyết xong hồ sơ” - ông Vinh nói.

Tại huyện Núi Thành, trong quý I năm 2016, bộ phận “một cửa” UBND huyện tiếp nhận 27 hồ sơ và 5 hồ sơ đầu kỳ chuyển sang để cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ, trong đó có đến 13 hồ sơ trả lại bổ sung. Kết quả đã giải quyết 8 hồ sơ thì chỉ có 2 hồ sơ được giải quyết đúng hạn, 6 hồ sơ trễ hạn; ngoài ra có 11 hồ sơ đang xử lý, trong đó 5 hồ sơ quá hạn. Ông Nguyễn Chí Dân - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Núi Thành nêu lên vướng mắc, rằng hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ nộp tại “một cửa” của huyện, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Núi Thành yêu cầu dân phải có trích đo, trích lục bản đồ mới được nộp hồ sơ cấp giấy tại bộ phận “một cửa”. Tuy nhiên chưa có văn bản công khai rõ ràng về yêu cầu này, gây khó khăn cho “một cửa” và người sử dụng đất khi có nhu cầu đề nghị cấp giấy.

Thiếu nhiều thứ

Việc sáp nhập thành lập Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh là xu hướng tất yếu, phù hợp với chủ trương chung, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực này. Ông Lưu Văn Ba - Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh cho biết, trước đây hệ thống văn phòng đăng ký QSDĐ ở 2 cấp tỉnh và huyện đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành. Khi được quy về một đầu mối, những mặt hạn chế sẽ dần được khắc phục. “Khi chưa sáp nhập, về công tác chuyên môn, mỗi huyện làm mỗi kiểu. Do nhận thức về luật khác nhau, quy trình giải quyết không thống nhất nên nhiều địa phương làm theo ý kiến chủ quan, đúng cũng có mà tồn tại hạn chế cũng có. Hiện nay, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh bước đầu đi vào nền nếp, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế” - ông Ba nói.

Hạn chế mà ông Lưu Văn Ba đề cập đang tồn tại ở nhiều cơ sở. Như tại Núi Thành, ông Nguyễn Chí Dân - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện cho biết thêm: “Hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ mà cá nhân xin cấp giấy chỉ đứng tên một người thì Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Núi Thành không chuyển trả kết quả đúng hạn cho người dân, với yêu cầu người xin cấp giấy phải có giấy tờ chứng nhận độc thân hoặc lập văn bản cam kết tài sản riêng hợp pháp của người xin cấp giấy. Do đó gây trễ hạn quá nhiều cho hồ sơ cấp giấy và phiền hà cho người sử dụng đất”.

Ông Lưu Văn Ba cho biết, mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khoảng 600 - 700 hồ sơ đất đai, trong đó tỷ lệ hồ sơ sai sót chiếm 20%. “Vì nhiều huyện ở xa, cách trở nên thời gian nhận, trả hồ sơ cũng gặp khó khăn nhất định. Nhiều hồ sơ do địa phương cấp huyện làm trước đây, nay chuyển về tỉnh làm lại bộc lộ nhiều sai sót, không hợp lệ. Do đó, thời gian giải quyết phải kéo dài, trễ hạn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên vấn đề này chúng tôi đang từng bước phối hợp khắc phục, rút ngắn thời gian giải quyết cho công dân” - ông Ba nói.

Với 6 tháng đi vào hoạt động, bắt buộc bộ máy ĐKĐĐ đi vào guồng, vận hành trơn tru có thể là một yêu cầu khắt khe, nhất là ở lĩnh vực phức tạp như đất đai. Hơn nữa, khi chuyển các mô hình thuộc cấp huyện quản lý để sáp nhập về một đầu mối ngành dọc thuộc Sở Tài nguyên - môi trường quản lý thì còn vấp phải khó khăn về nhân lực, trang thiết bị. Cụ thể, có 5 huyện, thành phố không bàn giao đủ số chỉ tiêu biên chế theo biên chế giao đầu năm là 15 người. “Riêng Tây Giang và Nam Trà My bố trí cán bộ kiêm nhiệm nên không bàn giao 5 biên chế về Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh. Vì vậy việc tổ chức hoạt động của 2 Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ tại các địa phương này trước mắt rất khó khăn vì không có cán bộ lãnh đạo, không có biên chế. Ngoài ra có 9/18 chi nhánh không có máy photocopy, 3 chi nhánh không có máy in A3, 15 chi nhánh không có máy quét (máy scan A3), 6 chi nhánh không có máy đo đạc… nên năng lực hoạt động của các chi nhánh cơ sở còn nhiều khó khăn” - ông Lưu Văn Ba nói.

VĂN HÀO

VĂN HÀO