Cải cách hành chính ở Hiệp Đức: Lấy thành quả làm động lực
Bảng xếp hạng chỉ số thành phần thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” cấp huyện năm 2014 được công bố vào cuối năm 2015, Hiệp Đức xếp vị trí đầu tiên (năm 2015 chưa công bố). Trên nền tảng đó, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) hướng đến sự hài lòng của nhân dân.
Theo bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2014 đối với các địa phương cấp huyện, Hiệp Đức đứng thứ 6. Nhưng về chỉ số thành phần thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” huyện miền núi này lại xếp ở vị trí đầu tiên. Trong khi đó địa phương có 3 xã vùng cao gồm Phước Gia, Phước Trà và Sông Trà; tập trung một bộ phận người đồng bào, cơ sở vật chất một số nơi còn nhiều khó khăn.
Động lực
Đã thành thói quen, mỗi khi người dân đến làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” ở UBND huyện Hiệp Đức đều được nhận phiếu khảo sát về mức độ hài lòng đối với cán bộ, công chức và dịch vụ hành chính công tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ngoài đánh dấu thông tin khảo sát, người dân có thể ghi vào đó những kiến nghị, phản ánh. Thông tin cung cấp được giữ bí mật, ghi xong bỏ vào thùng phiếu. Ông Hồ Ngọc Anh - Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Hiệp Đức cho biết, định kỳ hàng tuần sẽ tổng hợp phiếu khảo sát để kịp thời chấn chỉnh, cải thiện chất lượng phục vụ tại bộ phận “một cửa”. “Từ năm 2015, chúng tôi triển khai hoạt động khảo sát trực tiếp này. Trước đây, cuối năm cán bộ phụ trách mới tiến hành đến nhà người dân khảo sát nên chậm nắm bắt, tiếp thu ý kiến” - ông Anh nói. Theo đánh giá năm 2014 có 19,26% người dân rất hài lòng, 63,18% hài lòng, 14,77% tạm chấp nhận được và 2,79% ý kiến không hài lòng về sự phục vụ của cán bộ, công chức và thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận “một cửa” huyện Hiệp Đức (năm 2015 huyện chưa tổng hợp).
Người dân làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Hiệp Đức. Ảnh: V.H |
Đến bộ phận “một cửa” của huyện để tư vấn cách làm hồ sơ, thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, anh Nguyễn Công Hùng (37 tuổi, xã Quế Lưu) rất hài lòng với cung cách, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ. “Bữa trước tôi đến làm bìa đỏ, thủ tục được giải quyết nhanh gọn và trả hồ sơ đúng hẹn. Hơn nữa, ở đây luôn để sẵn những phiếu khảo sát, mình hài lòng hay không hài lòng chỗ nào đều có thể điền thông tin góp ý” - anh Hùng vui vẻ nói. Bà Phan Thị Lệ Hằng - chuyên viên Phòng Nội vụ Hiệp Đức cho biết, đến nay 12/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai cơ chế “một cửa”. Trong đó, xã Phước Gia có ít dân, không bắt buộc phải thành lập bộ phận “một cửa” theo quy định nhưng địa phương này cũng triển khai cơ chế “một cửa” vào năm 2015.
Hướng đến chuyên nghiệp
Có 9 tiêu chí đánh giá chỉ số thành phần thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” gồm: xây dựng văn bản triển khai cơ chế “một cửa”; cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”; kết quả giải quyết TTHC; chất lượng phục vụ tại bộ phận “một cửa”; tỷ lệ TTHC thực hiện “một cửa”; theo dõi việc tiếp nhận, giải quyết TTHC; thực hiện chế độ phụ cấp cho công chức tại bộ phận “một cửa”; thực hiện khảo sát mức độ hài lòng chất lượng dịch vụ hành chính công. |
Ông Võ Văn Khởi - Trưởng phòng Nội vụ huyện Hiệp Đức cho biết, để khắc phục những hạn chế trong giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, công tác kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên. “Các vấn đề phát hiện qua kiểm tra được các phòng chuyên môn, các địa phương phối hợp khắc phục trong nhiều đợt. Qua đó nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, từng bước đổi mới mối quan hệ giữa công dân, tổ chức đối với cơ quan công quyền” - ông Khởi nói. Cũng theo ông Khởi, năm 2015, TTHC giải quyết theo cơ chế “một cửa” ở cấp xã, thị trấn của Hiệp Đức đạt 100%; cấp huyện hoàn thành giải quyết 176/188 thủ tục (đạt 93,4%)...
Bà Huỳnh Thị Mai Hiền - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Hiệp Đức cho biết, từ cuối năm 2009 địa phương tiến hành xây dựng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và đưa vào vận hành từ 3.2010 tại 11 phòng, ban trực thuộc UBND huyện. Năm 2015, Ban Chỉ đạo xây dựng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 tỉnh đến kiểm tra và đánh giá địa phương duy trì, cải tiến thường xuyên sát đúng với tình hình thực tế. “Hiện Hiệp Đức đã xây dựng 18 quy trình, trong đó có 5 quy trình bắt buộc, 13 quy trình chuyên môn. Các quy trình giải quyết công việc được cụ thể hóa, minh bạch rõ ràng dễ thực hiện, hạn chế được sai sót. Qua đó, rút ngắn thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân tại một số bộ phận; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng thời gian được nâng lên” - bà Hiền nói.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó có thể kể đến việc nhận thức các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO đối với từng lĩnh vực hoạt động tại các phòng, ban còn nhiều hạn chế; hệ thống văn bản luật thường xuyên thay đổi, không đồng bộ; khó khăn về kinh phí áp dụng, duy trì và mở rộng… Theo lộ trình CCHC giai đoạn 2016 - 2020, Hiệp Đức đặt mục tiêu 100% TTHC được chuẩn hóa theo quy trình ISO 9001:2008. Trưởng phòng Nội vụ Hiệp Đức - Võ Văn Khởi cho biết thêm, trọng tâm của giai đoạn này sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo thành công về CCHC ở địa phương.
VĂN HÀO