Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Tăng cường ứng dụng mức độ 3

18/01/2016 11:56

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, Quảng Nam đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tăng cường mức độ, phạm vi cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó mở rộng cung cấp dịch vụ mức độ 3.Hội thảo khoa học xây dựng khung phần mềm dùng chung để phát triển ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THÙY DUNGCuối năm 2015, UBND tỉnh ra Quyết định số 3605/QĐ-UBND về ban hành đề án cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đề án thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc đẩy mạnh cung cấp DVCTT, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14.10.2015 của Chính phủ. Với DVCTT, công dân, doanh nghiệp có thể thực hiện giao nộp hồ sơ hành chính cho cơ quan chính quyền, sau đó theo dõi tiến độ xử lý và nhận thông báo trả kết quả thông qua Cổng thông tin điện tử của chính quyền.Nhiều tiện íchHiện nay, theo kết quả khảo sát đánh giá xếp hạng Vietnam ICT Index 2014 do Hội Tin học Việt Nam, Ban chỉ đạo CNTT quốc gia, Bộ Thông tin và truyền thông công bố: Cổng thông tin điện tử Quảng Nam đã cơ bản cung cấp đầy đủ dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2 để phục vụ người dân và doanh nghiệp. DVCTT mức độ 2 cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, trên website của các sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố đều cung cấp đầy đủ thông tin về thủ tục hành chính. Trong đó đăng tải các quy trình, hướng dẫn, biểu mẫu... giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin, tải về thực hiện.Đặc biệt, trong thời gian qua, một số sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã bước đầu triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3, cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng. Theo thống kê của Sở Thông tin và truyền thông, đến nay trên địa bàn tỉnh đã triển khai khoảng 100 DVCTT mức độ 3. Đơn vị đầu tiên triển khai là Công an tỉnh, với hệ thống đăng ký lưu trú trực tuyến tại địa chỉ “http://luutru.quangnam.gov.vn”. Hệ thống được triển khai từ năm 2012 đến nay hoạt động có hiệu quả, cho phép các khách sạn trên địa bàn tỉnh khai báo khách lưu trú qua mạng hàng ngày mà không cần đến công an xã, phường như trước đây. Điều này giúp giảm thời gian, công sức đi lại của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý của ngành.Ứng dụng rộng rãiTháng 4.2015, Sở Khoa học và công nghệ cũng đã khai trương Cổng thông tin điện tử về khoa học - công nghệ, trong đó tích hợp 9 DVCTT mức độ 3 ở lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm: đề xuất, đăng ký thực hiện nhiệm vụ khao học - công nghệ cấp tỉnh; cấp giấy sử dụng X-quang; hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ; đăng ký hoạt động khoa học - công nghệ; đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh; đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ các dự án đầu tư; tiếp nhận công bố hợp chuẩn - hợp quy; cấp giấy chứng nhận các phương tiện đo. Hệ thống cho phép các tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản trực tuyến để trở thành thành viên để có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến.Ngoài ra, một số sở đã rà soát, chọn lọc cung cấp thử nghiệm DVCTT mức độ 3 trên một số lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp thường xuyên giao dịch. Trong đó, Sở Giao thông vận tải cung cấp 8 DVCTT tại địa chỉ “http://dvc.sgtvt.quangnam.gov.vn” trên các lĩnh vực cấp phép liên vận, cấp phù hiệu, biển hiệu và cấp giấy phép xe tập lái. Sở Tài nguyên và môi trường cung cấp khoảng 20 DVCTT tại địa chỉ “http://dvc.tnmtquangnam.gov.vn” thuộc các lĩnh vực tài nguyên, đất đai, khoáng sản, môi trường. Trong năm 2015, Sở Tài nguyên và môi trường đã tiếp nhận trực tuyến 170 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 82 hồ sơ, từ chối xử lý 32 hồ sơ. Sở Nội vụ cung cấp gần 50 DVCTT tại địa chỉ “http://dichvucong.sonoivu.quangnam.gov.vn” thuộc các lĩnh vực tôn giáo, thi đua khen thưởng, văn thư lưu trữ, công chức - viên chức. Sở Nội vụ cũng đã ban hành quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống DVCTT nhằm đảm bảo các hồ sơ nộp trực tuyến được tiếp nhận, xử lý như hồ sơ giấy thông thường.Đối với cấp huyện, UBND thị xã Điện Bàn và UBND TP.Tam Kỳ là những địa phương đi đầu trong triển khai DVCTT mức độ 3. Phát huy hiệu quả của hệ thống “một cửa điện tử” đã triển khai, Điện Bàn tích hợp cung cấp DVCTT mức độ 3 trên lĩnh vực đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Hệ thống triển khai từ đầu năm 2014 cho phép người dân đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh qua mạng. Đồng thời hệ thống phần mềm còn cho phép gửi tin nhắn vào số điện thoại người dân kết quả giải quyết hồ sơ, giúp công dân dễ dàng biết được tình trạng xử lý hồ sơ của mình.Đẩy nhanh tiến độThời gian qua, mặc dù đã có những chuyển biến nhưng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết mới đạt mục tiêu đã đề ra theo Quyết định số 3605/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Bên cạnh hàng loạt DVCTT được các ngành, địa phương công bố, việc khai thác, sử dụng hệ thống đã triển khai vẫn còn một số hạn chế. Nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa mạnh dạn triển khai DVCTT do chưa tin tưởng vào tính pháp lý của các hồ sơ nộp qua mạng, tính khả thi về giải pháp, công nghệ. Mặt khác, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, chưa tương xứng với lợi ích của ứng dụng CNTT. Số lượng, trình độ của cán bộ chuyên trách về CNTT ở một số sở, ngành, nhất là cấp huyện, còn hạn chế…Vì thế, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho một bộ phận cán bộ, công chức của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân về DVCTT để nghiên cứu sử dụng các hình thức giao dịch mới, thay đổi thói quen đến giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước. Với nhiều DVCTT từ mức độ 1 đến mức độ 3, mặc dù đã được các cơ quan đưa lên cổng thông tin điện tử nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để tăng số lượng người dân, doanh nghiệp biết đến loại hình dịch vụ này nhằm tăng tần suất sử dụng, nhất là với các DVCTT mức độ 3 mà các đơn vị đã xây dựng.Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cần rà soát, chọn lọc các thủ tục hành chính phù hợp, có mức độ giao dịch với người dân, doanh nghiệp nhiều để triển khai cung cấp trực tuyến. Cần ban hành các quy chế quản lý, vận hành để tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến; tránh tình trạng công dân gửi hồ sơ qua mạng nhưng không thấy phản hồi, làm mất niềm tin của người dân đối với hệ thống DVCTT do cơ quan nhà nước cung cấp.THÙY DUNG