Điện Bàn chuyển đổi quản lý hành chính: Từng bước vào nền nếp
Mặc dù còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện, nhưng có thể nói, chuyển đổi quản lý hành chính ở Điện Bàn bước đầu đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ mới của một thị xã.
Điện Bàn đang từng bước củng cố nhân lực đáp ứng yêu cầu phục vụ công dân. Ảnh: Phạm Lộc |
Dần vào khuôn khổ
Đến phường Điện Nam Trung đúng vào ngày địa phương đang phối hợp tổ chức khám tuyển nghĩa vụ quân sự cho công dân trên địa bàn. Nhìn hàng chục thanh niên hăng hái vào trung tâm hành chính phường đăng ký khám tuyển, chúng tôi cảm nhận được sự tự tin thể hiện trên từng gương mặt của các anh. Một cán bộ quân sự địa phương chia sẻ, đợt tuyển quân lần này thanh niên Điện Nam Trung đi khám sức khỏe với tâm thế khác hẳn khi họ đại diện cho thế hệ trẻ ở vùng đô thị mới lên phường. Phía bên ngoài, ven tuyến tỉnh lộ ĐT607, cuộc sống mưu sinh của người dân vẫn tiếp diễn như mọi ngày, nhưng nhận thức của bà con trong nếp sống đã khác. Cô Hương - một người dân hành nghề buôn bán nhỏ thổ lộ: “Không như trước đây, bây giờ bà con muốn bỏ rác ở đâu đã phải cân nhắc, tránh vứt bừa vứt ẩu. Nói về địa danh cũng cần cho chính xác vì nơi tôi ở hiện đã đổi từ thôn sang khối phố Quảng Lăng 3 rồi. Bây giờ, mình là công dân của một phường thì phải gương mẫu chứ không người ta cười cho”.
Thị xã Điện Bàn có diện tích tự nhiên 21.471ha, gồm 20 đơn vị hành chính, trong đó có 13 xã và 7 phường (Vĩnh Điện, Điện An, Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc), với tổng số 229.907 nhân khẩu. |
Đó là về mặt tâm lý xã hội, còn về công tác chuyển đổi quản lý hành chính ở Điện Nam Trung sau ngày “nông thôn” lên “đô thị”, Chủ tịch UBND phường - ông Đặng Ngọc cho biết, công tác cải cách hành chính bước đầu có một số chuyển biến tích cực để đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ mới. Trước đây, mỗi tuần địa phương bố trí tiếp công dân 3 ngày. Song hiện nay, phường tổ chức tiếp công dân hằng ngày. Các thôn ở Điện Nam Trung cũng được đổi thành khối phố với xu hướng lấy tên làng truyền thống. Vừa rồi, phường đã có văn bản kiến nghị Phòng Nội vụ cho chuyển thôn 5 thành khối phố Quảng Hậu Đông, thôn 8A là khối phố Quảng Hậu Tây theo nguyện vọng của người dân. Riêng địa bàn thôn 8B là tập hợp của 3 làng cũ, cư dân chưa tìm sự đồng thuận chọn lấy tên gọi nào nên tạm thời giữ nguyên khối phố 8B. Theo cán bộ Văn phòng UBND phường, hiện tại, con dấu của các hội đặc thù chưa thay đổi. Trong khi chờ đợi công bố thành lập đồn công an phường, công dân đến làm thủ tục liên quan vẫn sử dụng con dấu cũ.
Sau hơn một tháng chuyển tên từ Phòng Kinh tế và hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị thị xã Điện Bàn hiện còn 12 cán bộ thực hiện chức năng quản lý quy hoạch xây dựng, giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh… Các mảng công nghiệp - thương mại, khoa học công nghệ, quản lý điện năng cũng như 3 cán bộ lãnh đạo và chuyên viên phụ trách, đơn vị đã thực hiện “bàn giao” để nhập về Phòng Kinh tế (đổi tên từ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Trưởng phòng Quản lý đô thị Điện Bàn - ông Nguyễn Minh Hiếu khẳng định, nhân sự và khối lượng công việc của đơn vị đang giữ mức ổn định, đảm bảo triển khai nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Củng cố nhân lực
Sau ngày Điện Bàn trở thành thị xã, với 7 đơn vị hành chính cấp phường phải hoàn thiện bộ máy quản lý, công tác nhân sự, hạ tầng làm việc. Đồng thời thay đổi về chính sách quy định của Nhà nước khi áp dụng với phường như mức thu chi, nghĩa vụ thuế, học phí, giá đất… Theo ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phòng Nội vụ đã tổ chức hướng dẫn các phường thành lập Tổ quản lý trật tự xây dựng - môi trường và giao thông để quản lý hiện trạng, quy hoạch và trật tự xây dựng nói chung. Mới đây, thị xã cũng đã tập huấn và hướng dẫn thành lập Đội vệ sinh môi trường ở 6 phường (trừ Vĩnh Điện thành lập từ trước) để tiến hành thu gom rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị.
Trừ Vĩnh Điện trước đây là thị trấn nên mô hình cũng không khác biệt mấy sau khi thành phường, thách thức lớn nhất với các phường khác trong giai đoạn giao thời là việc giải thể công an xã và thành lập công an chính quy. Để tháo gỡ, các phường linh hoạt bố trí một số đồng chí thuộc lực lượng công an bán chuyên trách tham gia công tác ở văn phòng HĐND, UBND, Mặt trận và các hội, đoàn thể; một số khác được điều chuyển phụ trách Tổ bảo vệ dân phố hoặc biên chế vào Tổ quản lý trật tự xây dựng - môi trường và giao thông. Trưởng Công an thị xã Điện Bàn - Thượng tá Lê Trung Hai cho hay, đơn vị đã gửi văn bản xin cấp trên xem xét tuyển thẳng 9 trường hợp công an xã đáp ứng tiêu chuẩn quy định vào công an chính quy. Ngoài Công an phường Vĩnh Điện đã ổn định, Đồn Công an Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được xóa tên để thành lập Đồn Công an phường Điện Nam Bắc; đồng thời điều chuyển một số cán bộ, chiến sĩ sang các đồn mới.
Liên quan đến khâu củng cố và bổ sung nhân sự, vừa qua Phòng Nội vụ Điện Bàn tổ chức thi tuyển để chọn 84 cán bộ bổ sung cho các xã, phường. Ông Trần Úc còn cho hay, thị xã kiến nghị và UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu bổ sung 15 biên chế công chức hành chính cho Điện Bàn. Địa phương cũng đề xuất thêm một số cơ chế hỗ trợ đặc thù cho thị xã như sử dụng đất, biên chế, cơ chế đầu tư… Trên lộ trình chuyên nghiệp hóa nền hành chính đô thị, Điện Bàn sẽ triển khai phần mềm chỉ số đánh giá của công dân đối với chính quyền. Phần mềm được công khai minh bạch cho nhân dân nắm bắt và tương tác để bộ máy công quyền ngày càng đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả.
CÔNG TÚ