Xây dựng nền hành chính trách nhiệm
Theo thang điểm do Bộ Nội vụ vừa công bố kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2013, Quảng Nam được 73,11 điểm, đứng thứ 52/62 tỉnh, thành phố, giảm 5,05 điểm, tụt 23 bậc so với năm 2012. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam xoay quanh chỉ số trên, ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:
Tại Quảng Nam, công tác CCHC cũng đã có những chuyển biến, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, ngăn ngừa lãng phí, tiêu cực, tiết kiệm chi phí cho xã hội… Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta làm chưa tới, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền hành chính trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiện đại. Đối với kết quả xác định chỉ số CCHC năm 2013 của tỉnh, đây cũng là cơ hội để chúng ta rà soát, đánh giá lại những mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC của tỉnh thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong thời gian đến.
Quảng Nam quyết tâm xây dựng nền hành chính trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiện đại; loại bỏ tình trạng tiêu cực, thờ ơ, vô cảm... Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Mục tiêu của việc công bố chỉ số CCHC hàng năm là thông qua đó, các bộ, ngành, địa phương xác định được điểm mạnh, yếu của mình trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện CCHC. Từ đó có những biện pháp cụ thể để khắc phục điểm yếu, nâng cao chỉ số cho những năm tiếp theo. Chỉ có điều, thời điểm công bố chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ quá trễ (tháng 1.2014 mới công bố kết quả năm 2012; tháng 9.2014 mới công bố kết quả năm 2013) nên hiệu quả đem lại của việc công bố chưa cao.
PV: Theo công bố của Bộ Nội vụ, một số lĩnh vực, tiêu chí của Quảng Nam kết quả còn thấp như cải cách TTHC, hiện đại hóa hành chính. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Quảng Nam không làm được nhiều việc, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Sáng: Hàng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC mới theo quy định, công khai, minh bạch. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, UBND tỉnh ban hành 12 quyết định công bố 111 TTHC mới ban hành; 20 TTHC được sửa đổi, bổ sung; thay thế 3 và bãi bỏ 24 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành. UBND tỉnh cũng đã thiết lập được hệ thống đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các đơn vị, địa phương. Đồng thời tập trung đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần thực hiện các mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Có thể kể đến như, UBND huyện Duy Xuyên sử dụng phần mềm một cửa theo dõi tình trạng giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai từ xã lên huyện. Các địa phương Tam Kỳ, Điện Bàn, Thăng Bình sử dụng phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện. Công an tỉnh triển khai thử nghiệm dịch vụ khai lưu trú trực tuyến cho các cơ sở kinh doanh du lịch; Sở Thông tin - truyền thông triển khai cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh ở mức độ 3; UBND huyện Điện Bàn cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với thủ tục cấp mới giấy phép đăng ký kinh doanh. Các ngành, đơn vị đã xây dựng được các cơ sở dữ liệu phần mềm phục vụ hiệu quả công việc chuyên môn...
PV: Vậy đâu là nguyên nhân khiến chỉ số CCHC của tỉnh bị tụt giảm?
Ông Nguyễn Hữu Sáng: Vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt công tác cải cách TTHC. Trong đó, việc công bố, cập nhật các quy định về TTHC chưa được những cơ quan, đơn vị này quan tâm thực hiện thường xuyên, hoặc thực hiện còn chậm, kéo dài. Cũng thẳng thắn nhìn nhận một thực tế, các đơn vị, địa phương đều chưa thực hiện đúng quy định về nội dung và cách thức niêm yết TTHC, như niêm yết một số quy định về TTHC đã cũ, hết hiệu lực. Vẫn còn hiện tượng niêm yết thiếu danh mục TTHC, không có mẫu đơn, mẫu tờ khai đính kèm hoặc niêm yết thiếu bộ phận cấu thành. Đồng thời việc cập nhật TTHC trên website của UBND tỉnh và cơ sở dữ liệu quốc gia chưa được tiến hành kịp thời, đầy đủ. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trong các cơ quan hành chính nhà nước còn thiếu đồng bộ, manh mún, hiệu quả chưa cao. Nguồn lực đầu tư cho công tác CCHC nói chung, cho việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CCHC còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.
PV: Quảng Nam sẽ phải làm gì để vực dậy chỉ số CCHC, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Sáng: Tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác CCHC là một trong những giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Ngành nội vụ sẽ nỗ lực tập trung rà soát, đánh giá toàn bộ TTHC trên các lĩnh vực quản lý từ tỉnh đến cơ sở nhằm xác định rõ danh mục những thủ tục cần thiết, đã hợp lý hoặc không cần thiết, còn rườm rà, phức tạp. Trên cơ sở đó, phân tích cụ thể các thủ tục, các khâu, loại văn bản để đề xuất phương án cải tiến đơn giản hóa, tiến tới hoàn thiện cơ sở dữ liệu gốc TTHC của tỉnh và liên kết trên các website. Tiếp tục kiên trì thực hiện nâng cao chất lượng thực hiện việc giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu “3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí”, mô hình một cửa hiện đại... Nói đến công tác CCHC là nói đến thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, việc tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về trách nhiệm công khai xin lỗi nếu chậm trễ trong giải quyết TTHC là điều cần thiết lúc này. Việc lấy kết quả khảo sát mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức qua các phần mềm điện tử sẽ được thực hiện làm thước đo hiệu quả của công tác CCHC, đánh giá cán bộ. Chúng ta quyết tâm hướng đến xây dựng một nền hành chính trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiện đại; loại bỏ tình trạng tiêu cực, thờ ơ, vô cảm… gây bức xúc đối với cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu đến giao dịch hành chính.
PV: Xin cám ơn ông!
HÀN GIANG