Triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008: Hiệu quả chưa cao

BÍCH LIÊN 30/04/2014 08:14

(QNO) - Qua 5 năm triển khai, chủ trương xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) ISO 9001:2008 vào cơ quan hành chính bắt đầu nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức/đơn vị. Tuy nhiên, tình trạng chưa nhận thức đúng về ISO hoặc triển khai chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả vẫn khá phổ biến.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang tặng bằng khen cho các đơn vị triển khai hiệu quả hệ thống ISO vào CCHC
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang tặng bằng khen cho các đơn vị triển khai hiệu quả hệ thống ISO vào CCHC

Lúng túng, bất cập

Việc triển khai Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo TCVN ISO 9001:2008 vào các cơ quan hành chính theo Quyết định 144/2006/QĐ-TTg và Quyết định 118/2009/QĐ-TTg của Chính phủ tại Quảng Nam đã đi hết chặng đường 5 năm. Song tiến độ triển khai ISO nhìn chung còn chậm, hiệu quả tại nhiều đơn vị chưa cao và chưa đồng bộ. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (BCĐ) ISO tỉnh, trong số 41 đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, đến nay có 24 đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) chứng nhận TCVN ISO 9001:2008, 8 đơn vị đang xây dựng HTQLCL, 7 đơn vị phê duyệt xong kế hoạch và 2 đơn vị chưa xây dựng kế hoạch. Trong số 24 chứng nhận của 24 đơn vị được cấp, chỉ 17/24 chứng nhận đang còn hiệu lực. 7 chứng nhận về HTQLCL ISO của 7 đơn vị sở dĩ không còn hiệu lực là do không bố trí được kinh phí duy trì hệ thống hoặc đang trong giai đoạn mở rộng hệ thống. Đáng nói, trong khi nhiều đơn vị triển khai và phát huy hiệu quả của ISO vào cải cách hành chính (CCHC) thì UBND huyện Phú Ninh và UBND huyện Nam Giang vẫn ở ngoài cuộc khi đến nay chưa có kế hoạch xây dựng HTQLCL.

Tại “Hội nghị sơ kết 5 năm xây dựng và áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh” vừa diễn ra mới đây, nhiều địa phương, sở ban ngành đã thẳng thắn nêu lên tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai ISO 9001:2008. Theo ông Phạm Cưu - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, đây là công cụ quản lý mới trong quản lý hành chính nhà nước, nhiều thuật ngữ trong tiêu chuẩn trừu tượng, khó hiểu, khiến việc nắm bắt nội dung chưa được hệ thống và đồng bộ. Việc tiếp cận của một số lãnh đạo và công chức còn hạn chế dẫn đến lúng túng trong triển khai. Ông Phạm Cưu cho rằng, một khó khăn lớn là BCĐ ISO tỉnh chưa chủ động  hướng dẫn rõ ràng hay tổ chức kênh thông tin trao đổi, giải quyết các vướng mắc gặp phải ở địa phương trong suốt thời gian triển khai. “Theo tinh thần Quyết định 510/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 6.2.2007 thì việc xây dựng ISO dựa trên nhu cầu thực tế của từng đơn vị, địa phương. Nhưng Quyết định 516/QĐ-UBND ngày 15.2.2011 của UBND tỉnh khẳng định xây dựng dựa trên mô hình khung do Bộ KH-CN ban hành và theo kết quả của Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc lúng túng về hiểu tiêu chuẩn đã khó, làm theo lại phải tìm tòi, nghiên cứu càng khó hơn” - ông Cưu nói.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Tuyến - Chánh văn phòng Sở TN-MT, sở luôn đối diện với hàng loạt khó khăn do văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành TN-MT thường xuyên thay đổi, bổ sung khiến sở phải mất nhiều thời gian biên soạn và chỉnh sửa tài liệu, khiến tiến độ triển khai ISO chậm. Hơn nữa, ISO đòi hỏi phải rõ ràng, chính xác, phải mất nhiều thời gian đầu tư… Cũng theo nhiều đơn vị khác, “rào cản” không nhỏ trong triển khai ISO là sự hạn chế trong hoạt động tư vấn. Cán bộ tư vấn trong lĩnh vực doanh nghiệp mà tư vấn cho lĩnh vực nhà nước sẽ gây khó khăn cho khâu tiếp cận. Chính sự không hiểu hành chính lại gây khó, gây rườm rà thêm quy trình; hệ thống tài liệu lại phức tạp, quá hàn lâm… khiến nhiều cơ quan, đơn vị ngán ngẩm là thực tế cần khắc phục.

Nhân rộng điển hình

Không phải tất cả các địa phương đều lúng túng trong việc áp dụng HTQLCL ISO, thực tế vẫn xuất hiện các điển hình có thể kể đến như TP.Hội An; Sở KH-CN; Sở TN-MT, Sở Ngoại vụ… Trong đó, TP.Hội An được xem như điểm sáng cần nhân rộng.

Năm 2009, Hội An được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận về tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đối với các lĩnh vực về đất đai, đăng ký kinh doanh, xây dựng và sửa chữa nhà ở, thay đổi - cải chính hộ tịch, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…. HTQLCL của Hội An cũng đã hai lần được Công ty CP Vinacert tổ chức đánh giá, rà soát và công nhận là thực hiện tốt các quy trình đã đề ra. Theo ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: hiện nay, Hội An đã mở rộng áp dụng HTQLCL tại nhiều đơn vị, phòng ban. Điển hình có thể kể đến Phòng TN-MT với việc đẩy mạnh áp dụng ISO vào quản lý đất đai theo các quy trình như giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Ngoài ra, ISO còn được áp dụng tại Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Tư pháp (quản lý hồ sơ - hộ tịch); Phòng Thanh tra (giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo) khá hiệu quả. “Năm nay, Hội An sẽ mở rộng HTQLCL ISO ra một số phòng ban còn lại như: Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Kinh tế… trên cơ sở tiếp tục đơn giản các bộ hồ sơ, quy trình CCHC. Thành phố sẽ hoàn thiện một số nhiệm vụ, sẽ đầu tư mạnh cho bộ phận Tiếp nhận và hoàn trả kết quả với mục tiêu “rõ người, rõ việc, rõ thời gian” - ông Bay cho biết. Cũng theo ông Bay, nhờ ứng dụng phần mềm, làm tốt khâu quản trị nên việc cài đặt thêm một số quy trình phục vụ CCHC diễn ra khá thuận lợi. Đến nay, thành phố đã tiếp tục đầu tư 1 tỷ đồng nhằm cải cách và triển khai đồng bộ ISO đến các phòng ban còn lại. Đặc biệt, trong đợt lấy phiếu thăm dò sự hài lòng của công dân, tỷ lệ hài lòng chiếm gần 67% trong số gần 800 phiếu góp ý, là minh chứng rõ nét nhất cho sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân Hội An trong tiến trình phát triển, hội nhập.

Dù vẫn còn những hạn chế nhất định khi được áp dụng vào thực tế ở nhiều địa phương, song không thể phủ nhận những hiệu quả bước đầu mà ISO mang lại trong CCHC nếu được ứng dụng phù hợp với nhu cầu thực tế. Đây cũng chính là mục tiêu mà HTQLCL ISO hướng đến trong những năm tới.  

BÍCH LIÊN

BÍCH LIÊN