Đừng nhập nhằng quan chức và tiến sĩ
(QNO) - Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dấy lên một không khí bàn luận sôi nổi vì đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản nhất của VN hiện nay, trong đó lĩnh vực quan trọng nhất là cải cách thể chế để phát triển đất nước. Tôi chỉ nêu một vấn đề trong tầm tay của Thủ tướng có thể làm được ngay.
Giáo sư Trần Văn Thọ. Ảnh: tuoitre.vn |
Đó là thông điệp của Thủ tướng có đoạn sau: “Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ”.
Có lẽ ai cũng đã thấy điểm này rất quan trọng nếu không nói là tối quan trọng. Nhưng làm sao để có “đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao”?
Theo tôi, có ba việc phải làm:
(1) Phải có chế độ thi tuyển nghiêm túc quan chức từ trung ương đến địa phương, tiêu chuẩn đề bạt phải rõ ràng, công khai.
(2) Khẩn trương thực hiện việc cải cách tiền lương, cải thiện chế độ đãi ngộ quan chức kèm theo cơ chế nghiêm trị những trường hợp lạm dụng của công, tham nhũng, “hành dân”. Cải cách tiền lương không khó và nguồn lực xã hội không thiếu (vì quan chức vẫn sống được, nhiều người rất giàu), chẳng hạn chỉ cần triệt để bỏ cơ chế xin cho, đưa thu nhập ngoài lương vào tiền lương...
(3) Phải đoạn tuyệt quan hệ giữa văn bằng tiến sĩ với tiêu chuẩn, tư cách, trách nhiệm của một quan chức. Cần quyết định chấm dứt ngay việc xem văn bằng tiến sĩ là một tiêu chuẩn để đề bạt quan chức, cấm quan chức học tại chức để lấy bằng tiến sĩ, cấm quan chức tham gia việc đào tạo tiến sĩ.
"Tôi nghĩ là Thủ tướng có thể thấy rõ tác hại của vấn đề tiến sĩ và quan chức, một vấn đề chỉ có ở VN. Nhưng đây cũng là vấn đề có thể giải quyết dễ dàng, giải quyết ngay nếu Thủ tướng quyết tâm làm" |
Trong ba việc phải làm vừa đề cập ở trên, việc thứ ba không cần thì giờ chuẩn bị, không cần ngân sách, Thủ tướng có thể quyết định và thực hiện ngay.
Trí thức trong và ngoài nước hơn 10 năm nay đã nêu lên các tệ hại của vấn đề quan chức và văn bằng tiến sĩ, tệ hại không những đối với việc hiệu suất hóa bộ máy hành chính mà còn làm giảm nghiêm trọng giá trị văn bằng này tại VN.
Ngẫu nhiên vài hôm trước tôi nhận được thư của một nghiên cứu sinh tiến sĩ đang làm việc trong một viện nghiên cứu của Bộ Công thương. Bạn này đã đọc một số bài viết của tôi đăng ở các báo trong nước về vấn đề đào tạo tiến sĩ, về tiêu chuẩn khoa học của một luận án tiến sĩ kinh tế nên viết thư làm quen và mong được chỉ dẫn để viết một luận án đạt tiêu chuẩn. Tôi đánh giá cao thái độ nghiêm túc của bạn này và thấy có thiện cảm. Nhưng thư của bạn này một lần nữa nhắc tôi trở lại vấn đề tiến sĩ và quan chức.
Bạn ấy cho biết một trong hai người hướng dẫn luận án tiến sĩ là một vụ trưởng của Bộ Công thương. Thông tin này cho thấy có ba vấn đề chúng tôi đã nêu lên từ hơn 10 năm nay nhưng rất tiếc vẫn chưa thay đổi. Thứ nhất, một vụ trưởng trong một bộ có trọng trách phát triển công nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế làm sao có thì giờ làm một nghề tay trái rất phức tạp như thế? Dân chúng đang lo thấy hàng công nghiệp của Trung Quốc tràn lan trên thị trường, nhập siêu với Trung Quốc ngày càng trầm trọng, tại sao ông vụ trưởng không để thì giờ lo việc đại sự này?
Thứ hai, hướng dẫn nghiên cứu luận án tiến sĩ phải là một giáo sư chuyên nghiệp ở đại học, ở các viện nghiên cứu hàn lâm, thường xuyên đọc tư liệu trong và ngoài nước để theo dõi những lý luận mới, những kết quả nghiên cứu mới. Ông vụ trưởng dĩ nhiên không có đủ thì giờ và không đủ năng lực của một giáo sư chuyên nghiệp. Đây cũng là lý do nhiều luận án tiến sĩ xa rời với tiêu chuẩn phải có của thế giới, và do đó văn bằng tiến sĩ ở VN (đặc biệt về chính trị, kinh tế) nói chung không có mấy giá trị, ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu khoa học của đất nước.
Thứ ba, viện nghiên cứu của một bộ chức năng trong Chính phủ phải có trách nhiệm đề xuất những vấn đề chiến lược chính sách phát triển đất nước trong lĩnh vực của bộ đó, hoặc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho quan chức thuộc bộ đó, không nên và không thể làm nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ.
Ngẫu nhiên nhận được thư của một bạn trẻ trong Bộ Công thương nên tôi nêu trường hợp cụ thể này cho dễ hiểu, chứ tình hình này không phải chỉ ở Bộ Công thương mà còn có ở nhiều bộ khác.
Theo GS TRẦN VĂN THỌ (Tuoitre.vn)