Dạy học tiếng Anh tăng cường tại trường THCS và THPT: Nhiều ý kiến trái chiều
Ngành GD-ĐT đang triển khai thí điểm kế hoạch dạy học tiếng Anh tăng cường với giáo viên nước ngoài theo hình thức xã hội hóa ở bậc THCS và THPT. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều chung quanh kế hoạch dạy học này.
Băn khoăn
Một phụ huynh của Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) cho biết, nhà trường vừa gửi cho con chị đơn đăng ký học tiếng Anh bổ trợ với giáo viên nước ngoài của Công ty Atlantic. Nội dung đơn đề nghị phụ huynh đăng ký cho con học với thời lượng 4 tiết/tháng, học phí mỗi tiết 50 nghìn đồng/học sinh (HS), tương đương 200 nghìn đồng/tháng.
“Giá tiền như vậy tính ra 1 tháng đơn vị phối hợp với nhà trường dạy học thu về 1 lớp 40 HS là 8 triệu đồng, tính ra 1 trường thì bộn tiền. Nhà trường gửi đơn nếu phụ không đăng ký thì đến giờ học các em ra ngoài lớp hay sao? Hơn nữa, liệu việc học này có hiệu quả hay chỉ tốn thời gian của HS?” - vị phụ huynh này băn khoăn.
Một phụ huynh khác đặt câu hỏi, vì sao Sở GD-ĐT không có kế hoạch sớm, để nhà trường thông báo trong cuộc họp phụ huynh HS đầu năm học? Không biết các trường bố trí cho HS học vào khung giờ nào, nếu bố trí học trong giờ học chính khóa thì những HS không đăng ký học sẽ làm gì, ở đâu trong giờ các bạn học tiếng Anh? Chất lượng giảng dạy của trung tâm được chọn như thế nào? Cũng có ý kiến lo ngại việc mở thêm lớp học này trong nhà trường dẫn đến quá tải, tạo áp lực đối với HS.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - thầy Nguyễn Tự Lực cho biết, nhà trường triển khai kế hoạch dạy tiếng Anh theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ.
Kế hoạch của trường nếu tổ chức lớp học thì học trái buổi với giờ học chính khóa của HS và chỉ học 2 buổi/tháng (mỗi buổi 2 tiết). Việc triển khai vừa qua chỉ là bước 1 để biết nhu cầu, số lượng HS đăng ký, sau đó mới triển khai tiếp các bước còn lại.
“Dù vậy, tôi băn khoăn là việc thu chi hiện chưa có quy định vì phải chờ nghị quyết HĐND tỉnh ban hành nên rất khó cho nhà trường, nhất là những khoản thu xã hội hóa vốn có nhiều tiếng ra tiếng vào” - thầy Lực chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tâm Hiền - Phó phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ đề xuất nên chọn bộ sách giáo khoa tiếng Anh trong chương trình của Bộ GD-ĐT phê duyệt (ngoài bộ sách đang giảng dạy trong nhà trường) để dạy học, khỏi lăn tăn về thẩm định nội dung chương trình, tài liệu dạy học.
Tự nguyện và thí điểm
Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, việc ban hành kế hoạch dạy học tiếng Anh tăng cường là tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 5299 (ngày 9/8/2023) về việc triển khai dạy học chương trình tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa.
“Mục tiêu là tạo môi trường dạy và học tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài nhằm nâng cao năng lực giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói tiếng Anh của HS. Đồng thời, giúp đội ngũ giáo viên tiếng Anh cải thiện năng lực tiếng Anh, hoàn chỉnh phương pháp dạy học thông qua hoạt động trợ giảng. Bước đầu thí điểm ở một số địa phương có điều kiện gồm Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ và Hội An” - ông Tường nói.
Trước những băn khoăn của phụ huynh, ông Tường khẳng định, việc triển khai dạy học phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, có sự đồng thuận của HS, phụ huynh và đây là dạy bổ trợ, tăng cường.
Nếu phụ huynh, HS thấy cần thiết, có điều kiện, thời gian học thì đăng ký tham gia chứ không bắt buộc. Thời lượng và thời khóa biểu bố trí khoa học, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho HS; việc học này không ảnh hưởng đến chương trình chính khóa, không ảnh hưởng đến việc đánh giá HS.
Liên quan đến vấn đề thu chi, ông Tường cho biết, đây là dạy học theo hình thức xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện và thỏa thuận giữa phụ huynh với đơn vị dạy học, nhưng không quá 50 nghìn đồng/tiết.
Sở đang xây dựng đề án và sắp tới tham mưu UBND tỉnh và HĐND tỉnh nghị quyết về quy định các khoản thu trong nhà trường, trong đó có khoản thu tiền học này. Sở cũng chỉ đạo các trường THCS, THPT hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ trên cả nước đảm bảo các điều kiện về giáo viên người nước ngoài; có uy tín, chất lượng; có kinh nghiệm dạy học tiếng Anh ở các trường phổ thông để tổ chức dạy học.