An toàn giao thông cho học sinh: Cần hành động quyết liệt

CÔNG TÚ 21/09/2023 07:58

Đã có nhiều văn bản yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông, song tình trạng học sinh không tuân thủ an toàn giao thông vẫn diễn ra, vì vậy cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành liên quan và cả phụ huynh học sinh.

Học sinh Trường THPT Duy Tân nêu suy nghĩ về vấn nạn tai nạn giao thông với lãnh đạo Văn phòng Ban ATGT tỉnh. Ảnh: C.T
Học sinh Trường THPT Duy Tân nêu suy nghĩ về vấn nạn tai nạn giao thông với lãnh đạo Văn phòng Ban ATGT tỉnh. Ảnh: C.T

Chỉ đạo xuyên suốt

Ngày 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã ký văn bản số 3407 gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban ngành, hội đoàn thể cùng UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và đảm bảo ATGT cho học sinh, sinh viên.

Tiếp tục ngày 29/8, Ban ATGT tỉnh có văn bản chỉ đạo các bên liên quan, yêu cầu phải tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT của tháng cao điểm học sinh đến trường (tháng 9).

Trước đó, Sở GDĐT cũng đã gửi công văn chỉ đạo trưởng phòng GD-ĐT cấp huyện, hiệu trưởng các trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung của Tháng cao điểm ATGT cho học sinh, sinh viên đến trường.

Sở GD-ĐT đã yêu cầu phòng GD-ĐT cấp huyện chỉ đạo tổ chức ký cam kết giữa gia đình và nhà trường về giáo dục và đảm bảo ATGT cho các em học sinh, chấp hành đúng các quy định liên quan. Gia đình tuyệt đối không giao mô tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe... Quán triệt đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm túc các quy tắc an toàn, như đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, không chở quá số người quy định, không vượt đèn đỏ, không lái xe khi đã uống rượu, bia, không phóng nhanh, vượt ẩu; thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT đường thủy, đường sắt…

Có thể thấy, UBND và Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật trật tự ATGT nơi học đường.

Đáng chú ý, Sở GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức ký giao ước thi đua giữa các nhà trường, cơ sở giáo dục với phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT về chấp hành pháp luật trật tự ATGT. Cạnh đó, ngành chức năng phải hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật ATGT.

Phát động phong trào học sinh ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông; tiếp tục đưa nội dung giáo dục pháp luật về ATGT là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm tập thể và cá nhân vi phạm.

Nhưng qua thực tế, học sinh vi phạm trật tự ATGT vẫn diễn ra khắp nơi. Điển hình như đi xe máy khi chưa đủ tuổi, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ cao, chở ba, chở bốn, đi dàn hàng ngang, đùa giỡn khi đang đi trên đường… Nhiều người dân phản ánh, học sinh cũng là đối tượng vượt đèn đỏ chiếm số lượng đông tại khu vực có đèn tín hiệu điều khiển giao thông.

Ở gần các trường THCS và nhất là THPT, người dân “mở dịch vụ” giữ xe để thu phí phương tiện xe máy học sinh đi học gửi lại, nhằm tránh bị nhà trường phát hiện, lập biên bản. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng không có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật trật tự ATGT trong học sinh được Ban ATGT tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh chú trọng thực hiện ngay tại cơ sở giáo dục.

Ông Phan Đức Tiễn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, đơn vị đang triển khai Kế hoạch số 118 về tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT và hướng dẫn lái xe an toàn cho học sinh THPT trong tháng cao điểm đến trường.

Theo đó, Ban ATGT tỉnh chọn 4 trường gồm THPT Duy Tân (Tam Kỳ), THPT Hùng Vương (Thăng Bình), THPT Nguyễn Văn Cừ (Quế Sơn) và THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) để triển khai làm điểm mẫu.

Thầy Lê Minh Thơ - Hiệu trưởng Trường THPT Duy Tân chia sẻ, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT được đơn vị thực hiện thường xuyên thông qua sinh hoạt chuyên môn, công tác chủ nhiệm và phong trào đoàn.

Ngôi trường nằm tại địa bàn đặc thù có 2 tuyến giao thông đi qua là đường Võ Chí Công và đường Nguyễn Tất Thành nối dài với lưu lượng phương tiện lớn, chạy tốc độ cao nên rất nguy hiểm nếu học sinh, kể cả giáo viên, nhân viên không tuân thủ quy tắc an toàn. Thực tế, vẫn còn một bộ phận học sinh của trường điều khiển, hoặc ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chở bốn, đi xe phân khối lớn…

Theo thầy Thơ, Ban ATGT tỉnh và Sở GD-ĐT chọn nhà trường là nơi tổ chức tuyên truyền ATGT, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn là hoạt động thiết thực. Bởi lẽ, học sinh sẽ thấy được hậu quả tai nạn giao thông như thế nào, nguy cơ hiểm họa rình rập từ hành động thiếu ý thức của bản thân mỗi khi tham gia giao thông, trách nhiệm đối với gia đình, nhà trường và cộng đồng.

“Trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên theo dõi kiểm tra, đề xuất để biểu dương, khen thưởng tấm gương học sinh điển hình, kiểm điểm những em vi phạm. Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm học sinh vi phạm và gửi thông báo về nhà trường để có biện pháp giáo dục, kiểm điểm” - thầy Thơ nói.

CÔNG TÚ