Định hướng nghề cho học sinh miền núi: Khoảng trống cần lấp
Với học sinh miền núi, nhất là vùng cao, xác định đúng ngành, nghề để học và làm việc là câu chuyện không dễ. Lực cản có từ nhiều phía, và đó là nguyên nhân của đói nghèo.
Cần định hướng đúng
Trả lời về chuyện định hướng nghề cho học sinh lớp 9, khi không vào được cấp 3, thầy giáo Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My) cho rằng, đó là việc quan trọng.
Ở cấp 2, chương trình học cũng có các giờ hướng nghiệp. Nhưng thực tế khác hẳn. Học sinh miền núi, vốn hạn chế trong nhận thức hơn đồng bằng, thêm vào tâm lý thụ động, tự ti, cho nên để các em hiểu được bản thân mình, nếu không học nữa thì làm nghề gì thích hợp, là chuyện không đơn giản.
Miền núi còn khó khăn, nên khi chọn nghề, ai cũng muốn thoát khó nhanh, bền vững. “Định hướng nghề nghiệp ở học sinh miền núi lâu nay thường được các trường làm theo hướng các em học ngành nghề có chế độ chính sách, chứ không hướng chọn các ngành nghề để làm thợ giỏi. Nhưng đây là kiểu tư vấn, mà theo học bỏ đó chứ không có nghĩa là học để làm, gây ra sự lãng phí” - thầy Chín nói.
Định hướng nghề nghiệp ra sao ở học sinh lớp 12, càng quan trọng bởi cơ hội cho các em rất lớn nếu đi đúng đường; hơn nữa ở độ tuổi này, có học rồi làm việc, là đủ chín. Tại miền núi, nếu cha mẹ là cán bộ thì còn đỡ, chứ cha mẹ làm nông, kiến thức hạn hẹp, chắc chắn các em sẽ gặp khó.
Nhiều giáo viên gặp nhau ở nhận định, là ở miền núi bây giờ, cán bộ hướng con đi học để về làm giáo viên, bác sĩ, cán bộ, mà phải học đại học, chứ cao đẳng, trường nghề là coi chừng bị xem thường. Cán bộ đã nghĩ vậy, thì dân nghĩ gì? Ở trường, nếu trường nào thầy cô nỗ lực định hướng cho các em, thì đó là cơ may. Còn nếu không, các em sẽ thiệt thòi.
Học xong, ở nhà, cưới vợ, tách hộ ra là thành hộ nghèo. Đây chính là “công thức” chung của nhiều thanh niên miền núi. Vì thế không lạ, tỷ lệ đói nghèo cứ dai dẳng.
Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh miền núi, liệu có được làm mạnh như phong trào khởi nghiệp? Chừng nào các cấp lãnh đạo thấy được điều này, là trách nhiệm chung, không chỉ của ngành giáo dục, thì may ra mới góp phần chuyển biến mạnh ở tâm lý các em và gia đình về nhận thức nghề nghiệp: phải chọn cho đúng ngành nghề.
Vẫn còn định kiến nghề nghiệp
Là đơn vị nhiều năm qua thường xuyên tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho học sinh các cấp ở miền núi, Trường Cao đẳng Quảng Nam là nơi tiếp nhận rất nhiều học sinh miền núi vào học nghề. Nhưng cũng chính qua các buổi tư vấn, cho thấy định kiến nghề, ngành, cấp học, lệch chuẩn trong lao động trí óc và chân tay còn rất lớn.
Thầy Phạm Hải Anh - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ việc làm (Trường Cao đẳng Quảng Nam) cho biết: “Tâm lý tự ti, ngại va chạm và sợ khổ khá phổ biến; thích học đại học, không thì ở nhà. Đi học nghề rất ít. Khi tổ chức tư vấn, phát phiếu đăng ký rất đông, nhưng 10 em đăng ký thì đi học chỉ một vài em.
Mới đây, trung tâm tổ chức tư vấn tại Bắc Trà My, phân luồng học sinh lớp 9 không vô lớp 10, cả lớp 12 không vô đại học, cao đẳng, thì tỷ lệ đi học nghề rất thấp, còn lại ở nhà. Tại xã Tr’Hy có trường hợp học sinh 12 là con hộ nghèo, nhưng đăng ký học quản lý nhà nước tại Đại học Huế.
Lý do gia đình đưa ra là học có chính sách hỗ trợ học phí. Nhưng hỏi lại, vậy sinh hoạt phí ở đâu ra, thì họ lắc đầu. Một em khác, không biết nghe ai tư vấn ra Đà Nẵng học kỹ thuật ô tô. Tôi hỏi, sao không học Tam Kỳ, cũng hưởng chính sách, rồi vào nhà máy ô tô Trường Hải thực tập có lương? Em lắc đầu, không nói lý do”.
Theo PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam, tại trường có các lớp cho học sinh lớp 9 không thi đậu vào cấp 3, còn nghề cho học sinh đã lớp 12 là đa dạng. Việc tư vấn nghề trường thực hiện đều đặn, dưới nhiều hình thức, trực tiếp và trực tuyến.
Nhiều ngành nghề, học xong là có việc làm, có lương ngay. Nhà trường cập nhật chương trình mới nhất, mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình. Trước khi các em tốt nghiệp, doanh nghiệp sẽ đến nói chuyện vài buổi về công việc và yêu cầu khi bước vào làm.
“Ví dụ ngành chăn nuôi, thú y, có 4 tập đoàn ký kết đào tạo với trường, ra trường là các em có việc làm ngay, có lương cao hơn hẳn so với mới học ra làm công chức nhà nước, chưa nói không phải dễ thi công chức. Ở đây chính là định kiến sai về nghề. Có học chi cũng phải làm một nghề, mà làm giỏi thì đó là tốt nhất. Chế độ chính sách cho học sinh miền núi, Nhà nước quy định ra sao thì trường thực hiện đúng như thế. Vấn đề quan trọng là giúp các em thoát định kiến, nhìn nhận cho đúng” - PGS-TS.Phương Anh nói.
Chuyện phân luồng từ lớp 9, được thực hiện từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn là “phim dài nhiều tập”, dai dẳng và gay gắt không lối ra. Khúc mắc ở chỗ, lớp 9 xong, nếu không vào lớp 10 thì học nghề và chỉ được học trung cấp. Học xong mới 17 tuổi, sẽ không doanh nghiệp nào nhận vì chưa đủ 18 tuổi.
Vấn đề thứ hai, đa số các em học xong 12, không học nghề, có thêm lý do là cha mẹ không muốn con đi xa, các em cũng sợ ở môi trường khác lạ. Vậy giải quyết làm sao, bởi số còn lại này không biết phải làm gì, dễ sinh ra nhiều vấn đề xã hội nhức nhối?
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh nêu quan điểm: Trường nghề, khi tuyển sinh, hãy nói rõ cho các em lớp 9 là chỉ học được trung cấp, các em vào học chỉ học được văn hóa nghề chứ không phải được học hết cấp 3. Học sinh 12 nếu không thể học nghề ở xa, thì tại mỗi trường THPT phải có khu dạy nghề cho các em, dạy lý thuyết, còn thực tập sẽ vào doanh nghiệp. Bản thân các trường nghề phải tổ chức dạy lưu động.
Chưa hết, các trường nghề và các trung tâm giáo dục thường xuyên phải liên kết vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa, để các em tốt nghiệp là có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp cấp 3. Đó cũng là cơ hội để các em tiếp tục học liên thông lên cao đẳng hay đại học, nếu muốn. Vấn đề này phải giải quyết căn cơ, khả thi, đi kèm cam kết từ nơi đào tạo là ra trường phải có việc làm. Không giải quyết tận gốc vấn đề thì học sinh miền núi không nghề nghiệp ổn định, là gánh nặng triền miên cho gia đình và xã hội.