Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong sinh viên
Những kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong sinh viên đã được các trường đại học, cao đẳng trong nước chia sẻ nhân hội thảo quốc gia về giáo dục nghề nghiệp gắn với khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, điều kiện kết nối cung - cầu, hợp tác trong và ngoài nước nhằm gia tăng nguồn lực cho khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo hết sức thuận lợi.
PGS-TS. Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) là mấu chốt cần thiết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng KHCN thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp.
Đây là mối quan hệ tương tác, hỗ trợ nhau theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. DN có vai trò quyết định trong tạo lập các liên kết và đưa hoạt động hợp tác cụ thể đó vào thực tiễn, kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực.
Vì thế, nhà trường cần đổi mới và sáng tạo trong phương thức hợp tác với DN, nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của doanh nhân, DN trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Từ đó thu hút nguồn lực phục vụ thương mại hóa sản phẩm KHCN, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.
Với Đại học Quốc gia Hà Nội, đây là sứ mệnh. Nên nhiều sản phẩm của sinh viên thông qua các hội chợ KHCN đã được thương mại hóa, thu hút được nguồn lực đầu tư, tạo lập được các DN từ chính sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ.
Tại Đại học Huế, cùng với cơ chế hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chiến lược phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được ban hành, giúp các đơn vị thành viên và trực thuộc có căn cứ xây dựng kế hoạch hành động. Không gian khởi nghiệp của Đại học Huế đã được đầu tư. Đây là nơi làm việc, kết nối hiệu quả giữa các nhóm khởi nghiệp, sinh viên, nhà nghiên cứu và DN.
Theo TS. Huỳnh Kim Toản - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Đại học Huế, để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều việc đã được thực hiện bài bản, lâu dài, đi từ bước truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng đội ngũ, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp nhằm tìm kiếm dự án, ý tưởng đầu vào, và ươm tạo khởi nghiệp để hỗ trợ phát triển ý tưởng trong giai đoạn đầu. Tiếp theo, trung tâm hỗ trợ cho các nhóm ý tưởng kết nối, tranh thủ mọi nguồn lực, từ trong đến ngoài nước, từ DN đến nguồn lực của Chính phủ.
Theo ông Toản, trong thời gian tới, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, chương trình giảng dạy về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ được đưa vào chương trình đào tạo.
Đồng thời thành lập DN trực thuộc Đại học Huế để đầu tư nghiên cứu, thí điểm sản xuất thử sản phẩm từ ý tưởng, tổ chức ươm tạo các ý tưởng, hợp tác với DN nhằm thương mại hóa sản phẩm KHCN, mang lại hiệu quả trong thực tế.