Cần chú trọng sức khỏe học đường

XUÂN HIỀN 29/08/2023 09:47

Chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học vì sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho trẻ em là điều đáng được quan tâm. Sức khỏe học đường (SKHĐ) được xem là nền tảng chung của mọi năng lực khác của học sinh, trong đó có năng lực trí tuệ nên cần sự “đầu tư” đồng bộ.

Nhiều trường mầm non tư thục tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em thông qua việc hợp đồng cùng một số cơ sở y tế. Ảnh: X.H
Nhiều trường mầm non tư thục tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em thông qua việc hợp đồng cùng một số cơ sở y tế. Ảnh: X.H

Báo động...

Được hình thành từ 3 trụ cột chính là dinh dưỡng học đường, thể lực học đường và vệ sinh trường học, SKHĐ giúp phát triển thể chất và tinh thần để học sinh có cơ thể và trí não khỏe mạnh. Tuy nhiên, cùng với xu hướng gia tăng các nguy cơ của bệnh không lây nhiễm ở lứa tuổi học đường, các yếu tố dẫn đến SKHĐ chưa đảm bảo cũng ở mức báo động.

Theo công bố từ Bộ GD-ĐT, cả nước có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng trong trường học chưa được đào tạo bài bản, thực đơn bữa ăn chưa bảo đảm khoa học. Công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi do điều kiện kinh tế còn hạn chế.

“Chúng tôi kiến nghị cần mở rộng tiêu chí trong yêu cầu đào tạo với vị trí nhân viên y tế học đường để bổ sung nguồn tuyển, có thể tuyển dụng điều dưỡng cho công việc này. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần đưa tiêu chí có nhân viên y tế học đường trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả trường học, tránh tình trạng cấp “gói tiêu chí cứng” thì nhiều trường học sẽ cắt vị trí việc làm này để ưu tiên cho công việc khác” - đại diện Sở GD-ĐT nói.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ ở mức trung bình, trong đó suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 11,8%, suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm khoảng 23%.

Năm 2023, Quảng Nam cũng là nơi xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học. Ngoài ra, tỷ lệ mắc các bệnh về mắt tại Quảng Nam vẫn còn khá cao, trong đó các tật khúc xạ về mắt tại học sinh đang gia tăng. Chưa kể, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học trở thành vấn đề nhức nhối ở các trường học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế đã công bố kết quả khảo sát sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam trong năm học 2019 - 2020.

Theo đó, các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm ở lứa tuổi từ 13 - 17 tuổi có xu hướng tăng. Vấn đề được đặt ra là cần kiểm soát các yếu tố gây nguy cơ của các nhóm bệnh không lây nhiễm.

Cụ thể, tỷ lệ học sinh ăn thức ăn nhanh ít nhất một lần một tuần tăng từ 30,2% lên 54,1%. Tỷ lệ học sinh thừa cân tăng gần gấp đôi, từ 5,8% lên 10,6%, và tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng, với 2,6% trên cả nước và 7,9% ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.  

Nên có nhân viên y tế học đường

Tháng 4/2022, Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 được UBND tỉnh ban hành với mục tiêu đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh, tăng cường các hoạt động thể chất cũng như tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý...

Các yêu cầu cụ thể được đặt ra, bao gồm phải có 95% trường học bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định; 100% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học theo quy định; 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế; 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh; 75% trường học được cung cấp đủ nước sạch bảo đảm chất lượng theo quy định... 

Tuy nhiên, nhân lực hoạt động y tế trường học tại Quảng Nam hiện chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm. Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay có ít trường đủ nhân viên y tế học đường. Lực lượng này chủ yếu đã được tuyển dụng từ trước hoặc đang kiêm nhiệm.

“Hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các trường học gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển. Mặt khác, theo yêu cầu vị trí việc làm, nhân viên y tế học đường phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, tức là tối thiểu phải là y sĩ đa khoa.

Trên thực tế, số người tốt nghiệp y sĩ đa khoa ít, các cơ sở đào tạo y tế đã ngừng đào tạo mã ngành này. Hầu hết trường học phải hợp đồng với nhân sự đào tạo điều dưỡng cho vị trí nhân viên y tế học đường do không có hồ sơ ứng tuyển đạt yêu cầu trình độ đào tạo. Một nguyên nhân nữa, khi thực hiện lộ trình tinh giảm biên chế, Sở Nội vụ chỉ giao cho mỗi đơn vị từ 4 - 5 chỉ tiêu đối với vị trí nhân viên trường học.

Tùy theo đặc thù từng trường (như trường mầm non, trường có tổ chức bán trú…) thì hiệu trưởng sẽ dành một chỉ tiêu biên chế nhân viên y tế, còn lại các trường gần như ưu tiên cho những vị trí khác như kế toán, nhân viên thiết bị, văn thư…” - đại diện Sở GD-ĐT cho biết. 

Đa số trường hiện nay nếu không có nhân viên y tế thì duy trì hình thức hợp đồng với trạm y tế xã, phường. Khi học sinh gặp vấn đề về sức khỏe, tai nạn… khi đang sinh hoạt tại trường thì sẽ được chuyển đến trạm y tế xã để kịp thời sơ cấp cứu.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho rằng, ngay khi chuẩn bị vào năm học mới, chăm sóc SKHĐ cũng nên cần được xem trọng.

“Chúng tôi mong muốn mỗi trường học phải có một nhân viên y tế học đường vì hoạt động y tế học đường không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe; triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh; xây dựng khung dinh dưỡng hợp lý, góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho các em. Do đó, y tế học đường có vai trò quan trọng trong mỗi trường học” - bà Vân chia sẻ.

XUÂN HIỀN